Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những yếu tố quan trọng trong nền kinh tế tri thức hiện đại. Tại Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật về SHTT trải qua nhiều giai đoạn, phản ánh quá trình hội nhập sâu rộng vào các cam kết quốc tế. Trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung, pháp luật SHTT còn sơ khai, chủ yếu dừng lại ở việc khuyến khích, khen thưởng các hoạt động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và nghệ thuật. Quyền lợi của tác giả và nhà sáng chế chủ yếu được thừa nhận thông qua chính sách của các cơ quan nhà nước, chưa có một cơ chế pháp lý đầy đủ và độc lập. Phải đến sau công cuộc Đổi mới, khung pháp lý mới dần được thiết lập. Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả năm 1986 là văn bản đầu tiên công nhận quyền này một cách chính thức. Đến năm 1995, Bộ luật Dân sự mới đưa vào các quy định cụ thể hơn về quyền SHTT. Trong thời gian này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia các điều ước quốc tế như Công ước Paris (1993), Công ước Bern (2004), Thỏa ước Madrid (2006), đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế về SHTT.
Bước ngoặt lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 – văn bản pháp lý toàn diện đầu tiên trong lĩnh vực này. Luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 2009, 2019 và 2022 nhằm phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, như TRIPS, CPTPP, EVFTA,… Những điều chỉnh này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mô hình kinh tế tri thức, vai trò của SHTT ngày càng rõ nét. Nhằm định hướng phát triển toàn diện, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (Quyết định 1068/QĐ-TTg, ngày 22/08/2019), đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về sáng tạo, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ. Các mục tiêu cụ thể được cụ thể hóa tại Quyết định 2205/QĐ-TTg (ngày 24/12/2020), tập trung vào việc xây dựng hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức xã hội, phát triển nguồn nhân lực và khuyến khích thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Tại TP.HCM – trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ lớn nhất cả nước – SHTT ngày càng giữ vai trò quan trọng. Với hàng ngàn trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ và các startup sáng tạo, Thành phố tạo ra lượng lớn sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Do đó, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ đang được chú trọng như một nhân tố thiết yếu để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ. SHTT giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt ở các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ thông tin, y sinh, logistics, tự động hóa… Thành phố cũng đã ban hành nhiều quyết định quan trọng (Quyết định 266/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 về kế hoạch triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ và Quyết định 5718/QĐ-UBND ngày 11/12/2023 về chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ; đồng thời, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đưa TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Để đảm bảo yêu cầu bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ, việc phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Trong những năm qua, công tác đào tạo về SHTT đã được đẩy mạnh trên cả nước. Ở cấp quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng cổng đào tạo trực tuyến cung cấp các khóa học miễn phí giúp cộng đồng tiếp cận kiến thức cơ bản về SHTT. Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cũng tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Một số trường đại học như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã đưa SHTT vào chương trình đào tạo chính quy.
Tại TP.HCM, các hoạt động đào tạo cũng được triển khai khá sớm và bài bản. Từ năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã tổ chức Chương trình đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ nhằm hình thành đội ngũ chuyên trách tại các doanh nghiệp, viện trường. Các khóa tập huấn về năng lực quản trị tài sản trí tuệ cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng được tổ chức định kỳ, hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức nâng cao kiến thức và kỹ năng trong quản lý, khai thác tài sản trí tuệ. Trường Đại học Luật TP.HCM, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, đã tổ chức hơn 12 khóa "Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ" từ năm 2007 đến nay, khóa gần nhất vừa kết thúc vào tháng 10/2024.
Có thể khẳng định rằng việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực SHTT là nền tảng để bảo vệ hiệu quả tài sản trí tuệ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đặc biệt trong xu hướng phát triển mô hình "đại học khởi nghiệp", việc đầu tư vào chương trình đào tạo chính quy và phát triển đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp cần được tăng cường hơn nữa. Đồng thời, hợp tác quốc tế trong đào tạo SHTT cũng đóng vai trò quan trọng. Việc tham gia các khóa học do các tổ chức quốc tế như WIPO triển khai sẽ giúp đội ngũ chuyên gia Việt Nam tiếp cận kiến thức mới nhất, nâng cao năng lực và đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng.
BBT