Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

 

Kết hợp giữa việc bảo tồn các làng nghề truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại để thu hút du khách, nâng cao giá trị sản phẩm là một trong các giải pháp được nhiều địa phương áp dụng để thúc đẩy kinh tế và tạo ra những cơ hội mới cho phát triển du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số TP.HCM, Việt Nam hiện có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có hơn 2.000 làng nghề truyền thống, đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế địa phương. Với hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng ngành như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng nghề tranh làng Sình (Thừa Thiên Huế), làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng),… việc phát triển làng nghề theo hướng số hóa và kết hợp với du lịch trải nghiệm là giải pháp tiềm năng, giúp quảng bá sản phẩm, thu hút du khách, nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Mô hình làng nghề kết hợp với du lịch được TS. Đoàn Mạnh Cương (Văn phòng Quốc hội) gọi là Làng nghề du lịch, hiểu một cách khái quát, đó là một không gian lãnh thổ nông thôn, mà ở đó, người dân vừa tổ chức sản xuất một hoặc một số sản phẩm thủ công truyền thống, vừa cung cấp các dịch vụ phục vụ, thu hút khách du lịch.

 

Một số mô hình làng nghề du lịch tiêu biểu

Mô hình nuôi ong phục vụ du lịch tại thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn) là một điển hình về tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển du lịch. Dù nghề nuôi ong đã có từ lâu, nhưng phải đến tháng 3/2018, hợp tác xã nuôi ong lấy mật tại Kim Sơn mới được thành lập, tạo cơ hội liên kết các hộ nuôi ong để phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Quyền, một thành viên của hợp tác xã cho biết, khi đến Kim Sơn, du khách không chỉ được nghỉ dưỡng mà còn tham gia các hoạt động như quay ong, chiết xuất mật, chụp ảnh quá trình và mang về sản phẩm mật ong tự tay làm để làm quà tặng.

Mô hình nuôi ong phục vụ du lịch tại thôn Lòng Hồ (Nguồn: Tạp chí Tài chính Tiền tệ)

Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) là một ví dụ điển hình về ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch làng nghề. Từ năm 2019-2020, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã triển khai mô hình "Du lịch thông minh" tại làng gốm Bát Tràng, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa, du lịch, dịch vụ và thương mại, với các tài liệu đa phương tiện như phim 3D, tài liệu âm thanh và hình ảnh (Audio guide & Multimedia); phát triển ứng dụng phần mềm du lịch thông minh (SmartTour) trên thiết bị di động; duy trì và khai thác hiệu quả Cổng thông tin điện tử tổng hợp Bát Tràng và tạo QR giới thiệu các di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ứng dụng công nghệ số, các hộ gia đình tại làng gốm Bát Tràng đã quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, đồng thời tổ chức các chương trình giới thiệu trực tuyến và trưng bày ảo bằng công nghệ 360°, kết nối với khách hàng toàn cầu. Nhờ vậy, làng gốm Bát Tràng duy trì được thu nhập ổn định, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động, trở thành mô hình thành công trong phát triển làng nghề du lịch.

Sản phẩm của Làng gốm Bát Tràng (Nguồn: Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt)

 

Phát triển làng nghề du lịch tại TP.HCM

TP.HCM đã xác định phát triển các làng nghề gắn với hoạt động du lịch là một trong những giải pháp chủ yếu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. “Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025” đặt mục tiêu phát triển 5 làng nghề truyền thống, bao gồm: làng nghề đan đát xã Thái Mỹ, làng nghề sản xuất bánh tráng xã Phú Hòa Đông (Củ Chi), làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân, làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi (Bình Chánh) và làng nghề sản xuất muối xã Lý Nhơn (Cần Giờ), gắn với phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương.

Tháng 9/2024 vừa qua, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3755/QĐ-UBND về “Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025”. Kế hoạch này nhằm phát huy tiềm năng các làng nghề thông qua việc kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp và bảo tồn văn hóa, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân và thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện sẽ có ít nhất một sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với giá trị văn hóa, cộng đồng địa phương. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 50% sản phẩm làng nghề đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Để đạt được các mục tiêu trên, TP.HCM đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại các làng nghề du lịch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút du khách thông qua các công nghệ hiện đại.

  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch: Một trong những bước tiến đáng chú ý là việc nâng cấp Bản đồ du lịch thông minh 3D/360 (Map 3D/360), cho phép du khách khám phá các làng nghề và điểm đến du lịch nông thôn qua các hình ảnh 3D, video 360° và thông tin đa ngôn ngữ (Việt, Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha). Cổng thông tin điện tử này kết nối TP.HCM với 62 tỉnh thành và hỗ trợ du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về các sản phẩm làng nghề (https://map3d.visithcmc.vn/). Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai các ứng dụng như Sở Du lịch trực tuyến và Ho Chi Minh City Tourism, giúp du khách tìm hiểu và lên kế hoạch cho chuyến đi.
  • Hỗ trợ du khách bằng công nghệ: TP.HCM đã thiết lập Trạm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch tại tại Khu B, Công viên 23/9 (Quận 1), cung cấp thông tin nhanh chóng và tiện lợi cho du khách. Bên cạnh đó, Cổng thông tin 1022 nhánh số 8, là kênh hỗ trợ trực tuyến cho khách tham quan, giúp giải đáp thắc mắc và hướng dẫn du khách tận dụng tối đa các dịch vụ du lịch trong thành phố và tại các làng nghề.
  • Quảng bá sản phẩm làng nghề qua các kênh truyền thông số: Thành phố tập trung vào việc quảng bá du lịch và sản phẩm làng nghề qua các kênh truyền thông kỹ thuật số như Cổng Thông tin điện tử của Sở Du lịch, fanpage Facebook, Youtube, Zalo và các ứng dụng di động. Những nền tảng này giúp lan tỏa hình ảnh các làng nghề, kết nối các cơ sở sản xuất với khách hàng trên toàn cầu và thu hút sự quan tâm từ du khách trong và ngoài nước.

***

Tăng cường nỗ lực tích hợp công nghệ vào du lịch, TP.HCM kỳ vọng sẽ giúp các làng nghề truyền thống không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững. Làng nghề du lịch sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo việc làm và bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.

Kim Nhung

----------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

[1] Quyết định số 3755/QĐ-UBND ngày 11/09/2024 về Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
[2] Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số TP.HCM.https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn/lang-nghe-so
[3] TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn liền với bảo tồn làng nghề truyền thống. https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/tphcm-day-manh-phat-trien-du-lich-nong-thon-gan-lien-voi-bao-ton-lang-nghe-truyen-thong-c17a74352.html
[4] TP.HCM đẩy mạnh đầu tư phát triển làng nghề gắn liền với du lịch nông thôn. https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/tphcm-day-manh-dau-tu-phat-trien-lang-nghe-gan-lien-voi-du-lich-nong-thon-c17a84881.html
[5] TP HCM: Lần đầu tiên có nghề, làng nghề truyền thống theo chuẩn Trung ương. https://nld.com.vn/tp-hcm-lan-dau-tien-co-nghe-lang-nghe-truyen-thong-theo-chuan-trung-uong-196241016162848399.htm
[6] Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch. https://thitruongtaichinhtiente.vn/phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-gan-voi-du-lich-hieu-qua-kep-trong-phat-trien-kinh-te-48347.html
[7] Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. http://tinhhoalangnghe.vn/vi
[8] TS. Đoàn Mạnh Cương. Khai thác giá trị văn hóa làng nghề truyền thống trong việc phát triển du lịch cộng đồng . https://vietnamtourism.gov.vn/post/33040
[9] Sở Du lịch TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thực thi công vụ. https://bvhttdl.gov.vn/so-du-lich-tphcm-day-manh-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-thuc-thi-cong-vu-20240624095049561.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập