Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng thứ 4, thứ 5 của đại dịch Covid-19, bên cạnh những lo lắng về tốc độ, khả năng lây nhiễm cao của những biến thể virus mới, đã ghi nhận những tín hiệu vui về vaccine đặc hiệu. Trong đó, có cả các loại vaccine của Việt Nam…
Tổn thất lớn về nhân mạng
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) khoảng giữa tháng 11/2019, đến nay đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho gần 106 triệu người và cướp đi hơn 2,3 triệu sinh mạng trên thế giới (số liệu tính đến ngày 8/2/2021). Mất mát khủng khiếp này đã vượt xa những thiệt hại về nhân mạng do đại dịch cúm năm 2009 (cúm H1N1), với số ca nhiễm bệnh toàn thế giới là 1,6 triệu người, và 18 ngàn người tử vong (theo số liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, từ các quốc gia).
SARS-CoV2 đã được các nhà khoa học nhận diện là loại virus gây nhiễm trùng cấp tính với các triệu chứng hô hấp trên người nhiễm, tạo ra đại dịch Covid-19 trên thế giới. Chính vì tác nhân gây bệnh là do virus nên các loại thuốc truyền thống như kháng sinh không có tác dụng. Số lượng các ca bệnh mới được phát hiện ngày càng tăng cao, các hoạt động kinh tế toàn cầu bị ngừng trệ, suy giảm,…trong khi đó, quan điểm và cách ứng phó, xử lý của các quốc gia với đại dịch cũng rất khác biệt, thậm chí trái ngược nhau [1] nơi thì tiến hành cách ly triệt để nhằm dập dịch, nơi lại cho bệnh tự lây lan để hướng đến “miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng”[2].
Ở các quốc gia áp dụng miễn dịch tự nhiên, tuy các hoạt động kinh tế được duy trì, nhưng số bệnh nhân trong cộng đồng tăng lên nhanh chóng, áp lực nặng nề đến hệ thống y tế, và đáng buồn là, số người tử vong cũng tăng theo, nhất là những người có sức đề kháng thấp (lớn tuổi và mắc các bệnh nền mãn tính). Ở các quốc gia thực hiện cách ly dập dịch, số lây nhiễm được kiểm soát tốt hơn, nhưng bài toán phát triển kinh tế chịu tác động cực lớn. Khi số bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong ngày càng cao, nhu cầu phải có vaccine chuyên dụng càng trở thành đòi hỏi cấp thiết của nhân loại. Trong khi chờ phát triển được vaccine chuyên dụng, cũng may mắn là, hiện nay, đa phần các nhà khoa học và quản lý trên thế giới đã thống nhất được giải pháp quan trọng là cần cách ly để giảm thiểu mức lây nhiễm của Covid-19.
Vaccine và miễn dịch
Như đã biết, hệ thống miễn dịch sinh ra các kháng thể đáp ứng với các kháng nguyên của mầm bệnh [3], tạo nên hệ thống phòng thủ của cơ thể. Khi lần đầu tiên tiếp xúc với một kháng nguyên mới, hệ thống miễn dịch cần có thời gian đáp ứng để tạo ra các kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên đó (lúc này người nhiễm dễ bị bệnh). Khi các kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên được tạo ra, chúng sẽ tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn bệnh.
Có ba cách tiếp cận chính để thiết kế vaccine. Điểm khác biệt ở chỗ sử dụng toàn bộ virus, hay những phần của virus có tác động đến hệ thống miễn dịch, hoặc chỉ các vật liệu di truyền giúp tạo ra các protein cụ thể (không phải toàn bộ virus). Từ đây, sẽ có các loại vaccine kiểu bất hoạt, vaccine giảm độc lực virus và vaccine siêu vi (khi sử dụng toàn bộ virus); có vaccine tiểu phần (khi chỉ sử dụng các tiểu phần - subunit) của virus mà hệ thống miễn dịch cần nhận biết; có vaccine axit nucleic, cung cấp tập chỉ dẫn cho tế bào để tạo ra protein cụ thể mà ta muốn hệ thống miễn dịch nhận ra và đáp ứng, khi sử dụng vật liệu di truyền.
Vaccine thường chứa các phần suy yếu hoặc bất hoạt của kháng nguyên tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể (các vaccine thế hệ mới chứa mã để tạo ra kháng nguyên thay vì tạo ra kháng nguyên đó), không gây bệnh cho người được tiêm, mà thúc đẩy hệ thống miễn dịch của họ đáp ứng lại, giống như đối với mầm bệnh thực sự. Khi trong cộng đồng có nhiều người được tiêm vaccine (tức là có nhiều người có kháng thể ngăn chặn bệnh), cộng đồng đó sẽ nhanh chóng tạo ra được “miễn dịch cộng đồng”, đẩy lùi dịch bệnh.
Nghiên cứu những mối tương đồng giữa virus gây nên dịch hô hấp cấp tính (SARS-CoV) và virus gây nên Covid-19 (SARS-CoV2), các nhà nghiên cứu đã có những hình dung về các spike-protein (protein gai) của corona virus và cơ chế tác động đến tế bào, ví dụ như một nghiên cứu của Đại học Melbourn (Úc) đã cho thấy: “Các protein 'tăng đột biến' của cả SARS-CoV và SARS-CoV-2 có liên quan với nhau. Chúng gắn vào cùng một phân tử ACE2 trên tế bào, để lây nhiễm sang người”. Tìm hiểu cách thức tấn công của virus để có các giải pháp vô hiệu hóa tác động của chúng, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa John Hopkins (Mỹ) đã nhận biết cách thức virus kích hoạt quá trình phản ứng liên quan đến sự phân chia và kết hợp của hơn 20 loại protein khác nhau để xâm nhập hệ thống miễn dịch và gây nguy hiểm cho các tế bào bình thường,….
Nhiều nghiên cứu, với đa dạng cách tiếp cận, đã mang lại nhiều kết quả khả quan cho nhân loại. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 29/1/2021, đã có 237 loại vaccine được phát triển ở các cấp độ lâm sàng và tiền lâm sàng trên thế giới [4]. Trong đó, 63 loại vaccine đã được triển khai đến cấp độ lâm sàng, theo 10 hướng công nghệ khác nhau, đa số là công nghệ PS (protein subunit) (Bảng 1).
Bảng 1: Công nghệ sử dụng sản xuất vaccine phòng Covid-19
Nguồn: Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (29/1/2021)
Cũng theo nguồn này, chiếm đa số (60%) vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng sử dụng 2 liều điều trị (liều thứ hai có thể cách liều đầu tiên từ 2-4 tuần), 19% vaccine thuộc loại đơn liều (sử dụng 1 liều duy nhất), 2% phải áp dụng 3 liều.
Liều dùng các loại vaccine được thử nghiệm lâm sàng
Nguồn: Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (29/1/2021)
Về phương pháp sử dụng, 84% vaccine (53 loại) được sử dụng bằng phương pháp tiêm phòng, 3% (2 loại) dùng qua đường uống.
Những lô vaccine sớm ra mắt công chúng
Cũng từ số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (ngày 20/01/2021), BNT162b2/COMIRNATY (INN tozinameran) của Pfizer BioNTech là loại vaccine đầu tiên, ứng dụng công nghệ biến đổi thông tin RNA (nucleoside modified mRNA) đã trải qua các xem xét, đánh giá và được công nhận sử dụng vào ngày 31/12/2020.
Tháng 2/2021 dự kiến sẽ có sự góp mặt của các loại vaccine sau: Covishield (ChAdOx1_nCoV-19) của Serum Institute of India với công nghệ tái tổ hợp vector ChAdOx1 (sẽ được công nhận khoảng giữa tháng 2); AZD 1222 của SK BIO (AstraZeneca và Đại học Oxford), với công nghệ tái tổ hợp vector chimpanzee adenovirus; và mRNA-1273 của Moderna, với công nghệ mRNA (cuối tháng 2/2021).
Các loại vaccine khác như: SARS-CoV2 Vaccine (Vero Cell) Inactived của Sinovac và Sinopharm/Beijing Bio-Institute of Biological Products Co., Ltd., sử dụng công nghệ bất hoạt, cũng dự kiến ra mắt sớm nhất vào tháng 3/2021; vaccine Ad26.COV2.S của Jansen, dùng công nghệ tái tổ hợp vector chimpanzee adenovirus, cũng dự kiến ra mắt khoảng tháng 5,6/2021.
Nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học trên thế giới đã mang lại kết quả đầy triển vọng cho nhân loại. Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện đến nay, virus SARS-CoV2 cũng không ngừng biến đổi. Với dữ liệu từ 27.767 bộ gen SARS-CoV-2 hoàn chỉnh từ cơ sở dữ liệu GISAID (Sáng kiến toàn cầu về Chia sẻ dữ liệu bệnh cúm), Andrew Rambaut và cộng sự đã xác định được 81 dòng virus. Các dòng này hầu hết thuộc về các nhóm A, B và B.1. Trong đó, 6 dòng có nguồn gốc từ dòng A (ký hiệu A.1 – A.6) và 2 dòng con hậu duệ của A.1 (A.1.1 và A.3). Các nhà khoa học cũng xác định 16 dòng có nguồn gốc trực tiếp từ dòng B. Cho đến nay, dòng B.1 là dòng nổi tiếng toàn cầu và đã được chia nhỏ thành hơn 70 dòng con. Dòng B.2 hiện có 6 dòng con hậu duệ.
Vaccine “Made in Vietnam”
Việc phát triển vaccine thường là một quá trình rất dài, chi phí lớn để đảm bảo vaccine an toàn và hiệu quả trước khi sử dụng. Để đáp ứng yếu tố phòng chống đại dịch, vaccine cần phải được sản xuất nhanh chóng, đúng yêu cầu, với số lượng lớn trong thời gian ngắn nhất. Nhưng, một rủi ro lớn là khi đại dịch qua đi, nhu cầu sử dụng vaccine sẽ sụt giảm cực nhanh, tác động lớn đến lợi ích của đơn vị phát triển vaccine. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đến nay, tại các đơn vị tiên phong triển khai nghiên cứu vaccine trong nước, đã có những kết quả khả quan ban đầu: 2 đơn vị có sản phẩm trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng và 2 đơn vị đã bước vào giai đoạn nghiên cứu lâm sàng.
Với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (TP.HCM), bên cạnh hướng ứng dụng công nghệ PS như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp này còn có những nghiên cứu vaccine theo hướng ứng dụng công nghệ VLP, sử dụng protein tái tổ hợp.
Tất cả các loại vaccine, trước khi đưa ra sử dụng đều phải trải qua ít nhất 5 giai đoạn. - Đầu tiên, các nhà nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vaccine nhằm tạo ra vùng kháng nguyên có tính sinh miễn dịch và an toàn khi sử dụng trên người sau này. - Vaccine được đánh giá tiền lâm sàng (đánh giá hiệu quả thử nghiệm trên động vật. Khi an toàn, mới tiếp tục được đánh giá trên người). Đánh giá lâm sàng (3 giai đoạn): - Giai đoạn 1: thử nghiệm từ 30-150 người - Giai đoạn 2: thử nghiệm trên ít nhất 200 người - Giai đoạn3: ít nhất 800 người Theo dõi tối thiểu trong một năm, kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối cùng |
Bắt đầu từ ngày 17/12/2020, vaccine của Nanogen (với tên gọi Nano Covax) đã được tiêm mũi đầu tiên cho 60 người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1. Việc nghiên cứu được thực hiện theo 3 nhóm tình nguyện, theo các mức liều sử dụng (25 mcg, 50 mcg và 75 mcg), hình thức tiêm bắp 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Đến nay đã hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Bước đầu, các chuyên gia đánh giá Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày. Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên kéo dài trong 6 tháng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM sẽ cùng tham gia thử nghiệm. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ tiêm trên 10.000 tình nguyện viên, mở rộng tại một số nước có dịch COVID-19 trong cộng đồng, hoàn tất vào đầu năm 2022. Điểm mạnh là Nano Covax bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8oC), trong khi vaccine của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75oC, khó khăn trong việc vận chuyển, bảo quản. Với công nghệ đang có, Nanogen có thể sản xuất tới 20 triệu liều vaccine/tháng.
Vaccine Nanocovax do Nanogen phát triển
Với Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), sản phẩm có tên gọi là COVIVAC, loại vaccine toàn hạt virus tinh khiết, bất hoạt, ở dạng dung dịch có (hoặc không có) tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản. Đây là sản phẩm hợp tác giữa IVAC với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế. Trong đó, IVAC ứng dụng công nghệ sản xuất vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện protein S của virus SARS-CoV-2, được sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang được lưu hành tại Việt Nam. COVIVAC đã được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5/2020, và đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người. Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của COVIVAC đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia (Bộ Y tế) và hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan thẩm định ngày 19/1/2021.
Vaccine Covivac phòng Covid-19 do IVAC sản xuất
Nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được thực hiện theo 5 nhóm tình nguyện (120 người khỏe mạnh), sử dụng các cỡ liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg, 1 mcg có bổ sung tá chất và sử dụng giả dược. Người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi (vaccine hoặc giả dược) cách nhau 28 ngày. COVIVAC đã được khởi động thử nghiệm ngày 21/1/2021 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 2/2021 để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 trong tháng 3/2021.
Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) của Bộ Y tế hiện đang tiến hành nghiên cứu vaccine Covid-19 ở giai đoạn tiền lâm sàng. Để thử nghiệm vaccine, VABIOTECH đã thực hiện trên 12 chú khỉ, nhưng chưa cho kết quả. Chia sẻ về tiến độ nghiên cứu, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch công ty cho biết: “Sau khi hoàn tất giai đoạn tiền lâm sàng, sẽ bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự kiến, nhanh nhất là đến đầu năm 2021, VABIOTECH mới có đủ số liệu để được cấp phép tiến hành thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 ở giai đoạn lâm sàng”.
Là tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ Y tế, có chức năng nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh và các chế phẩm sinh học phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tận dụng ưu thế là nhà sản xuất vaccine sởi, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) đã sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV2 trên giá thể là virus sởi để nghiên cứu sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 tại Việt Nam.
Cho dù việc phát triển vaccine phòng đại dịch như Covid-19 rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng, “Đây là con đường tất yếu chúng ta phải đi, nếu muốn chủ động nguồn cung cấp vaccine phục vụ người dân”, như TS.BS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cũng là Chánh văn phòng Chương trình nghiên cứu phát triển vaccine, đã chia sẻ trong một bài viết đăng trên Báo điện tử của Chính phủ gần đây.
Vâng, chắc chắn là như vậy. Trong vô vàn thông tin hàng ngày liên quan đến đại dịch Covid-19, hãy cùng tin tưởng và chờ đón các thành quả tốt đẹp của các nhà khoa học Việt Nam.
Trong khi các đơn vị tiếp tục triển khai các công tác nghiên cứu tác dụng (và cả tác động) của vaccine đối với con người, ngày 01/02/2021, Bộ Y tế đã có quyết định chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đối với vaccine AstraZeneca. Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 dạng (ChAdOx1-S tái tổ hợp) 5x10" hạt virus (vp), ở dạng bảo chế là dung dịch tiêm. Vaccine AstraZeneca do Catalent Anagi S.R.L (Ý), CP Pharmaceuticals Limited (Anh) và IDT Biologika GmbH (Đức) hợp tác sản xuất. Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam là cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine này tại Việt Nam. AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều trong năm 2021. |
Tuấn Kiệt
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
1. WHO Coronavirus Disease (COVID-19) Dashboard. (08/02/2021).
2. Blocking immune system pathway may stop Covid-19 infection, prevent severe organ damage.
3. WHO: Covid-19–Landscape of novel corona virus candidate vaccine development worldwide (21/01/2021).
4. Status of COVID-19 vaccines within WHO EUL/PQ evaluation process (20/01/2021)