Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU đầy tiềm năng và thách thức.
EVFTA được xem là động lực cho thúc đẩy phục hồi và hội nhập của DN (Ảnh tư liệu)
Thị trường rộng mở: 17,57 nghìn tỷ USD
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm, là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiệp định thương mại EVFTA mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam về một thị trường đầy tiềm năng, với 500 triệu dân và quy mô khoảng 17,57 nghìn tỷ USD.
Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gần 85,6% số dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ được EU xóa bỏ. Trong 7 năm tiếp theo, EU sẽ xóa bỏ 99,2% dòng thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. 0,3% còn lại (sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp) được EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs), với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Bảng 1 – Cam kết mở cửa với một số nhóm hàng hóa quan trọng của Việt Nam
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)
Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn, giúp giảm giá hàng hóa, dịch vụ cung ứng, khơi thông dòng chảy mới về thương mại.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với EVFTA dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, so với không có Hiệp định. Cụ thể, nhóm hàng nông sản như gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%); các nhóm ngành sản xuất như dệt tăng 67%, may mặc (81%), da giày (99%); nhóm ngành dịch vụ như vận tải thủy tăng 100%, vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%) , các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%). Riêng đối với thủy sản, dự kiến tăng 2% trong giai đoạn 2020-2030.
Phải thích ứng tốt với “cuộc chơi”
EVFTA đi vào thực thi sẽ là đòn bẩy rất lớn, giúp đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ. Tuy nhiên, để hàng hóa, dịch vụ có thể tiếp cận tốt với thị trường EU, cần phải đặc biệt lưu ý một số nội dung sau:
Xuất xứ EVFTA
Muốn được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa phải có xuất xứ EVFTA (gồm các loại: xuất xứ thuần túy và xuất xứ không thuần túy). Trong đó, hàng hóa có xuất xứ thuần túy là khoáng sản, cây trồng và sản phẩm cây trồng, động vật, sản phẩm thu được từ giết mổ, săn bắn,…tại chính nước thành viên EU. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy là hàng hóa được tạo ra từ các nguyên liệu nhập từ các nước thuộc EU (với điều kiện những nguyên liệu đó phải trải qua công đoạn gia công, chế biến theo quy định [1]).
Đối với hàng hóa từ Việt Nam xuất qua EU, EVFTA chấp nhận “xuất xứ mở rộng”, đối với nguyên liệu mực và bạch tuộc (có nguồn gốc từ các nước ASEAN), nguyên liệu hàng dệt may (có nguồn gốc từ Hàn Quốc), nếu thỏa mãn các điều kiện hoặc các công đoạn gia công theo quy định.
Quy tắc tính xuất xứ hàng dệt may, theo EVFTA, là thoáng hơn so với quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP (vốn yêu cầu hàng dệt may phải có xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là sợi và vải phải được sản xuất và/hoặc nhập khẩu từ các nước CPTPP thì mới được hưởng thuế suất ưu đãi).
Hàng rào kỹ thuật (TBT)
Là một thị trường khó tính, EU có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Để có thể xuất khẩu vào EU, tùy theo từng nhóm hàng hóa, cần phải phải tuân thủ thêm nhiều quy định:
- Với quy định REACH[2], các hoạt chất có tổng lượng tích lũy từ 01 tấn/loại/năm trở lên trong các sản phẩm xuất vào châu Âu thì doanh nghiệp/cơ sở sản xuất phải đăng ký với Cơ quan quản lý hóa chất Châu Âu – ECHA (trụ sở đặt tại Helsinki, Phần Lan). Bên cạnh đó phải thông báo cho ECHA nếu hóa chất trong hàng hóa nằm trong danh mục hóa chất có mức độ quan ngại cao (SVHC). Quy định này liên quan trực tiếp đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nội thất, dệt may, giày dép, đồ chơi, nhựa, điện tử, các mặt hàng hóa chất.
- Đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
- Quy định trong Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhằm bảo vệ các loại động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm. DN phải có giấy phép CITES hoặc chứng chỉ CITES do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp mới được xuất khẩu.
- Quy định IUU[3] về việc ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp (các nước xuất khẩu thủy sản sang EU phải có giấy chứng nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của các sản phẩm này).
Kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS)
EU chấp thuận cho nhập khẩu hàng hóa mà không cần phải thanh tra DN, cơ sở sản xuất, nếu các đơn vị này có tên trong danh sách các DN, cơ sở sản xuất đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều kiện để có tên trong danh sách này là:
- Hàng hóa là loại hàng hóa được EU cho phép nhập khẩu và được cấp các chứng nhận phù hợp.
- Phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận.
EU đưa ra cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương với biện pháp SPS, hàng hóa chỉ phải làm thủ tục kiểm dịch tại nước xuất khẩu mà không phải làm lại thủ tục này ở nước nhập khẩu. Từ đó, rút ngắn thời gian công nhận tương đương xuống còn 3 tháng so với quy định 6 tháng kể từ thời điểm nhận được đề nghị.
Để tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ EVFTA, các DN cần nắm vững và thực hành đúng các yêu cầu liên quan đến hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm; các quy tắc xuất xứ,…từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh của DN để khai thác tốt nhất các cơ hội mà EVFTA mang lại.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
- Đặng Thái Phiên, Cục Hải quan TP.HCM. Những điều cần biết cho việc xuất khẩu hàng hóa vào EU khi EVFTA có hiệu lực. Báo cáo tại hộ thảo “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào liên minh Châu Âu thông qua cửa ngõ Ba Lan khi EVFTA có hiệu lực” ngày 28/1/2021.
- Bảo Ngọc. Xuất khẩu sang EU: Cần đáp ứng các tiêu chuẩn SPS. https://congthuong.vn/xuat-khau-sang-eu-can-dap-ung-cac-tieu-chuan-sps-151858.html
- Nghị định thư 1, Quy định hàng hóa có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính. http://evfta.moit.gov.vn/data/7d80034a-9a2a-4c93-8046-9df701661850/userfiles/files/ Protocol%201.pdf
- Cam kết chính (Website Hiệp Định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu). (http://evfta.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=2809fd0e-b509-41c4-aa5f-fc2257d628c2)