Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

An ninh lương thực là sự đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và phụ thuộc nguồn lương thực nhập khẩu. Theo định nghĩa của FAO thì “An ninh lương thực là mọi người có quyền tiếp cận các thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động.”

Trong thời đại ngày nay, an ninh lương thực còn là vấn đề toàn cầu và là mối quan tâm chung của toàn nhân loại, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số và Đại dịch Covid-19. An ninh lương thực thể hiện qua các tiêu chí: (1) Sự sẵn có: có đủ dự trữ lương thực ở mức độ chất lượng phù hợp, từ các nguồn sản xuất hoặc đầu vào khác ở trong nước hay nguồn thực phẩm dồi dào từ tự nhiên; (2) Khả năng tiếp cận: cá nhân có thể tiếp cận nguồn tài nguyên và các tài sản sở hữu khác để có được lượng lương thực thích hợp với chế độ ăn uống dinh dưỡng. Ở cấp độ quốc gia, tiếp cận đối với lương thực được tính dựa trên mức giá của lương thực nhập khẩu và tỷ lệ nguồn chi cho lương thực nhập khẩu so với nguồn thu được từ xuất khẩu lương thực; (3) Ổn định: là khả năng luôn tiếp cận được nguồn lương thực phù hợp. Không có rủi ro về lương thực do các cú sốc bất thường (như khủng hoảng khí hậu hoặc kinh tế) hoặc các hiện tượng có tính chu kỳ (như mất an ninh lương thực theo mùa) và (4) Tiêu dùng lương thực: tiêu dùng lương thực thông qua các chế độ ăn uống hợp lý, nước sạch, đảm bảo vệ sinh và y tế để đảm bảo dinh dưỡng khi tất cả các nhu cầu tâm sinh lý được đáp ứng.

Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất lương thực, thực phẩm góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị của đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh lương thực, ví dụ như: Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về “Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” đã chỉ rõ “An ninh lương thực là vấn đề trọng đại của đất nước trước mắt cũng như lâu dài”. Kết luận xác định “Quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả là cơ sở để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; gắn sản xuất với các hình thức tổ chức phù hợp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, nâng cao dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn của nhân dân”. Việc phát triển lương thực, thực phẩm thành các vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và đẩy mạnh cơ giới hoá, chế biến, bảo quản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường bền vững cũng được chỉ rõ.

Năm 2020, Bộ Chính trị tiếp tục có Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”. Bên cạnh việc ghi nhận nhiều thành quả to lớn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, Bộ Chính trị cũng xác định, cần thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, trọng tâm là khoa học quản lý, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin,... Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các loại giống năng suất cao, chất lượng tốt, giống cây trồng sử dụng ít nước và chịu được ngập úng, hạn, mặn,...

Về phía Chính phủ, ngày 25/3/2021 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 34/NQ-CP về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực; Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với cây lúa, cây ăn quả tập trung chọn tạo các giống giàu dinh dưỡng, chịu mặn, chịu hạn, chịu úng. Nghiên cứu vắc-xin vật nuôi thế hệ mới phòng các bệnh nguy hiểm; phát triển công nghệ chế biến sâu các sản phẩm vật nuôi đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), gắn với cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến; Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị,…”.

Những chủ trương, chính sách kịp thời của Đảng và Nhà nước và sự hưởng ứng của giới khoa học đã mang lại những thành quả nhất định trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện, trong đó phải kể đến sự tham gia mạnh mẽ, tâm huyết của cộng đồng các nhà khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học thực vật. Nhiều thành quả nghiên cứu được tạo ra và ứng dụng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp từ giống cây trồng, vật nuôi mới; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

Có thể thấy, KH&CN đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc áp dụng KH&CN, nhất là công nghệ sinh học thực vật, vào sản xuất chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Do vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thực vật để tạo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân là một nội dung vô cùng thiết thực trong thực tiễn.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập