Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, dệt may đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nước ta. Trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng dịch chuyển sản xuất, đổi mới công nghệ là giải pháp mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đẩy mạnh để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

 

Dệt may - ngành nhiều áp lực cạnh tranh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2016–2019 (tăng trưởng kép bình quân hàng năm là 9,55%). Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương giảm 9,29% (Biểu đồ 1). Tuy kim ngạch xuất khẩu suy giảm trong năm 2020, nhưng thị phần dệt may Việt Nam có những thay đổi đáng chú ý: Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn nhất sang Trung Quốc, đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và đứng thứ 6 sang châu Âu.

Giá trị xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2016-2020 (ĐVT: tỷ USD)

Sản phẩm dệt may Việt Nam xuất ra thị trường thế giới chịu nhiều áp lực cạnh tranh về giá thành, chi phí sản xuất và tiêu chuẩn an toàn môi trường. Đối với TP.HCM, ngành dệt may còn gặp thách thức lớn hơn về nguồn cung lao động, do đây là ngành cần nhiều lao động với chi phí thấp, nhưng hiện nguồn lao động này tại TP.HCM chưa đáp ứng đủ số lượng yêu cầu. Một trong những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn này là các doanh nghiệp ngành dệt may phải tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại và đào tạo nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tránh bị tụt hậu trong bối cảnh chi phí lao động và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng.

  

Tăng sức cạnh tranh nhờ ứng dụng KH&CN

Với nhận định “công nghệ là một trong những yếu tố then chốt để phát triển”, thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM đã không ngừng ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và có những thành công ấn tượng. Công ty Cổ phần Việt Thắng (một trong những doanh nghiệp có quy mô và uy tín trong ngành dệt may Việt Nam) hiện đang sở hữu hệ thống thiết bị công nghệ với trình độ kỹ thuật tiên tiến. Việt Thắng đã đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các dây chuyền công nghệ kéo sợi, dệt vải, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Ông Phạm Văn Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Việt Thắng) cho biết, công nghệ tự động hóa, kết nối trên nền tảng internet, đang dần thay thế người lao động tại các dây chuyền sản xuất và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công.

Ngành dệt may tự động hóa và đồng bộ các thiết bị sản xuất. (Nguồn: Internet)

Là doanh nghiệp có truyền thống sản xuất dệt may lâu đời, am hiểu thị trường cùng với chuỗi cung ứng khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may, Công ty Cổ phần Dệt may Phong Phú luôn có những chiến lược phát triển linh hoạt, đáp ứng các điều kiện mới của Cách mạng công nghiệp 4.0. Công ty đã đầu tư tự động hóa quy trình sản xuất, trang bị máy móc, dây chuyền hiện đại và ứng dụng công nghệ vào các công tác quản lý, vận hành. Theo ông Dương Khuê (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Phong Phú), việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động trong quá trình sản xuất giúp giảm thiểu rủi ro, sai sót do thao tác của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp khách hàng có thể truy xuất được các dữ liệu quá khứ, hiện tại và dự đoán dữ liệu sản xuất trong tương lai.

 

Tăng cường nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Thực tiễn cho thấy, đã có nhiều đầu tư nghiên cứu nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ ngành dệt may tại TP.HCM thời gian qua, với nhiều nội dung đa dạng, ví dụ như nghiên cứu chế tạo máy thí nghiệm thử độ thoáng khí của vải; máy thử tính kháng thấm nước của vải dưới áp suất thuỷ tĩnh; máy nhuộm thí nghiệm gia nhiệt bằng hồng ngoại, công nghệ dệt nhuộm hoàn tất vải may mặc từ sợi gai dầu pha viscose… của Phân viện Dệt may tại TP.HCM; nghiên cứu chế tạo máy in 4 màu tự động sử dụng in nhãn hàng may mặc dạng cuộn của TS. Nguyễn Anh Tuấn (Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM),... Gần đây nhất, có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chuyền treo tự động ngành may” của Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Thương mại Nhất Tinh, được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu. Các nhà nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ chế tạo thiết bị công nghệ cao (phần mềm hỗ trợ thiết kế chuyền may công nghiệp; phân hệ phần mềm hỗ trợ quản lý nguồn lực DN ERP; công nghệ nhận dạng sản phẩm RFID ngành may; công nghệ truyền thông không dây cho chuyền treo; công nghệ gia công nhanh các chi tiết và kết cấu máy; các công nghệ CIM, IoT…) giúp tăng tính chủ động trong sản xuất chế tạo thiết bị ngành may, không phụ thuộc nguồn thiết bị nhập từ nước ngoài, hướng tới cung cấp cho nhiều doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ với giá thành thấp.

Tìm kiếm thiết bị ngành may tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (techport.vn)

 

Tham gia góp phần hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp dệt may tiếp cận với các công nghệ mới, phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ, thời gian qua, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (79 Trương Định, Quận 1 - http://techport.vn) đã tăng cường công tác thu thập, chọn lọc và đưa ra giới thiệu hàng trăm công nghệ, thiết bị phục vụ ngành dệt may, từ các loại máy móc thiết bị phần cứng (máy may lập trình tự động, máy may 2 kim truyền động trực tiếp ổ lớn với cắt chỉ tự động, máy căng kim định hình Power frame cho ngành dệt kỹ thuật, máy in sơ đồ ngành may,…) đến các giải pháp phần mềm (hệ thống quản lý và tính công điện tử, hệ thống quản lý nhân sự, chấm công, tiền lương cho các đơn vị ngành may,…). Bên cạnh đó, qua Techport.vn, các doanh nghiệp dệt may còn có thể tiếp cận thông tin về các phòng thử nghiệm uy tín (ví dụ như Phòng thử nghiệm dệt may và hóa chất – Công ty TNHH Intertek Việt Nam; Phòng thử nghiệm Softlines; Trung tâm thí nghiệm dệt may – Viện nghiên cứu Dệt may TP.HCM…) để kiểm nghiệm khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường cho các sản phẩm của mình.

Với mục tiêu ngành dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD trong năm 2021, theo ông Vũ Đức Giang (Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam), cần hoạch định rõ các giải pháp công nghệ, tập trung vào tự động hóa để tạo ra sản phẩm đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Ông Phạm Xuân Hồng – (Chủ tịch hội Dệt may, thêu đan TP.HCM) cho biết, tiến bộ KH&CN có thể giúp tiết giảm số lượng lao động, giảm giá trị lao động từ 5-10 lần mỗi đơn vị sản phẩm (tùy vào từng loại hình sản phẩm). Do vậy, KH&CN nói chung và công nghệ tự động hóa trong ngành dệt may nói riêng trực tiếp góp phần xây dựng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may. Có thể thấy việc đổi mới công nghệ ngành dệt may là rất cần thiết, không chỉ là yếu tố sống còn, mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn, giúp doanh nghiệp hòa nhập xu hướng phát triển chung của ngành.

Như Hà

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Hương Linh. Đầu tư công nghệ cao: ‘Chìa khóa’ phát triển ngành dệt may. https://congnghiepcongnghecao.com.vn/tin-tuc/t23657/dau-tu-cong-nghe-cao--chia-khoa-phat-trien-nganh-det-may.html
[2] Phong Phú đẩy mạnh cải tiến năng suất và chất lượng. http://www.phongphucorp.com/news/phong-phu-day-manh-cai-tien-nang-suat-va-chat-luong.html
[3] Lam Vân. Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chuyền treo tự động ngành may. http://www.cesti.gov.vn/chi-tiet/11178/kh-cn-trong-nuoc/nghien-cuu-thiet-ke-che-tao-he-thong-chuyen-treo-tu-dong-nganh-may
[4] N.T.T. Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy in 4 màu tự động sử dụng in nhãn hàng may mặc dạng cuộn. https://www.vista.gov.vn/news/khoa-hoc-ky-thuat-va-cong-nghe/nghien-cuu-thiet-ke-va-che-tao-may-in-4-mau-tu-dong-su-dung-in-nhan-hang-may-mac-dang-cuon-1589.html
[5] V.T. Năm 2021 ngành dệt may xuất khẩu phấn đấu đạt 39 tỷ USD.https://baotintuc.vn/kinh-te/nam-2021-nganh-det-may-xuat-khau-phan-dau-dat-39-ty-usd-20210103183646151.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập