Năm 2020 đã khép lại cùng nhiều hoạt động đa dạng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ tại TP.HCM, giúp tỉ lệ đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN) vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố tiếp tục gia tăng, tạo tiền đề cho năm 2021 phát triển mạnh mẽ hơn.
Hưởng ứng các động thái chuyển đổi số của quốc gia, Thành phố đã tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,…vào thực tế các lĩnh vực quản lý nhà nước, dịch vụ công và sản xuất - kinh doanh: tổ chức Cuộc thi “Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TP.HCM năm 2020”; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam tại TP.HCM năm 2020”; tiếp tục triển khai nhiều nội dung của Chương trình nghiên cứu ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý giai đoạn 2016-2020 (xây dựng nền tảng dịch vụ xử lý dữ liệu, nền tảng chia sẻ dữ liệu đám mây điểm, nền tảng Thành phố 3D, nền tảng bản đồ online,…),…Các hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng thông minh, hiện đại; phục vụ hữu hiệu cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống.
Giới thiệu công nghệ tại một sự kiện của Chuỗi “Cà phê công nghệ”, tháng 12/2020 |
Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai luôn bám sát với nhu cầu thực tiễn của Thành phố; việc xây dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững giữa 3 khu vực (viện trường – doanh nghiệp – nhà nước) tiếp tục được đẩy mạnh; sáng tạo và đổi mới nhiều hình thức xúc tiến chuyển giao công nghệ. Rõ nét nhất là hoạt động Chuỗi sự kiện “Cà phê công nghệ”, với hai mô hình “Kết nối ý tưởng” và “Hợp tác công nghệ”, đã thay đổi hoàn toàn phương pháp tổ chức kết nối cung – cầu, từ mô hình “một-một” truyền thống sang “đa dạng nguồn cung - đa dạng người dùng”, thu hút mạnh sự quan tâm của các nhà cung ứng công nghệ và các doanh nghiệp có nhu cầu[1]. Hoạt động “Kết nối sáng tạo” nhằm tạo ra không gian kết nối giữa các viện trường và doanh nghiệp với Nhà nước để các chuyên gia nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có thể am hiểu, tin tưởng và cùng hợp tác với nhau để triển khai hiệu quả các đề tài có tính mới, sáng tạo ở quy mô lớn cũng vừa được Thành phố vận hành trong năm 2020. |
Thiết thực triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Thành phố vừa hoàn tất công tác đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho 70 học viên tốt nghiệp khóa đào tạo IPO[2] dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và các nhà đầu tư. Hoạt động này góp phần nâng cao số lượng và chất lượng giao dịch đầu tư vốn cho khởi nghiệp ĐMST, cũng như gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam có hoạt động mua bán sáp nhập, trở thành công ty đại chúng. Công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ tại Thành phố tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh trong năm. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên nhằm thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ của Sở KH&CN, có nhiều chuyển động mạnh mẽ tại khu vực các trường đại học (ví dụ Trường Đại học Luật TP.HCM, Trường Đại học Y dược TP.HCM, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM,…), với các chương trình đào tạo, tập huấn phong phú cho cán bộ, giảng viên và sinh viên (lực lượng nòng cốt sáng tạo tài sản trí tuệ tương lai) được tổ chức. |
BĐ1: Đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố |
Có thể thấy, hoạt động KH&CN và ĐMST tại Thành phố đã từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ở tỉ lệ đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng kinh tế Thành phố (chỉ số TFP)[3] luôn ở mức cao, năm 2020 ước đạt 42% (BĐ1). Đây là một tiền đề tốt, tạo đà cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Thành phố, đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ 12 đề ra[4].
Anh Tuấn
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
- Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Báo cáo tổng kết hoạt động KHCN và ĐMST (giai đoạn 2017-2020).
- Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Quyết định phê duyệt Chương trình nghiên cứu, xây dựng Hệ thống thông tin địa lý Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020