Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, hàu hiện đang đứng trong nhóm bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực thuộc các loài nhuyễn thể có vỏ. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàu đạt 14 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 334 tỷ đồng. Các công tác nghiên cứu, cải tiến quy trình nuôi, cải thiện chất lượng con giống hàu đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người nuôi.

 

Hàu là một trong những loại hải sản có giá trị kinh tế cao và được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3529/QĐ-BNN-TCTS, phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo quyết định này, các vùng nuôi hàu thương phẩm tập trung đã được phân bổ, với mục tiêu “đến năm 2030 tổng diện tích nuôi hàu đạt 3.370 ha”“sản lượng đạt 33.990 tấn”. Để đạt được những mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được Bộ xác lập. Trong đó, nổi bật là định hướng tăng cường nghiên cứu về giống và nhập khẩu công nghệ mới để chuyển giao, áp dụng vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sản xuất giống sạch bệnh.

Trước khi Quyết định số 3529/QĐ-BNN-TCTS được ban hành, nhiều nghiên cứu và thử nghiệm nhằm tạo ra các giống hàu chất lượng đã được triển khai tại Việt Nam. Có thể kể đến như nghiên cứu năm 2014 của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I về “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu Thái bình dương (crassostrea gigas)”. Các nhà nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống, với tỷ lệ sống từ hàu ấu trùng đến hàu giống cấp 1 đạt từ 14,1%-16,1%, hàu giống cấp 1 lên hàu giống cấp 2 đạt trung bình 87,1%; công nghệ nuôi thương phẩm đã được hoàn thiện với năng suất đạt 3,02% tấn/bè nuôi (9mx9m). Dự án cũng đã tập huấn kỹ thuật cho nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản tại huyện Cát Hải (Hải Phòng), huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), đồng thời chuyển giao công nghệ cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa. Cùng năm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III triển khai thực hiện dự án “Thử nghiệm sản xuất giống hàu (crassostrea gigas) bám đơn chất lượng cao và xây dựng mô hình nuôi hàu thương phẩm (từ con giống hàu bám đơn) tại vùng cửa sông ven biển thuộc huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang”. Kết quả, đã hoàn thiện quy trình và các chỉ tiêu kỹ thuật về nuôi hàu Thái bình dương thương phẩm từ con giống bám đơn trong ao đầm và khu vực ven cửa sông, mở ra hướng đi mới cho mô hình nuôi hàu thương phẩm tại khu vực này. Năm 2016, Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận công bố kết quả “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông (crassostrea rivularis) và hàu Thái bình dương (crassostrea gigas) tại Ninh Thuận”. Nghiên cứu này đã hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo nguồn con hàu giống phù hợp với điều kiện tự nhiên tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm. Tiếp nối thành quả nghiên cứu, cùng năm, Trung tâm triển khai thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận”. Sau hai năm triển khai, dự án đã phát triển hơn 100 mô hình nuôi hàu Thái bình dương với năng suất trung bình đạt 14,1 tấn/ha, mang lại lợi nhuận bình quân khoảng 57 triệu đồng/hộ mô hình.

Để phát triển bền vững nghề nuôi hàu, năm 2018, Viện Hải dương học đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả thu giống và nuôi hàu thương phẩm để nhằm hạn chế tác động môi trường tại tỉnh Bến Tre”. Đề tài đã xác định vỏ hàu cũ có thể sử dụng để thay thế hoàn toàn tấm fibro xi măng làm giá thể, cho nhiều ưu điểm như: thân thiện với môi trường, hàu phát triển tốt, sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn hơn 3-5 tháng so với dùng tấm fibro xi măng, trong khi chi phí nuôi chỉ bằng 20-25%. Năm 2020, Công ty TNHH Thủy sản Việt Nhật nghiên cứu thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống hàu cửa sông (crassostrea rivularis) tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn”. Dự án đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất giống hàu cửa sông, tạo ra 100 triệu con giống đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng và sạch bệnh, phù hợp với đặc điểm khí hậu của vùng. Một dự án khác, cũng được triển khai tại huyện Kim Sơn, là dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống hàu Thái bình dương (crassostrea gigas) tại huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình” do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển thủy sản Bình Minh thực hiện từ năm 2020. Dự án đã hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho 100 hộ dân bộ quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo hàu Thái bình dương, từng bước hỗ trợ người nuôi nắm vững kỹ thuật, từ đó góp phần nâng cao giá trị hàu tại địa phương.

Tại TP.HCM, ngày 24/12/2021 UBND Thành phố đã phê duyệt (Quyết định số 4310/QĐ-UBND) kế hoạch thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn TP.HCM. Trên cơ sở này, UBND Huyện Cần Giờ đã có kế hoạch (số 4591/KH-UBND ngày 9/8/2022) triển khai Nghị quyết phát triển thủy sản và chiến lược phát triển thủy sản Cần Giờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định hàu là một trong các sản phẩm nuôi chiến lược, được ưu tiên phát triển các vùng nuôi chuyên canh chính.

Gần đây, đề tài “Nghiên cứu chọn giống tăng trưởng hàu sữa (Crassostrea angulata) và thử nghiệm nuôi thích nghi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas Thunberg, 1973) tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ” do ThS. Nguyễn Thành Luân và cộng sự (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) triển khai thực hiện từ năm 2020 vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu. Đề tài đã tạo thành công 1.000 con hàu sữa bố mẹ cho chọn giống thế hệ tiếp theo sạch bệnh virus Herpes OsHV-1. Sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, hàu chọn giống cho thấy tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn so với hàu được sản xuất từ bố mẹ thông thường. Nhóm nghiên cứu đã xác nhận khả năng thích nghi và phát triển của giống hàu sữa tại TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ, tạo điều kiện nhân rộng mô hình nuôi hàu sữa và phát triển giống thương phẩm bền vững. Qua đó, sản lượng, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của con hàu được nâng cao, đồng thời đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

Mô hình nuôi hàu sữa (Nguồn: Kết quả nghiên cứu)

Bên cạnh việc nghiên cứu sản xuất các giống hàu chất lượng, sử dụng cho mục đích tiêu thụ trực tiếp, các nhà nghiên cứu, cũng có những nghiên cứu nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ hàu.

Năm 2016, một số loại sản phẩm (như hàu xông khói, hàu khô chín tẩm gia vị và dầu hàu) góp phần làm phong phú thêm danh mục sản phẩm từ hàu trên thị trường đã được Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện qua dự án "Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến một số sản phẩm từ hàu (crassostrea gigas Thunberg 1793)", được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng nghiệm thu. Năm 2020, dự án “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến hàu Thái bình dương thành sản phẩm hàu sấy khô, hàu tẩm ướp gia vị và nem hàu tại Quảng Ninh” được Công ty TNHH MTV Đầu tư Sơn Hải Minh phối hợp Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh thực hiện. Các nhà nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất và tiến hành thử nghiệm thành công 300kg sản phẩm hàu chế biến, góp phần nâng cao giá trị hàu địa phương. Năm 2021, của các nhà nghiên cứu Trường Đại học Nha Trang đã tạo ra được bánh cracker giàu dinh dưỡng từ thịt hàu, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và có tiềm năng thương mại cao thực hiện. Đây là kết quả thu được từ nghiên cứu "Phát triển quy trình chế biến sản phẩm bánh cracker bổ sung thịt hàu Thái bình dương (crassostrea gigas)".

***

Các kết quả nghiên cứu thành công trong sản xuất giống hàu tại các địa phương đã cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi hàu tại Việt Nam. Các đề tài, dự án từ các tổ chức, viện trường, doanh nghiệp đã góp phần cải thiện chất lượng giống, tối ưu hóa quy trình nuôi trồng, từ đó gia tăng năng suất và giá trị kinh tế cho người nuôi. Đồng thời, việc đa dạng hóa sản phẩm từ hàu thông qua các quy trình chế biến đã mở thêm cơ hội gia tăng thu nhập và việc làm cho người dân.

Kim Nhung

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Kế hoạch số 4591/KH-UBND ngày 09/08/2022 về Triển khai thực hiện nghị quyết phát triển thủy sản và chiến lược phát triển thủy sản Cần Giờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[2] Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia https://nsti.vista.gov.vn/
[3] Thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[4] Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Thành công trong nghiên cứu chọn giống tăng trưởng hàu sữa và thử nghiệm nuôi thích nghi. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/thanh-cong-trong-nghien-cuu-chon-giong-tang-truong-hau-su-va-thu-nghiem-nuoi-thich-nghi/
[5] Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. https://vjst.vn/
[6] Tạp chí Thủy sản Việt Nam. Quảng Ninh: Nghiên cứu thành công công nghệ chế biến hàu. https://thuysanvietnam.com.vn/quang-ninh-nghien-cuu-thanh-cong-cong-nghe-che-bien-hau/
[7] Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu nghêu, hàu sống tăng mạnh. https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/hai-san-khac/xuat-nhap-khau/xuat-khau-ngheu-hau-song-tang-manh-29831.html
[8] Sử dụng giá thể thân thiện với trường để phát triển bền vững nghề nuôi hàu ở Bến Tre. http://www.vnio.org.vn/Trangch%E1%BB%A7/tabid/36/ctl/Details/mid/408/ItemID/1445/language/vi-VN/Default.aspx

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập