Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Giao thông vận tải là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, nhiều loại hình giao thông được vận hành trong thực tiễn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đã thải ra lượng khí thải rất lớn trong quá trình lưu thông.

 

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết phát thải ròng khí nhà kính của Việt Nam về “zero” vào năm 2050.

 

Để ngành giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, với các mục tiêu: (1) Giai đoạn đến năm 2030: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam; (2) Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

 

Với việc xác định lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh cho từng nhóm vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông đô thị), theo từng mốc thời gian cụ thể cùng các giải pháp chuyển đổi, sử dụng nhiên liệu hóa thạch thuần túy sang nhiên liệu sinh học (pha trộn thêm cồn sinh học vào nhiên liệu hóa thạch), sử dụng điện, năng lượng xanh,… không chỉ đối với các phương tiện vận tải, mà cả các cơ sở hạ tầng, phương tiện phục vụ cho các hoạt động giao thông cũng được chỉ rõ, cho thấy quyết tâm rất cao trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

 

Đến nay, nhiều nội dung quan trọng của Chương trình đang được tổ chức thực hiện rốt ráo trên cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đã có những bước đi trước so với kế hoạch trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với nhiều kết quả khả quan:

 

Theo bài viết của tác giả VA đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 20/11/2023, Thành phố Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ô tô và hơn 6,6 triệu xe máy (chỉ tính con số các xe được đăng ký tại Hà Nội, chưa kể các xe vãng lai di chuyển qua địa bàn), con số này tăng khoảng 10% mỗi năm. Do vậy, phát thải đô thị ở Hà Nội có xu hướng tăng dần hằng năm. Hà Nội cũng là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng. Hà Nội có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ "xanh hóa" phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả doanh nghiệp và thành phố. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Đặc biệt, các tuyến buýt điện do VinBus vận hành còn là những tuyến buýt điện đầu tiên của Đông Nam Á.

 

Tại TP.HCM, hoạt động giao thông mỗi năm (theo số liệu thống kê đến cuối năm 2024, Thành phố quản lý hơn 9,5 triệu xe các loại, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai từ nơi khác, phần lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch) phát thải hơn 13 triệu tấn CO2, đứng thứ hai sau ngành công nghiệp, với gần 20 triệu tấn CO2. Trước thách thức này, Thành phố đã xây dựng chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2020-2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là giảm 90% lượng ô nhiễm không khí tăng thêm từ giao thông vào năm 2030. Chương trình giảm ô nhiễm của TP.HCM đặc biệt chú trọng khuyến khích chuyển đổi năng lượng xanh nhằm tạo tín chỉ carbon. Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, Thành phố đã đưa vào vận hành 2.209 xe buýt, trong đó có 696 xe (chiếm 31,5% tổng số phương tiện) sử dụng năng lượng sạch (điện, CNG). Xe buýt CNG có 516 chiếc, hoạt động trên 18 tuyến được trợ giá với 3 trạm cung cấp nhiên liệu ở bãi xe buýt Phổ Quang, bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM và bến xe An Sương. Giai đoạn 2025-2030, thành phố dự kiến triển khai thêm 2.771 xe buýt điện, trong đó 1.663 xe sẽ thay thế phương tiện cũ, còn lại là đầu tư mới cho các tuyến mở rộng. Đáng chú ý, tuyến xe buýt điện D4 của VinBus sau hơn 2 năm vận hành thí điểm đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân nhờ thiết kế hiện đại, thân thiện môi trường và nhiều tiện ích. Thành phố cũng có nhiều mô hình giao thông thân thiện môi trường khác như xe đạp chia sẻ TNGo, dịch vụ gọi xe điện Xanh SM (sử dụng xe máy và ôtô điện),… Gần đây, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên trong cả nước) vừa được Thành phố đưa vào hoạt động (ngày 22/12/2024), đến 30/12/2024 đã vận chuyển được gần một triệu lượt khách, đạt mức bình quân hơn 100.000 người/ngày.

 

Có thể thấy, TP.HCM đang có nhiều tiền đề thuận lợi để phát triển các phương tiện giao thông thân thiện môi trường: cộng đồng có ý thức hơn về tác hại của ô nhiễm môi trường; một số doanh nghiệp trong nước đã và đang sản xuất, cung ứng phương tiện chạy điện; nhiều người dân đã mua và sử dụng các loại xe điện phục vụ nhu cầu cá nhân và cả kinh doanh dịch vụ; Thành phố đã có những triển khai điện hóa xe buýt, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được đưa vào vận hành và bắt đầu triển khai các hoạt động xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương); hạ tầng cho xe điện đã có khoảng 400 trạm sạc, dự kiến tăng lên 1.000 trạm sạc trong thời gian tới (tuy vẫn còn khá ít, chưa tạo được sự thuận tiện cho người sử dụng so với xe xăng). TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 1.347 tỉ đồng từ ngân sách để xây dựng 17 trạm sạc điện tại các bến xe lớn như Bến xe Miền Đông mới, Bến xe Miền Tây và Bến xe An Sương. Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cũng sẽ góp vốn hơn 888 tỉ đồng để phát triển các trạm sạc. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu giao thông xanh, Thành phố còn khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng trạm sạc điện, với chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn (lên tới 50% mức lãi suất công bố của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho các nhà đầu tư trong suốt thời hạn vay). Chiến lược này không chỉ thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống giao thông xanh của Thành phố.

 

Giao thông xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. “Xanh hóa” xe buýt là một tiến trình cần có sự đồng lòng, đồng bộ để phá vỡ các rào cản, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững hạ tầng xanh, kinh tế xanh. Tuy đến nay vẫn còn bộn bề những vấn đề cần giải quyết: bổ sung nội dung trạm/trụ sạc điện vào quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng công trình giao thông đô thị dành cho phương tiện giao thông xanh; tổ chức mạng lưới giao thông ưu tiên cho xe buýt để tăng tầng suất hoạt động; tuyên truyền, thu hút hành khách bằng chính sách giá vé, chương trình ưu đãi góp phần tăng sản lượng hành khách,… nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chắc chắn sẽ tạo được sự hưởng ứng của người dân. Từ đó, khuyến khích hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giao thông xanh, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, chung tay bảo vệ bầu khí quyển chung cho cả nhân loại.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập