Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đã được Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM tổ chức trong năm 2020. Trong đó, nổi bật nhất là chuỗi sự kiện “Cà phê công nghệ”, với việc đổi mới các hoạt động xúc tiến kết nối cung – cầu công nghệ theo các loại hình “đa dạng nguồn cung – đa dạng nhu cầu”.

 

Với mục tiêu đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kể từ khi hình thành đến nay, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM đã tiếp nhận và hỗ trợ thông tin cho hơn 2.000 yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp, kết nối với chuyên gia công nghệ hơn 700 yêu cầu thông qua các sự kiện triển lãm Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành, hội thảo trình diễn công nghệ, Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ - Techport,... Hoạt động xúc tiến kết nối của Sàn đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với thông tin công nghệ từ đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình kết nối, nhiều bài toán công nghệ mà doanh nghiệp đang gặp rất phức tạp, nếu chỉ một đơn vị cung ứng thì chưa đủ khả năng, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều bên công nghệ mới có thể giải quyết.

Một số hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM

Trên tinh thần liên tục cải tiến, đổi mới các hình thức và nội dung hoạt động xúc tiến kết nối cung – cầu, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hình thức tổ chức kết nối cung – cầu truyền thống, trong năm 2020, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM đã “trình làng” một mô hình xúc tiến kết nối cung – cầu mới: Chuỗi sự kiện “Cà phê công nghệ”, với hai nội dung chính: hoạt động “Hợp tác công nghệ” nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ (nguồn cung công nghệ) đến các doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư (nơi ứng dụng công nghệ) và hoạt động “Kết nối ý tưởng” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ tiếp cận đồng thời với nhiều chuyên gia, đơn vị cung ứng để có được những giải pháp công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Từ đây, các bên cung – cầu có thể ký kết các hợp đồng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

“Hợp tác công nghệ”

Được xây dựng theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp (định hướng từ nguồn cung). Theo đó, các nhà tổ chức sẽ xác định các nhiệm vụ KH&CN của Thành phố có nhiều tiềm năng chuyển giao, tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan (ở TP.HCM và các tỉnh trong khu vực) về nhiệm vụ này. Các công nghệ cho thấy có nhiều quan tâm thực sự sẽ được hỗ trợ tổ chức giới thiệu đến rộng rãi doanh nghiệp bên cầu. Tại các sự kiện “Hợp tác công nghệ”, các kết quả cụ thể của nghiên cứu, khả năng ứng dụng vào hoạt động sản xuất – kinh doanh thực tế của doanh nghiệp được các nhà khoa học, các chủ nhiệm đề tài trao đổi rất thẳng thắn, nghiêm túc, chi tiết,…tạo được sự quan tâm, tin cậy của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham dự, mở ra các quan hệ hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa các bên.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên tại một sự kiện “Hợp tác công nghệ”

Nhận định về hoạt động này, PGS.TS Bùi Trung Thành (Viện Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ - Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết: “Các nhà khoa học thường có nhiều ý tưởng mới, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng tốt. Tuy nhiên, để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu còn cần nhiều khâu như tiếp cận thị trường, đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm,… trong khi đa phần các nhà khoa học không giỏi các khâu này. Mô hình Hợp tác công nghệ có thể kết nối và tạo ra cơ hội tiếp cận trực tiếp giữa các bên liên quan (nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư) để đi đến những hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ,…”.

Năm 2020, đã có 5 chủ đề “Hợp tác công nghệ” (xử lý phân ruồi lính đen thành phân hữu cơ sinh học; trồng sâm Bố chính hữu cơ; nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh; thiết kế chế tạo xe phun thuốc trừ sâu tự hành; đốt rác bằng hồ quang điện xử lý chất thải nguy hại) được tổ chức thực hiện tại Sàn Giao dịch công nghệ, tạo lập được nhiều ghi nhớ hợp tác ngay tại sự kiện giữa các bên tham gia.

 

“Kết nối ý tưởng”

Không phải bất kỳ nhu cầu nào cũng có công nghệ phù hợp, sẵn sàng ứng dụng ngay vào thực tiễn, mà thường phải có những điều chỉnh, tùy biến công nghệ hiện hữu để thích ứng với trình độ, năng lực của đơn vị ứng dụng. Hơn thế, nhiều yêu cầu công nghệ cần phải phối hợp nhiều nhà cung ứng mới có thể giải quyết toàn diện. “Kết nối ý tưởng” chính là thiết kế của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM nhằm đáp ứng các đòi hỏi này của thực tiễn trong năm 2020. Từ những nhu cầu bức thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (cụ thể như cần nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm nội địa và xuất khẩu; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất; tận dụng các nguồn phế phụ phẩm chế biến để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao,…), 5 sự kiện “Kết nối ý tưởng” (với các chủ đề về hệ thống sấy dẻo nông sản; bảo quản trái xoài, trái mãng cầu; sản xuất collagen từ vảy cá và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải gia súc) đã được Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM tổ chức kết nối thành công. Tại mỗi sự kiện, nhiều nhà cung ứng công nghệ cùng tham gia trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề công nghệ mà doanh nghiệp bên cầu đang gặp. Kết quả của mô hình mới này là nhiều ghi nhớ “hợp tác” đã được kiến tạo, ký kết ngay tại các sự kiện, không chỉ giữa bên cung với bên cầu công nghệ, mà còn giữa nhiều nhà cung ứng công nghệ với nhau, để cùng tạo ra lời giải tốt nhất cho bài toán công nghệ của doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và các nhu cầu về công nghệ tại một sự kiện “Kết nối ý tưởng”

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới), các mô hình liên kết mới trong chuỗi sự kiện “Cà phê công nghệ” do Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM triển khai tổ chức là cách làm hay, giải quyết tốt được bài toán “các khâu liên kết”, vốn rất quan trọng nhưng còn khá yếu trong thực tiễn, giúp đưa nhanh các công nghệ mới vào sản xuất, hình thành các liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành để cùng phát triển.

Như vậy, thực tế triển khai các mô hình “Hợp tác công nghệ”“Kết nối ý tưởng” cho thấy, việc đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ là vấn đề luôn cần quan tâm đầu tư, và đã bắt đầu có chỗ đứng trong các mối quan hệ cung – cầu công nghệ tại Thành phố và khu vực.

 

Duy Sang

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

Báo cáo hoạt động Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, giai đoạn 2013-2020.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập