Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều giải pháp công nghệ đã được TP.HCM triển khai, cho phép nâng cao khả năng kiểm soát, giám sát, từng bước đẩy lùi sự lây lan và khống chế dịch bệnh.

 

Nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh

Theo số liệu của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tính đến ngày 24/02/2021, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp với gần 112,68 triệu ca và 2,5 triệu trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, sau khi trải qua 2 làn sóng SARS-CoV-2 trong năm 2020, làn sóng thứ 3 (đầu năm 2021) được cho là nghiêm trọng hơn, với con số lây nhiễm trong cộng đồng lớn nhất từ trước tới nay (809 trường hợp được ghi nhận từ 25/01 đến 24/02).

Công nghệ GIS được TP.HCM ứng dụng trong lĩnh vực Y tế

Tuy nhiên, với thế giới, Việt Nam vẫn là quốc gia chống dịch tốt, duy trì được cuộc sống, sinh hoạt theo trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh những cách làm quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công là tăng cường ứng dụng KH&CN vào kiểm soát, phòng chống và điều trị Covid-19. Có thể thấy rõ điều này tại TP.HCM.
Với kinh nghiệm tốt trong phòng chống dịch Covid-19 năm 2020, bước vào đợt dịch thứ 3, Thành phố đã nhanh chóng kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh. Chỉ trong khoảng nửa tháng (9/2-21/2) từ khi xuất hiện chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất, 33 địa điểm cách ly được gỡ phong tỏa; Thành phố không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài những biện pháp được thực hiện từ trước như xử lý phòng chống dịch khi phát hiện trường hợp nhiễm mới; khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ vùng dịch; kiểm tra, giám sát các khu cách ly; xét nghiệm giám sát…, nhiều giải pháp công nghệ cũng đã được Thành phố nhanh chóng triển khai vào thực tiễn, như ứng dụng phần mềm GIS giúp quản lý ca bệnh, vùng dịch; ứng dụng AI trong triển khai mô hình Trung tâm điều hành Y tế thông minh.

Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phần mềm GIS cho phép quản lý tình hình dịch bệnh: giám sát sự phân bố các ca bệnh theo dải màu dịch tễ, xây dựng sơ đồ mối quan hệ giữa các ca F0-F5. Các lớp dữ liệu về dịch Covid-19 liên tục được cập nhật trong phần mềm mã nguồn mở (03 lớp dữ liệu về ca nhiễm, ca phục hồi, ca tử vong của các quốc gia trên thế giới; 01 lớp dữ liệu về diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam).

Có thể nói công nghệ GIS đã phát huy tốt hiệu quả trong quản lý các ca dương tính, ca nghi nhiễm (F0-F5), vùng cách ly, vùng dịch, địa điểm cách ly Covid-19 tại Thành phố. Việc ứng dụng phần mềm GIS vào quản lý ca bệnh, vùng dịch còn giúp Thành phố chia sẻ thông tin một cách trực quan, sinh động hơn về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới.

Với việc ứng dụng camera có kết hợp phân tích bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình Trung tâm Điều hành y tế thông minh, giúp phản ứng nhanh, kịp thời trước diễn biến của dịch Covid-19. Trung tâm kết nối với hệ thống camera được bố trí, lắp đặt tại 8 bệnh viện trên địa bàn. Qua số liệu thống kê và hình ảnh kết hợp phân tích AI, cho phép nhận diện người bệnh, đưa ra các dự báo và theo dõi quá tải cấp cứu tại các bệnh viện. Hệ thống đã có 12 hợp phần được triển khai thí điểm như: xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thông minh; giám sát thời gian thực qua hệ thống camera có áp dụng trí tuệ nhân tạo; tích hợp hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh, khảo sát người bệnh nội trú; kết nối với Trung tâm cấp cứu 115; hệ thống Telemedicine và hệ thống giám sát dịch Corona… Việc ứng dụng AI tại Trung tâm còn hướng tới việc đưa ra dự báo, cảnh báo xu hướng bệnh tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đồng thời kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, hỗ trợ thực hiện quá trình chuyển giao công nghệ, giúp ngành y tế Thành phố nâng cao trình độ nguồn nhân lực và chất lượng phục vụ.

 

Đáp ứng yêu cầu “bình thường mới”

Bên cạnh các giải pháp công nghệ nhằm kiểm soát nhanh tác động của virus SARS-CoV-2, nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN đã được triển khai vào thực tiễn, nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” (chung sống an toàn với dịch bệnh), điển hình như công nghệ điều chế vaccine và công nghệ chế tạo các thiết bị y tế có hiệu quả cao dùng cho điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Nằm trong Khu công nghệ cao TP.HCM, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen là một trong bốn đơn vị ở Việt Nam tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine chống dịch Covid-19. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, kết hợp việc làm chủ công nghệ protein tái tổ hợp, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty đã thành công trong việc nghiên cứu và cho ra đời vaccine NanoCovax thành phẩm. Bước vào giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng, NanoCovax được các chuyên gia đánh giá là an toàn, tạo phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Điều này giúp đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm, sản xuất vaccine, tiến tới mục tiêu đến cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất.

Công ty Nanogen - nơi ra đời những mẫu vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam

Cùng với việc tích cực, chủ động trong nghiên cứu phát triển vaccine phục vụ công tác phòng chống dịch, TP.HCM cũng xây dựng giải pháp tổng thể và thiết bị cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Điển hình như việc chế tạo máy rửa tay khử khuẩn tự động cho bác sĩ, thiết bị kiểm soát vi sinh, bụi mịn đầu vào (air shower), hay chế tạo máy thở xâm lấn đơn giản. Ngoài ra, Thành phố cũng tiến hành chế tạo thử nghiệm buồng điều trị áp lực âm dạng container, module đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến, đảm bảo an toàn vi sinh không cho virus phát tán ngược ra môi trường trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ trở nên không an toàn và có nguy cơ trở thành ổ lây lan của virus gây bệnh nếu không tổ chức các buồng cách ly đúng cách. Vì thế, việc hoàn thiện thiết kế buồng điều trị áp lực âm dạng container để có thể sản xuất hàng loạt có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, cũng như đối phó với chiều hướng gia tăng của dịch bệnh, hỗ trợ đặc lực cho các công tác tiếp đón đồng bào từ nước ngoài trở về, hoặc các chuyên gia đến Việt Nam làm việc. Đây cũng là biện pháp chung tay với cả nước trong kiểm soát nguồn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 có xu hướng không biến mất nhanh chóng như Ebola, SARS mà sẽ lặp đi, lặp lại. Vì thế, việc triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tại TP.HCM giúp các nhà quản lý, người dân chủ động hơn trong việc ứng phó với đại dịch. Đây cũng là hướng đi đúng của Thành phố, giúp nâng cao chất lượng các công tác khám, chữa bệnh và chủ động hình thành những giải pháp nhằm khống chế các dịch bệnh nguy hiểm mà chắc chắn con người sẽ còn phải đối mặt trong tương lai.

 

Thu Hà

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Thành phố năm 2020 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021.
[2] Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Bản tin cập nhật dịch bệnh Covid-19 (ngày 24/02/2021), https://vncdc.gov.vn/ban-tin-cap-nhat-dich-benh-covid-19-ngay-24022021-nd15993.html.
[3] Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Bước tiến dài trong phát triển vaccine phòng COVID-19: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/buoc-tien-dai-trong-phat-trien-vaccine-phong-covid-19.
[4] Cổng thông tin điện tử ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh: http://www.medinet.gov.vn/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập