Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 và là xu thế phát triển tất yếu hiện nay, có tác động to lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội. Theo xu thế này, TP.HCM đang đẩy mạnh những hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý đô thị, và phát triển kinh tế xã hội. Những thành quả bước đầu trong nghiên cứu, ứng dụng AI là cơ sở để Thành phố bứt phá trong tương lai, hướng đến đô thị thông minh vào năm 2025.

 

Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu, ứng dụng AI ở Việt Nam được chú trọng phát triển vì tiềm năng to lớn của AI trong nâng cao tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Bối cảnh đại dịch Covid 19 càng khẳng định tầm quan trọng vượt trội của AI qua vận hành các hoạt động kinh doanh, xây dựng văn hóa làm việc trực tuyến, giao dịch qua mạng…

Từ năm 2020, TP.HCM đã triển khai chương trình "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo TP.HCM giai đoạn 2020-2030" và được kỳ vọng là nền tảng vững chắc giúp Thành phố tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, đi đầu trong việc thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng AI trong các lĩnh vực giáo dục, giao thông, y tế…đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần đưa Thành phố có những chuyển mình mạnh mẽ theo hướng đô thị thông minh, hiện đại.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh Nguồn: https://www.hcmcpv.org.vn/

AI được ứng dụng trong lập các mô hình dự báo nhu cầu giao thông, tối ưu hóa dòng giao thông, khuyến nghị lộ trình lưu thông phù hợp trong thành phố. Kết hợp với các công nghệ thu phí truyền thống, Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng dựa trên ứng dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng điện từ RFID tại các trạm ETC An Sương - An Lạc và cầu Phú Mỹ. Đây là giải pháp nhận dạng biển số, nhận dạng phương tiện bằng laser, hệ thống phục vụ hậu kiểm bằng hình ảnh kết hợp với dữ liệu, đảm bảo thu phí tự động, chính xác, tin cậy và minh bạch.

Ngoài ra, Thành phố cũng ứng dụng AI trong xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS). Thông qua hệ thống camera ở những tuyến đường trọng yếu, hệ thống ITS sẽ thu thập dữ liệu, phân tích hành vi giao thông, từ đó đưa ra các kịch bản điều tiết nhằm giảm tình trạng kẹt xe khu vực nội thành.

Ở lĩnh vực y tế, nhiều bệnh viện tại Thành phố đã ứng dụng AI trong các hoạt động thực tiễn, không chỉ tạo ra nhiều tiện ích cho đội ngũ y bác sĩ mà còn đem đến nhiều cơ hội hơn cho bệnh nhân: Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã triển khai phần mềm AI chuyên dụng trong chẩn đoán đột quỵ, mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ khuyết tật cho bệnh nhân. Bệnh viện Ung bướu đưa vào thử nghiệm phần mềm AI “IBM Watson for Oncology”, giúp tư vấn và hỗ trợ bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả cho bệnh nhân ung thư…

Trong khu vực doanh nghiệp, xu hướng ứng dụng AI cũng được đẩy mạnh. Từ các tập đoàn lớn như Vingroup, Viettel, FPT cho đến các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đều có sự đầu tư nghiên cứu phát triển các hệ thống thông minh trên nền tảng AI. Đáng chú ý là sản phẩm nghiên cứu AI trong chẩn đoán và tiên lượng ca bệnh Covid-19 do Vingroup triển khai. Đây là phần mềm AI đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ chẩn đoán 12 dấu hiệu bất thường phổ biến trên bệnh nhân viêm phổi, tổn thương phổi… và được đánh giá là một bước đi có ý nghĩa quan trọng trong điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 hiện nay. Một trong những đại diện khu vực khởi nghiệp là dự án bSmart, được giới thiệu tại sự kiện AI Hack 2020 (do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao tổ chức) đã cho thấy nhiều tính năng hữu dụng trong ngành giao thông. Dự án này sử dụng AI để phát triển nhiều giải pháp đa dạng, ví dụ như dự báo thời gian và lịch sử di chuyển của xe (bSmartETA). Từ dữ liệu có được, bSmartETA sẽ tính toán thời gian xe đến trạm và hiển thị mật độ lưu thông trên đường.

Như vậy, AI đã khẳng định được ưu thế trong giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra cho TP.HCM. Việc bước đầu ứng dụng hiệu quả AI ở một số lĩnh vực trên địa bàn đã thể hiện hướng đi của Thành phố là đúng đắn.

Để có thể nghiên cứu ứng dụng AI hiệu quả, đòi hỏi phải có nhận thức đúng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Góp phần giải quyết bài toán quan trọng này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức nhiều đợt tập huấn, nâng cao nhận thức về AI cũng như khả năng ứng dụng AI trong nghiên cứu, quản lý, sản xuất cho lãnh đạo các đơn vị và doanh nghiệp. Để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho nghiên cứu, ứng dụng AI, nhiều hoạt động trọng điểm đã được Đại học Quốc gia TP.HCM triển khai: Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) thành lập “Chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robots” nhằm nghiên cứu, tìm hiểu giáo dục AI tiên tiến trên thế giới, chọn lọc theo các tiêu chí chặt chẽ để mang về Việt Nam một chương trình phù hợp; tại Đại học Khoa học tự nhiên, môn “Trí tuệ nhân tạo” là môn học bắt buộc cho tất cả sinh viên chuyên ngành CNTT (trong đó khoảng 30-35% sinh viên sẽ tiếp tục được đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về AI). Trường cũng đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, có uy tín trong lĩnh vực AI, đồng thời từng bước triển khai các nội dung đào tạo về AI cho những học sinh xuất sắc, đặc biệt là tại các trường THPT chuyên của thành phố.

Có thể nói, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng AI của TP.HCM đang dần tạo nên sự kết nối trong hệ sinh thái AI. Ngoài việc có thể chia sẻ những công nghệ mới, khai phá tiềm năng ứng dụng, sự kết nối nhiều thành phần từ nghiên cứu - đào tạo - ứng dụng đã đóng góp nhiều giải pháp thiết thực để phát triển công nghệ AI trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, ứng dụng AI trong quản trị nhà nước, dịch vụ công, sản xuất kinh doanh...

Với những hiệu quả ban đầu này, các chương trình, hoạt động được triển khai liên quan đến AI trong thời gian tới chắc chắn sẽ góp phần giải quyết tốt những vấn đề cấp bách của thành phố trong nhiều lĩnh vực như: Chính quyền số, giao thông, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, y tế & sức khỏe người dân…, hiện thức hóa tầm nhìn xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh vào năm 2025, hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành “…trung tâm khởi nghiệp sáng tạo nhất cả nước, tận dụng các cơ hội phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn", như lời phát biểu của ông Dương Anh Đức (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) tại sự kiện Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN), được tổ chức tại TP.HCM cuối tháng 11/2020 vừa qua.

Như vậy, AI đã khẳng định được ưu thế trong giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra cho TP.HCM. Việc bước đầu ứng dụng hiệu quả AI ở một số lĩnh vực trên địa bàn đã thể hiện hướng đi của Thành phố là đúng đắn.

 

Thu Hà

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

1. Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Quyết định ban hành Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025).
2. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Báo cáo Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Thành phố năm 2020 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập