Thủy sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của nước ta đến hơn 10,04 tỷ USD trong năm 2024. Qua các số liệu thống kê, có thể thấy, ngành thủy sản đang chuyển dần từ khai thác tự nhiên sang phát triển các mô hình nuôi trồng bền vững. Trong đó, có những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi của các nhà khoa học để tạo ra các mô hình, giải pháp nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2021-2023, tổng số tàu thuyền sử dụng cho các mục đích khai thác thủy sản tại Việt Nam giảm dần, từ 95.243 tàu vào năm 2021 xuống còn 90.778 tàu vào năm 2023; số tàu có công suất lớn từ 90 CV (chuyên khai thác vùng lộng và vùng khơi) không có sự thay đổi nhiều, cho thấy có sự giảm dần các phương tiện khai thác ven bờ. Xem xét về sản lượng thủy sản khai thác, có thể thấy khối lượng cũng giảm dần theo thời gian (từ 3,94 triệu tấn năm 2021 xuống còn 3,81 triệu tấn vào năm 2023).
Đội tàu và sản lượng khai thác thủy sản giai đoạn 2021-2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2021-2023, diện tích nuôi trồng (thu hoạch) thủy sản ở Việt Nam có giảm nhẹ, nhưng sản lượng vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Diện tích thu hoạch và sản lượng nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Ngày 9/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 389/QĐ-TTg). Quy hoạch này định hướng giảm dần sản lượng thủy sản khai thác và điều chỉnh tỷ trọng sản lượng giữa các vùng biển để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Mục tiêu đến năm 2030, số lượng tàu cá tối đa vào khoảng 83.600 chiếc. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các biện pháp bảo tồn sẽ được quan tâm hơn, đặc biệt là giảm thiểu việc đánh bắt không chủ ý đối với các loài thủy sản quý hiếm.
Ngành thủy sản nước ta đang phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả hơn, công tác nuôi trồng sử dụng ít đất đai hơn nhưng vẫn đảm bảo được sản lượng cao, khá phù hợp với tinh thần của Quyết định số 389/QĐ-TTg. Để đảm bảo sự phát triển của ngành, việc ứng dụng KH&CN vào từng khâu sản xuất có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong công tác sản xuất giống. Các tiến bộ KH&CN trong công tác sản xuất giống thủy sản đã và đang đóng góp hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng giống, nâng cao năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản; nhiều nghiên cứu được triển khai trong thực tiễn gần đây đã mang lại các kết quả tích cực:
Năm 2021, Chi nhánh Ven biển (Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga) triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu “Thử nghiệm sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen Epinephelus coioides cái giai đoạn từ ấp trứng đến giai đoạn cá giống”. Cá mú lai là loài thủy sản nước mặn có giá trị kinh tế cao, với thịt thơm ngon và tốc độ sinh trưởng nhanh. Kết quả, các nhà nghiên cứu đã sản xuất thành công giống cá mú lai từ nguồn cá bố mẹ được thu từ tự nhiên và đưa về nuôi thành thục tại lồng bè khu vực Đầm Bấy, đảo Hòn Tre, vịnh Nha Trang; xây dựng quy trình sản xuất giống từ ấp trứng đến cá giống với tỷ lệ sống đạt 40%, đồng thời thử nghiệm sản xuất giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo thành công với số lượng trên 15.000 con cá mú lai giai đoạn cá hương và 6.000 con cá giống, đồng thời, duy trì đàn cá bố mẹ để tiếp tục nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu góp phần giảm áp lực khai thác cá mú trong tự nhiên.
Cá mú lai (Nguồn: Kết quả đề tài)
Điệp seo là một loài trong họ Pectinidae, có giá trị kinh tế và hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã sản xuất thành công giống điệp seo đạt chuẩn, qua thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula (Linnaeus, 1758) tại Khánh Hòa” vào năm 2019, bước đầu làm chủ nguồn giống nuôi thương phẩm. Tiếp nối thành công này, năm 2022, nhóm tiếp tục triển khai đề tài “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula (Linnaeus, 1758)”. Kết quả cho thấy con giống điệp seo và điệp seo thương phẩm phát triển tốt, khỏe mạnh, sạch bệnh.
Điệp seo (Nguồn: Kết quả đề tài)
Hàu sữa, một loài hàu có giá trị kinh tế cao và dễ nuôi, đặc biệt tại khu vực Nam Bộ, là đối tượng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II lựa chọn trong “Nghiên cứu chọn giống tăng trưởng hàu sữa (Crassostrea angulata) và thử nghiệm nuôi thích nghi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas Thunberg, 1973) tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ”. Kết quả nghiên cứu (công bố trong năm 2024) cho thấy, hàu sữa thế hệ G1 đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội (51,55%) tại Vũng Tàu và tỷ lệ sống lên đến 72,58%. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn xây dựng được mô hình nuôi an toàn sinh học, cho năng suất thu hoạch tăng từ 29,57%-32,45% so với hàu đối chứng. Thành công của nghiên cứu hứa hẹn góp phần phát triển bền vững ngành nuôi hàu sữa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao.
Hàu sữa (Nguồn: Kết quả đề tài)
Với giống thủy sản nước ngọt, năm 2023, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống cá tra bần”, một trong những loài cá đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chất lượng thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Kết quả ban đầu cho thấy, sau 8 tháng nuôi vỗ, cá bố mẹ đạt trung bình khối lượng 4,6±0,3 kg và chiều dài 74,9±2,5 cm. Về tỉ lệ thành thục sinh dục của cá, 85% cá cái có trứng giai đoạn III, IV và 80% cá đực có thể tham gia sinh sản. Thử nghiệm kích thích sinh sản cá bằng HCG cho 75-100% cá cái tham gia sinh sản rụng trứng, sức sinh sản tương đối từ 0,9-8,9%; tỉ lệ thụ tinh từ 28,6-70,1%; tỉ lệ nở trên 80%. Cá bột được ương trong ao đất 1.000 m2 ở mật độ 200 con/m2, sau 45 ngày tuổi, cá giống đạt trung bình khối lượng 1,5±0,33 g và chiều dài 5,3±0,4 cm.
Cá tra bần (Nguồn: Kết quả đề tài)
Cũng với giống thủy sản nước ngọt, năm 2022, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã công bố quy trình sản xuất giống nhân tạo cá diếc an toàn sạch bệnh và quy trình nuôi thương phẩm cá diếc đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong bể. Đây là loại cá nước ngọt sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Kết quả đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá diếc (Carassius auratus) sạch-an toàn thực phẩm tại Phú Yên” đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giống, nâng cao năng suất và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi cá diếc tại địa phương.
Cá diếc thương phẩm (Nguồn: Kết quả đề tài)
Đối với các giống thủy sản nước lợ, có khá nhiều nghiên cứu sản xuất con giống phục vụ nuôi trồng. Ví dụ, trong năm 2023, đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bông lau (Pangasius krempfi)” của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi cá bông lau, là loài cá có giá trị kinh tế lớn và phân bố nhiều trong điều kiện sinh thái ven sông (ngọt và lợ) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu đã cho kết quả sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bông lau đạt yêu cầu thành thục sinh dục tốt, đặc biệt là khi sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tươi sống (đạt tỷ lệ 60% thành thục).
Cá bông lau (Nguồn: Kết quả đề tài)
Bên cạnh các nỗ lực ứng dụng KH&CN phục vụ hoạt động sản xuất thủy sản, việc bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành. Năm 2022, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực Nam Bộ”. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, Viện đã thu thập bổ sung ba nguồn gen quý gồm cá hổ sọc nhỏ, cá mó đầu khum và cá dứa, bảo tồn và lưu giữ an toàn tổng cộng bảy nguồn gen thủy hải sản. Năm 2023, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực miền Bắc”, qua đó đã thu thập được ba nguồn gen mới bao gồm cá ngát biển, cá trắng châu Âu và cá tầm. Nghiên cứu này đã bảo tồn và lưu giữ an toàn 13 nguồn gen thủy hải sản và năm nguồn gen vi tảo, góp phần duy trì sự đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản quý giá của Việt Nam.
***
Với việc dịch chuyển từ khai thác tự nhiên sang phát triển nuôi trồng thủy sản và ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào các khâu sản xuất, nhất là sản xuất giống, trong ngành thủy sản sẽ giúp tạo ra nhiều sản phẩm đạt, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường. Song song đó, công tác bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được chú trọng cũng sẽ góp phần bảo vệ tốt sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái thủy sản, hỗ trợ sự phát triển bền vững lâu dài của ngành.
Kim Nhung
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính:
[1] Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến khai thác và nuôi trồng hải sản, phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-danh-gia-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-den-khai-thac-va-nuoi-trong-hai-san-phat-trien-mo-hinh-nuoi-ca-bien-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-o-viet-nam-8001.html
[2] Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn. https://www.vista.gov.vn/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-cong-nghe-nuoi-tham-canh-tom-hum-thuong-pham-bang-thuc-an-cong-nghiep-trong-he-thong-tuan-hoan-4869.html
[3] Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. https://trungtamnhietdoivietnga.com.vn/nghiem-thu-ket-qua-de-tai-cap-trung-tam-nhiet-doi-viet-nga-ve-nghien-cuu-thu-nghiem-san-xuat-giong-ca-mu-lai-giua-ca-mu-nghe-duc-va-ca-mu-den-cai
[4] Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II. Kết quả nghiên cứu mới và nổi bật. https://vienthuysan2.org.vn/sinh-sa%CC%89n-nhan-ta%CC%A3o-thanh-cong-ca-tra-ban-pangasius-mekonggensis-ta%CC%A3i-vien-nghien-cuu-nuoi-trong-thuy-san-ii/
[5] Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II. https://vienthuysan2.org.vn/thanh-cong-trong-nghien-cuu-chon-giong-tang-truong-hau-sua-va-thu-nghiem-nuoi-thich-nghi/
[6] Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III. https://www.ria3.vn/nghiem-thu-san-pham-tai-thuc-dia-cua-du-an-sxtn-hoan-thien-quy-trinh-ky-thuat-san-xuat-giong-va-nuoi-170368-1118-2-article.html