Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, diện tích vùng biển khoảng 1 triệu km2 và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ cùng với hệ thống sông ngòi và đầm, phá phong phú, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành thủy sản. Là ngành kinh tế mũi nhọn, thủy sản không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm gần đây, với kim ngạch xuất khẩu từ 9-11 tỷ USD mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 3 trên bản đồ thủy sản thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.

 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp (khoảng 16%), với các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ và mực. Ngành thủy sản có đóng góp quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động ở các tỉnh ven biển, đặc biệt là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, và cả tại TP.HCM, nơi có ngành công nghiệp chế biến thủy sản phát triển mạnh.

 

Dù đầy tiềm năng, nhưng ngành thủy sản cả nước cũng đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản suy giảm do khai thác quá mức, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing) vẫn còn diễn ra phổ biến; chất lượng môi trường suy thoái, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng đe dọa hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản; hạn chế trong công nghệ chế biến và bảo quản ở nhiều doanh nghiệp khiến sản phẩm vẫn chưa đáp ứng một số yêu cầu quốc tế, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh; thị trường xuất khẩu biến động, các rào cản kỹ thuật và chính sách bảo hộ thương mại từ các thị trường lớn như EU, Mỹ gây áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Để kiểm soát và quản lý khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, theo các chuyên gia, cần tăng cường giám sát hoạt động khai thác để đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế; nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đầu tư vào hệ thống cảng cá, kho lạnh hiện đại để bảo quản sản phẩm tốt hơn. Để gia tăng sản lượng thủy sản, đáp ứng tốt cho yêu cầu xuất khẩu, cần thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, khuyến khích các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao, giảm thiểu tác động môi trường, tăng năng suất và chất lượng; áp dụng các mô hình nuôi biển xa bờ để góp phần giảm thiểu áp lực khai thác ven bờ; phát triển các vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế như ASC, GlobalGAP,... Để đẩy mạnh hoạt động chế biến, cần có những khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp chế biến thủy sản, xây dựng các nhà máy chế biến mới và trang bị thiết bị tiên tiến sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, việc tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển các sản phẩm thủy sản mới và cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giảm chi phí, từ đó tạo ra những sản phẩm cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

 

Ngoài ra, việc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường; đầu tư, phát triển hệ thống logistics hiện đại, cho phép vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm một cách nhanh chóng, hiệu quả là những yêu cầu rất cấp thiết đang được đặt ra.

 

Có thể thấy, ngành thủy sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Để phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và cả nông, ngư dân trong việc quản lý, đầu tư, khai thác và nuôi trồng hợp lý. Với chiến lược phù hợp, ngành thủy sản có thể tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế quốc gia.

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập