Nuôi trồng thủy sản góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của con người. Tuy nhiên, mô hình nuôi trồng truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao và còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để cải thiện, cần đẩy mạnh các mô hình nuôi trồng vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bền vững.
Nuôi trồng thủy sản bền vững có thể được hiểu là một hình thức nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Việc chuyển đổi các phương thức nuôi trồng truyền thống sang các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững sẽ góp phần tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm thu hoạch và bảo vệ môi trường. Một số mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững phổ biến hiện nay có thể điểm qua gồm:
Mô hình nuôi cá kết hợp với trồng rau (Aquaponics)
Aquaponics là mô hình kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản (Aquaculture) và trồng cây thủy canh (Hydroponics) trong cùng một hệ thống sản xuất nông nghiệp. Trong hệ thống Aquaponics, chất thải từ cá được các vi sinh vật chuyển hóa thành chất dinh dưỡng thay thế phân bón cho cây trồng, sau đó, luân chuyển liên tục qua hệ thống trồng rau thủy canh. Tại đây, nước được làm sạch và đưa trở lại bể cá. Aquaponics được đánh giá là mô hình sản xuất bền vững trên phương diện nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí trên cùng một diện tích canh tác, đã được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều năm. Nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình Aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long” của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm 2021 cho thấy, mô hình Aquaponics thu hồi vốn nhanh hơn so với nuôi cá tuần hoàn thông thường, nhờ vào lợi nhuận từ cả cá và rau. Tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA, mô hình Aquaponics được triển khai ở trang trại với diện tích hơn 13.000 m² nhưng chỉ cần 16 nhân sự để vận hành hệ thống, kiểm soát được quy trình sản xuất một cách hiệu quả, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đặc biệt là giúp tiết kiệm 40% chi phí so với phương thức nuôi truyền thống.
Hệ thống tuần hoàn kín
Hệ thống tuần hoàn kín (Recirculation Aquaculture System – RAS) là hệ thống tuần hoàn nước liên tục qua các thiết bị lọc sinh học và cơ học để duy trì chất lượng nước ổn định cho ao nuôi. Đây là công nghệ hiện đại, giảm thiểu việc thay nước nên rất tiết kiệm tài nguyên nước. Hệ thống cũng cho phép kiểm soát môi trường nước một cách chặt chẽ, hạn chế tối đa các yếu tố ô nhiễm từ bên ngoài. RAS đã được nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế ở nhiều quy mô, với các đối tượng nuôi khác nhau. Với lươn, năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao đã công bố kết quả đề tài nghiên cứu “Xây dựng và chuyển giao mô hình nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) tại TP. Hồ Chí Minh”. Kết quả cho thấy, sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ lươn sống đạt 88,35%, trọng lượng trung bình 220 g/con, năng suất thu hoạch đạt 175 kg/m², lợi nhuận đạt 109,7 triệu đồng/vụ, với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu là 18,8%. Năm 2024, kết quả nghiên cứu “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cá chình (Anguilla marmorata) trong bể xi măng bằng phương pháp tuần hoàn” của kỹ sư Nguyễn Văn Quang và cộng sự (Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thực hiện từ năm 2018, đã được chuyển giao cho 3 hộ nuôi cá chình. Mô hình này mang lại lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/bể (7-12m3).
Nuôi đa loài tích hợp
Nuôi đa loài tích hợp là phương pháp nuôi kết hợp nhiều loài sinh vật ở các cấp độ khác nhau trong chuỗi thức ăn (như cá, tôm và thực vật thủy sinh) trong cùng một hệ thống. Mô hình này tận dụng tối đa nguồn thức ăn và giảm thiểu chất thải, vì phần chất thải của các loài thủy sản sẽ được tái sử dụng như nguyên liệu cho các loài khác. Mô hình nuôi kết hợp đa loài không chỉ áp dụng cho nuôi biển mà còn có thể ứng dụng trong các hệ thống nuôi nước ngọt, đặc biệt là các hệ thống sử dụng công nghệ xử lý tuần hoàn RAS. Tuy nhiên, phương pháp nuôi tích hợp đa loài vẫn chưa phổ biến do quy trình vận hành phức tạp và chi phí đầu tư cao hơn so với nuôi đơn loài.
Một ví dụ gần đây về ứng dụng nuôi kết hợp đa loài với công nghệ RAS là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi và cây Hải Châu trong nghiên cứu "Quy trình tuần hoàn xử lý nước thải nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp trồng cây thủy canh" của TS. Đào Phú Quốc (Viện Môi trường và Tài nguyên). Công trình sử dụng cây Hải Châu để hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng vô cơ như đạm (N) và lân (P) thành sinh khối thực vật, góp phần duy trì chất lượng nước, vừa được nghiệm thu vào tháng 01/2025. Việc tích hợp nuôi tôm, cá và cây trồng không chỉ tối ưu hóa dinh dưỡng, giảm chi phí, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình này còn có tiềm năng ứng dụng linh hoạt, từ các ao nuôi quy mô lớn đến các hệ thống nhỏ trong đô thị.
Nuôi biển ứng dụng công nghệ cao
Trong những năm gần đây, ngành thủy sản đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển, sử dụng các công nghệ tiên tiến (hệ thống camera giám sát, hệ thống định vị trên biển,...), kỹ thuật hiện đại (nuôi bằng lồng nhựa HDPE), công nghệ thiết bị phụ trợ phục vụ nuôi biển (phao, lưới, lồng nuôi,… bằng vật liệu mới), mang lại nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đã thí điểm triển khai mô hình nuôi biển công nghệ cao tại xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh. Mô hình này sử dụng 16 lồng tròn HDPE (thể tích 800 m3/lồng) để nuôi cá biển và 12 lồng vuông (thể tích 24 m3/lồng) nuôi tôm hùm 2 tầng, cùng các trang thiết bị hiện đại khác (hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển,…). Sau một năm, mô hình này đạt hiệu quả vượt trội, với tỷ suất lợi nhuận 172% cho cá và 112% cho tôm hùm, cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống.
Bên cạnh việc chuyển đổi các phương thức nuôi trồng truyền thống sang các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững (giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm nước, giảm chi phí vận hành và gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi), theo nhiều chuyên gia, cần hướng tới việc nuôi trồng đạt các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, Global G.A.P,... để gia tăng tính cạnh tranh cho thủy sản trên thị trường quốc tế, mở rộng cơ hội xuất khẩu và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kim Nhung
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính:
[1] Thư viện CESTI. http://www.cesti.gov.vn/trang-chu-thu-vien/
[2] Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, nâng cao giá trị - Định hướng tất yếu cho ngành thủy sản Việt Nam. https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/nu%C3%B4i-tr%E1%BB%93ng-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n/doc-tin/022135/2025-02-14/giam-khai-thac-tang-nuoi-trong-nang-cao-gia-tri-dinh-huong-tat-yeu-cho-nganh-thuy-san-viet-nam
[3] Lan tỏa các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. https://nhandan.vn/lan-toa-cac-mo-hinh-nong-nghiep-tuan-hoan-post844745.html
[4] Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình Aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long. https://vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/hoan-thien-quy-trinh-va-xay-dung-mo-hinh-aquaponics-nuoi-thuy-san-tuan-hoan-nuoc-va-trong-rau-sach-tiet-kiem-nuoc-o-dong-bang-song-cuu-long-8115.html
[5] Công nghệ RAS - triển vọng thúc đẩy sản xuất bền vững trong nuôi trồng thủy sản. https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12527/cong-nghe-ras--trien-vong-thuc-day-san-xuat-ben-vung-trong-nuoi-trong-thuy-san
[6] Thông tin hoạt động KHCN. https://hcmier.edu.vn/vn/chi-tiet/ket-qua-nghiem-thu-de-tai-nghien-cuu-quy-trinh-tuan-hoan-xu-ly-nuoc-thai-nuoi-tom-the-chan-trang-ket-hop-trong-cay-thuy-canh-21380-2-6
[7] Nuôi biển công nghệ cao: Động lực phát triển bền vững. https://thuysanvietnam.com.vn/nuoi-bien-cong-nghe-cao-dong-luc-phat-trien-ben-vung
[8] Chứng chỉ tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản. https://aquaculture.vn/nuoi-trong-thuy-san/chung-chi-tieu-chuan-trong-nuoi-trong-thuy-san