Giao thông xanh là hệ thống giao thông sử dụng hiệu quả các nguồn lực (năng lượng, tài nguyên đất,…), hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Để phát triển giao thông xanh, cần hệ thống tư duy xanh, chiến lược giao thông xanh, quy hoạch giao thông xanh, xây dựng công trình giao thông xanh, khai thác vận hành giao thông xanh, phát triển phương tiện giao thông xanh,...
Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP.HCM đã đề ra mục tiêu cắt giảm 90% lượng chất thải ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030 đối với lĩnh vực giao thông vận tải nhằm thực hiện mục tiêu của Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, phát triển giao thông xanh là vấn đề cấp thiết hiện nay tại TP.HCM.
Tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM
Mỗi năm, TP.HCM phát thải 35 triệu tấn carbon. Trong đó, riêng ngành giao thông vận tải là 13 triệu tấn, chiếm gần 40%.
Số liệu báo cáo về chỉ số nồng độ bụi mịn PM2.5 TP.HCM giai đoạn 2018-2023 cho thấy, trong hầu hết các năm, nồng độ PM2.5 tại TP.HCM cao gấp 3-5 lần giá trị tham chiếu về chất lượng không khí hàng năm, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đặc biệt, hằng năm, có gần 1.400 người tử vong vì các chất gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Đây là con số đáng báo động, do ThS. Mai Hoài Đan (Trường đại học Tài chính – Marketing) công bố tại Hội thảo “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM”, vừa được Hội đồng Nhân dân TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Trường Đại học Giao thông vận tải phối hợp tổ chức vào ngày 22/8/2024.
Chỉ số nồng độ bụi mịn PM2.5 giai đoạn 2018-2023 tại TP.HCM (Nguồn: www.iqair.com)
Theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Hồ Quốc Bằng và cộng sự (Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc Gia TP.HCM) về các nguồn đóng góp thải bụi PM2.5 tại TP.HCM năm 2017, một trong những nguồn thải bụi lớn nhất ảnh hưởng đến chất lượng không khí tại TP.HCM là nguồn giao thông (chiếm tỉ lệ 45%). Trong đó, giao thông đường bộ đóng góp 75,13% tổng lượng phát thải bụi PM2.5 của nguồn giao thông, với số lượng xe máy và ô tô ngày càng tăng. Điều đáng nói là các phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, khiến người dân phải phụ thuộc nhiều vào xe cá nhân. Thống kê cuối năm 2023 cho thấy, Thành phố có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy. Rất ít trong đó là phương tiện sử dụng năng lượng sạch (chưa đến 1%). Các chuyên gia cho rằng, để phát triển TP.HCM thành đô thị xanh, giao thông phải đi trước.
Các nguồn thải bụi PM2.5 ở TP.HCM năm 2017 (Nguồn: Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020; sử dụng dữ liệu đa nguồn)
“Xanh hoá” phương tiện giao thông công cộng
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện Thành phố đang triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh, với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn đạt 25%. Từ năm 2030, tỷ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Hiện toàn TP.HCM đang có 2.089 xe buýt hoạt động trên 128 tuyến, trong đó có 489 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 15 xe buýt điện.
Thành phố đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng, với 43 trạm đậu xe được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại Quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch,… Mỗi trạm diện tích 10-15m2, với 10-20 xe đậu theo từng ô. Việc phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm Thành phố, đồng thời, giúp tăng cường hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (metro, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy,…) theo hướng văn minh, hiện đại, hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song song đó, tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM (số hiệu D4) chính thức đi vào vận hành từ năm 2022. Xe tiếp cận đến các địa bàn tập trung nhu cầu đi lại cao của người dân như các công ty, nhà máy khu công nghệ cao, khu đô thị mới, trung tâm hành chính Thành phố Thủ Đức,… Đây đều là những khu vực có nhiều tuyến đường thiết yếu, đông dân cư nhưng chưa có hoặc mật độ xe buýt phục vụ còn khá thấp.
Ngoài ra, Thành phố cũng có các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm thu hút các đơn vị vận tải tham gia vào quá trình chuyển đổi này. Ví dụ, khi đầu tư buýt điện sẽ được vay tối đa 85% tổng mức đầu tư dự án, với lãi suất cố định 3%/năm. Xe điện mới nhập khẩu sẽ được miễn phí trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 5 năm đầu, miễn 100% thuế nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng,…
Mức độ ưu tiên của các hình thức di chuyển trong đô thị (Nguồn: tapchixaydung.vn)
Phủ trạm sạc điện, phát triển giao thông xanh
Để phát triển giao thông xanh, TP.HCM cần phải quy hoạch lâu dài cho giao thông, hạ tầng, phủ kín trạm sạc cùng các chính sách chuyển đổi, nhất là các chính sách khuyến mãi, trợ giá trong giai đoạn đầu để người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi.
Trong 6 tháng năm 2024, ở Việt Nam có khoảng 17.500 xe điện được bán ra và đăng ký sử dụng. Tại Thành phố, gần đây, số lượng xe điện đăng ký tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, số trạm sạc, trụ sạc trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ. Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải): “Đối với Việt Nam việc chuyển đổi giao thông “xanh” đang ở bước khởi đầu, trong khi trên thế giới, chuyển đổi xanh đã được triển khai, ở các mức độ khác nhau cũng được hơn 10 năm. Theo kinh nghiệm quốc tế, để chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng điện thành công thì tiên quyết đó là hạ tầng trạm sạc; một đồng đầu tư cho hạ tầng trạm sạc thì sẽ đem lại hiệu quả bằng 1,5 lần đầu tư hỗ trợ cho phương tiện. Vì vậy, các nỗ lực và các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi điện của Chính phủ nên tập trung vào hỗ trợ cho việc xây dựng các trạm sạc. Cùng với đó chúng ta cũng cần phải có những chính sách để khuyến khích việc sản xuất phương tiện điện, đặc biệt là sản xuất phương tiện điện trong nước.”
TP.HCM đang rà soát lại mạng lưới đường bộ, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga,… để lập danh sách những vị trí đủ điều kiện xây dựng hệ thống cấp điện, năng lượng xanh, hạ tầng trạm sạc phục vụ phương tiện giao thông điện trên địa bàn. Thành phố dự kiến sẽ chuyển đổi 2.771 xe buýt sang sử dụng điện, trong đó 1.108 chiếc sẽ phục vụ cho các tuyến mở mới. Để đáp ứng nhu cầu sạc điện cho lượng xe buýt này, Sở Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng 25 trạm sạc công cộng, trong đó mỗi trạm sẽ được trang bị 269 trụ sạc (4 thiết bị sạc/trụ), công suất mỗi trụ là 480 kW với kinh phí hơn 2 ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch, 17 trạm do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố đầu tư (1.220,7 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố). 8 trạm còn lại sẽ do Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) triển khai, với mức vốn hơn 800 tỷ đồng. Các trạm do SAMCO triển khai sẽ được lắp đặt tại các bến xe như: bến xe Miền Đông, bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Tây và bến xe An Sương,…
Việc đầu tư vào hệ thống trạm sạc được kỳ vọng sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho cuộc cách mạng giao thông, góp phần giúp Thành phố tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng.
Đường sắt đô thị - điểm tựa cho giao thông xanh
Theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (đề án metro), đến năm 2035, TP.HCM sẽ hoàn thành 6 tuyến metro (gồm các tuyến số 1, 2, 3, 4, 5 và 6) với tổng chiều dài 183 km. Đến năm 2045 sẽ xây dựng thêm 168 km, nâng tổng chiều dài metro lên khoảng 350 km và đến năm 2060, khi đó Thành phố dự kiến sẽ có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510 km. Qua đó, đưa tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-45%, và sau năm 2035 đạt 50-60%.
Với Đề án metro, TP.HCM kỳ vọng góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, giảm kẹt xe và ô nhiễm, bảo vệ môi trường. trường (Nguồn: laodong.vn)
Có thể thấy, trong thời gian tới, đường sắt đô thị tiếp tục được xác định là trục “xương sống” hạ tầng giao thông vận tải của TP.HCM, hướng tới mục tiêu dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, mở ra khả năng kết nối các loại hình giao thông công cộng thân thiện với môi trường, góp phần giảm ô nhiễm không khí, cải thiện trình trạng giao thông, đảm bảo an toàn, tiện lợi cho người dân.
***
Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh đang là xu thế phát triển chung của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu nên không thể đứng ngoài cuộc. TP.HCM, với vị trí là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ lớn của cả nước, đang phải đối diện với nhiều thách thức về giao thông, gia tăng dân số, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị. Vì vậy, đòi hỏi cấp thiết là phải có các chính sách và giải pháp giao thông vận tải xanh, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Lê An
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] Chi Phạm. Phát triển giao thông xanh: Vấn đề cấp thiết tại TP.HCM. https://giaoduc.edu.vn/phat-trien-giao-thong-xanh-van-de-cap-thiet-tai-tp-hcm/
[2] TP.Hồ Chí Minh nỗ lực cắt giảm 90% ô nhiễm không khí từ giao thông. https://quochoitv.vn/tpho-chi-minh-no-luc-cat-giam-90-o-nhiem-khong-khi-tu-giao-thong-239572.htm
[3] Phủ sóng trạm sạc xe điện: TP.HCM tiến bước đến giao thông xanh. https://congnghevadoisong.vn/phu-song-tram-sac-xe-dien-tphcm-tien-buoc-den-giao-thong-xanh-d66358.html
[4] Thu Dung. Phủ trạm sạc xe điện công cộng ở bến xe: Phải có quy chuẩn chung, mở cửa cho các nhà đầu tư. https://tuoitre.vn/phu-tram-sac-xe-dien-cong-cong-o-ben-xe-phai-co-quy-chuan-chung-mo-cua-cho-cac-nha-dau-tu-2024091517112063.htm
[5] TP. HCM: Tìm hướng cho giao thông xanh. https://tainguyenvamoitruong.vn/tp-hcm-tim-huong-cho-giao-thong-xanh-cid115869.html
[6] Anh Khuê. Thành phố Hồ Chí Minh giảm phát thải từ chuyển đổi giao thông xanh đô thị. https://vneconomy.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-giam-phat-thai-tu-chuyen-doi-giao-thong-xanh-do-thi.htm
[7] Ngọc Hà. Phát triển giao thông ‘xanh’: Hướng đến mục tiêu Net Zero. https://daidoanket.vn/phat-trien-giao-thong-xanh-huong-den-muc-tieu-net-zero-10284979.html