Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc đầu tư vào công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt để bảo vệ và khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ.
Dù hiện diện và có vai trò quan trọng trong thực tiễn ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đến nay, thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất. Tuy nhiên, theo Cục Sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ (SHTT) được sử dụng khi bàn về các loại quyền tài sản bắt nguồn từ những thành quả sáng tạo trí tuệ của con người. Do là lĩnh vực có tính chất đặc thù nên những người làm việc trong ngành SHTT không chỉ phải am hiểu về pháp luật, mà còn cần có những kiến thức chuyên môn về một hoặc nhiều lĩnh vực trong thực tiễn đời sống: kỹ thuật, khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật,... Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là rất cần thiết.
Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT và việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực SHTT, ngay từ năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ đã xác định: “Ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền SHTT và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật về bảo hộ quyền SHTT” (Khoản 4 Điều 8). Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (Quyết định số 1068/QĐ-TTg, ngày 22/08/2019, của Thủ tướng Chính phủ) cũng xác định các giải pháp phát triển nguồn nhân lực về SHTT, gồm: xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực về SHTT, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động SHTT; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền SHTT; xây dựng một số cơ sở đào tạo chuyên sâu về SHTT với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.
Là đơn vị tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về SHTT, trong hơn 5 năm triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Cục Sở hữu trí tuệ đã đạt nhiều thành quả đáng kể trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển SHTT trong nước. Nhiều hoạt động phong phú đã được triển khai: tổ chức các buổi tuyên truyền và phổ biến kiến thức về SHTT; đào tạo, tập huấn chuyên sâu về SHTT qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến,... Qua đó, cung cấp kiến thức từ cơ bản đến nâng cao cho nhiều đối tượng, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đến các cá nhân và tổ chức xã hội. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng trong việc tăng cường kiến thức về SHTT, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai xây dựng Cổng Đào tạo trực tuyến từ năm 2020, chính thức vận hành từ tháng 4/2021 (địa chỉ trang web: https://e-learning.ipvietnam.gov.vn/). Đến nay, đã có 30 khóa học được tổ chức với gần 6.000 học viên đăng ký. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ còn phối hợp với Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức khóa “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ”, với nội dung toàn diện, nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cho những người muốn hành nghề tư vấn trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Trong giai đoạn 2017-2023, đã có hơn 750 học viên được cấp chứng chỉ theo chương trình này.
Số lượng học viên tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về SHTT
(Nguồn: Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo)
Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương, Cục Sở hữu trí tuệ đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều đợt đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp đội ngũ cán bộ quản lý nắm bắt và cập nhật kịp thời các quy định pháp luật cùng kiến thức chuyên sâu về SHTT. Thời gian gần đây, năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các lớp đào tạo cơ bản, giúp cán bộ tại các địa phương nắm vững những kiến thức nền tảng về SHTT; riêng năm 2023, đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho 60 học viên, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý tại địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các chương trình đào tạo, hỗ trợ xây dựng chiến lược SHTT để bảo vệ và phát huy giá trị tài sản trí tuệ. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Nổi trội là Chương trình đào tạo và quản trị SHTT dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2024 vừa qua.
Với khu vực giáo dục, căn cứ theo nhu cầu tìm hiểu về SHTT của các trường, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức, cử báo cáo viên thuyết giảng tận nơi. Nếu như năm 2022 có hơn 2.000 lượt người được tham dự hoạt động này, thì đến năm 2023, con số này đã vượt trên 5.000 lượt.
Một trong những công tác quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang được triển khai là Chương trình đào tạo giảng viên nguồn về SHTT, một chương trình hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhằm nâng cao năng lực giảng dạy SHTT cho đội ngũ giảng viên, kéo dài trong hai năm (2023-2024). Chương trình này đã thu hút sự tham gia của 46 học viên là các chuyên gia về SHTT từ Cục Sở hữu trí tuệ và các trường đại học, viện nghiên cứu. Đây là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, góp phần thúc đẩy hoạt động giảng dạy và đào tạo SHTT tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO), Cục Sở hữu trí tuệ cũng tổ chức Khóa đào tạo dành cho thẩm định viên sáng chế nhằm cung cấp các kỹ năng cơ bản và chuyên sâu trong hoạt động thẩm định đơn sáng chế trong nội bộ đơn vị, tạo điều kiện trao đổi, đưa ra các giải pháp xử lý những vấn đề đặc thù trong thẩm định đơn sáng chế ở Việt Nam. Một số lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ khác cũng đã được triển khai nhằm hoàn thiện, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý và bảo vệ quyền SHTT.
Việc triển khai và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực SHTT cũng được các các địa phương trong cả nước rất chú trọng: công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT ngày càng được quan tâm; tổ chức/phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo, hội nghị, trao đổi trực tuyến về SHTT, làm tin bài, phóng sự về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng,... Theo thống kê, năm 2023, các địa phương trên cả nước đã tổ chức được tổng số 142 lớp tập huấn và 73 hội thảo về SHTT, thu hút gần 50.000 lượt người tham dự.
Các cơ sở đào tạo cũng tham gia tổ chức khá nhiều khóa học ngắn hạn về SHTT, góp phần nâng cao kỹ năng và cập nhật kiến thức mới cho người tham gia, giúp người học đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực SHTT ví dụ như: khoá đào tạo về Quyền SHTT trong hoạt động doanh nghiệp (Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo), khóa đào tạo ngắn hạn Kỹ năng bảo vệ quyền SHTT và giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực SHTT (Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội),…
Không chỉ tham gia các hoạt động đào tạo, phổ cập về SHTT đến cộng đồng, hiện trong nước đã có một số cơ sở giáo dục đại học đưa SHTT thành một ngành học được đầu tư nghiêm túc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể kể đến như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với chương trình đào tạo cử nhân Khoa học quản lý chuyên ngành Quản lý Sở hữu trí tuệ; Trường Đại học Luật Hà Nội (cử nhân Luật chuyên ngành Luật Sở hữu trí tuệ),… Nhiều cơ sở giáo dục khác cũng đã tích hợp kiến thức về SHTT vào chương trình đào tạo trong các lĩnh vực luật, kinh doanh,...
***
Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực SHTT là trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp nước ta đạt được mục tiêu trở thành một trong các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT. Các nỗ lực trong công tác đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân lực không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng hệ sinh thái SHTT bền vững tại Việt Nam.
Kim Nhung
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính:
[1] Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ ngày 08/07/2022.
[2] Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/08/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
[3] Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo. Khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. https://shtt.hcmulaw.edu.vn/khoa-dao-tao-chuyen-sau-phoi-hop-voi-cuc-shtt/khoa-dao-tao-chuyen-sau-shtt-to-chuc-hang-nam-phoi-hop-cung-ipvn-293.html
[4] Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ. Đào tạo giảng viên nguồn về sở hữu trí tuệ. https://most.gov.vn/vn/tin-tuc/24154/dao-tao-giang-vien-nguon-ve-so-huu-tri-tue.aspx
[5] Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2022; năm 2023. https://ipvietnam.gov.vn/web/guest/bao-cao-thuong-nien