Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Năm 2020 đã khép lại cùng nhiều hoạt động đa dạng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ tại TP.HCM. Việc xây dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ, bền vững giữa 3 nhà (nhà trường – nhà doanh nghiệp – nhà nước) tiếp tục được đẩy mạnh; sáng tạo và đổi mới nhiều hình thức xúc tiến chuyển giao công nghệ; tổ chức nhiều hoạt động thường xuyên nhằm thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước và các viện trường,…đã góp phần giúp tỉ lệ đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố tiếp tục gia tăng, tạo tiền đề cho năm 2021 phát triển mạnh mẽ hơn.

 

Đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục chứng kiến làn sóng thứ 3 của Covid-19 xâm nhập vào nội đia. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều giải pháp công nghệ đã được TP.HCM triển khai, cho phép nâng cao khả năng kiểm soát, giám sát, từng bước đẩy lùi sự lây lan và khống chế dịch bệnh. Có thể kể đến như phần mềm GIS giúp quản lý ca bệnh, vùng dịch; ứng dụng AI trong triển khai mô hình Trung tâm điều hành Y tế thông minh; công nghệ protein tái tổ hợp điều chế vaccine ngừa Covid-19 và buồng điều trị áp lực âm dạng container; module đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến, đảm bảo an toàn vi sinh không cho virus phát tán ngược ra môi trường trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2.

 

Các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ tiếp tục có nhiều điểm nhấn, bám sát giải quyết các bài toán thực tiễn của đời sống xã hội. Dự án khởi nghiệp Pando của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bên cạnh các nỗ lực hạn chế sử dụng nhựa trong đời sống, sinh hoạt, do lượng chất thải nhựa đang báo động gần đây, là một minh chứng.

 

Đối với doanh nghiệp, trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng dịch chuyển sản xuất, “đổi mới công nghệ” là xu thế tất yếu. Nhiều doanh nghiệp dệt may (một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nước ta) đã nhận thức và ứng phó tốt. Giới khoa học Thành phố đã từng bước bắt nhịp được với các nhu cầu của ngành dệt may, từ công tác nghiên cứu, sáng tạo ra các công nghệ cần thiết, đến tổ chức các hình thức thông tin công nghệ đa dạng, giúp quá trình tiếp cận, tìm hiểu công nghệ của doanh nghiệp trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.

 

Tháng 2/2021 cũng ghi dấu 6 tháng, ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực (1/8/2020), mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU đầy tiềm năng và thách thức. Để sẵn sàng cho thị trường 17,57 nghìn tỷ USD này, doanh nghiệp cần “thích ứng” tốt với cuộc chơi. Đó là, nắm chắc các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, các hàng rào kỹ thuật và kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, để khai thác tốt nhất các cơ hội mà EVFTA mang lại.

 

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập