Thanh toán trong các hoạt động kinh tế của Việt Nam đang có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đây cũng là xu thế tất yếu chung của toàn thế giới. TTKDTM giúp giảm thiểu lượng tiền mặt lưu thông, quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.
TTKDTM là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá, tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ (dịch vụ thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến) để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng, thay vì người tiêu dùng và người bán trao đổi trực tiếp với nhau.
Hình thức này góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm thiểu chi phí xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia (ví dụ như: các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa có thể thanh toán nhanh chóng, an toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp, rủi ro vật lý của tiền mặt như rách, mất góc không thể sử dụng...). Việc TTKDTM cũng giúp giảm thiểu chi phí in ấn, vận chuyển và kiểm đếm hay bảo quản tiền; giảm lạm phát khi giảm lượng tiền mặt lưu thông.
Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Hoạt động TTKDTM tại Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt, việc thanh toán, giao dịch bằng thiết bị di động trong những năm qua tăng trưởng rất nhanh (Biểu đồ 1). Số lượng giao dịch tài chính qua điện thoại di động chỉ hai năm gần đây đã chiếm hơn 75% tổng lượng giao dịch của cả giai đoạn 2015-2020. Riêng năm 2020, có hơn 900 triệu lượt giao dịch bằng điện thoại, tăng 74,7% so với năm 2019.
Hình 1. Giao dịch thanh toán qua di động (triệu lượt)
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Trên thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân đã có ý thức chuyển sang TTKDTM nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng hoạt động thanh toán vẫn tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước: giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong ba tháng đầu năm 2020 tăng hơn 21% so với ba tháng đầu năm 2019; giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong thời gian này tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
TTKDTM trong khu vực dịch vụ công cũng cải thiện đáng kể. Tính đến cuối năm 2019, khoảng 50 ngân hàng đã kết nối thanh toán điện tử với hải quan, thuế; hơn 95% số thu của hải quan và 90% tiền điện được đóng qua ngân hàng; một số bệnh viện cũng có lượng giao dịch viện phí không tiền mặt đến 35%.
Các kết quả trên đã minh chứng những giải pháp quản lý của nhà nước đang đi đúng hướng. Nhiều tổ chức trên thế giới đã đánh giá cao việc phát triển hoạt động TTKDTM tại Việt Nam. Theo Tạp chí Nikkei Asia (số ra ngày 18/4/2019), Việt Nam đã vượt Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt”.
TP.HCM đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Chính quyền và các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã cùng chung tay triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường các hoạt động TTKDTM. Cụ thể, ngày 07/12/2018, Hội đồng nhân dân TP.HCM ban hành Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND về giảm lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố để khuyến khích người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng. Đối với việc chi trả các chương trình an sinh xã hội, Bảo hiểm Xã hội Thành phố đã phối hợp với các ngân hàng để triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội theo phương thức TTKDTM. Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho thấy, đến hết tháng 6/2020, người nhận trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng đạt tỷ lệ rất cao, đến 99,5%; tỷ lệ người nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đạt 50,4%; tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt 55,2%. Cũng với xu thế này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM triển khai phần mềm quản lý dữ liệu học phí tập trung và kết nối với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực y tế, nhiều bệnh viện trên địa bàn đã triển khai mô hình kết nối phần mềm thanh toán của ngân hàng với phần mềm khám chữa bệnh của bệnh viện (có thể kể đến như Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện quận Thủ Đức...), tích hợp tính năng thanh toán trong thẻ khám chữa bệnh, thanh toán quét mã QR Code qua thiết bị di động, thanh toán tại hệ thống thu hộ của các tổ chức trung gian thanh toán. |
Hội thảo trong khuôn khổ chương trình Ngày không tiền mặt 2020 tại TP.HCM |
Ở khu vực doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước…đã triển khai mạnh việc TTKDTM. Cụ thể, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã phối hợp với 22 ngân hàng và 11 tổ chức trung gian thanh toán để triển khai thu tiền điện không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ đến 98,9%. Các công ty cấp nước thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đều đã liên kết với các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán để thu tiền nước qua nhiều kênh thanh toán khác nhau. |
|
Nhắc đến TTKDTM, không thể bỏ qua các doanh nghiệp fintech cung cấp giải pháp thanh toán qua ví điện tử. Đây là sân chơi sôi động, với sự góp mặt của hàng loạt các tên tuổi lớn như VNPay, Momo, Zalo Pay, Airpay…Trong đó, Momo là ứng dụng ví điện tử của một doanh nghiệp tại TP.HCM (Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến -M_Service) có bước phát triển rất ngoạn mục. Năm 2020, ví điện tử này có hơn 20 triệu khách hàng cá nhân (lượng khách hàng cá nhân này đã tăng gấp 40 lần trong 5 năm gần đây). Một đại diện khác của TP.HCM có thể kể đến là ZaloPay của VNG. Là đơn vị tiên phong xây dựng tính năng chuyển tiền, thanh toán…trên nền tảng trò chuyện trực tuyến, đầu năm 2020, ZaloPay ra mắt tính năng mới cho phép hơn 100 triệu người dùng Zalo có thể chuyển tiền, thanh toán, lì xì nhóm ngay trong ứng dụng Zalo. Ví điện tử này đã liên kết với 33 ngân hàng và 3 tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard, JCB, đồng thời kết nối với hàng trăm đối tác thanh toán trên toàn quốc. Theo ông Nguyễn Hưng (Tổng Giám đốc TPBank), các mô hình kinh doanh không tiền mặt từ các tổ chức trung gian thanh toán đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng, với sự bùng nổ về tính năng, công nghệ và trải nghiệm người dùng.
Hoạt động TTKDTM đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, nhờ vào những nỗ lực thúc đẩy của các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM đang tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được triển khai ứng dụng ngày càng phổ biến trong đời sống thường nhật, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, như nhận định của ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” vừa qua, “Rất nhiều lợi ích đã được người dân đánh giá cao khi sử dụng các kênh thanh toán hiện đại. Cùng với các tiện ích mang lại, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp”.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] H.Chung. TP.HCM: Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong hệ thống kho bạc. https://ttbc-hcm.gov.vn/tphcm-day-manh-thanh-toan-khong-tien-mat-trong-he-thong-kho-bac-14460.html
[2] TP.HCM: Nhiều thuận lợi để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. https://thoibaonganhang.vn/tphcm-nhieu-thuan-loi-de-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-108449.html
[3] TS. Cảnh Chí Hoàng. Đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/day-manh-cac-giai-phap-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-330646.html
[4] Yên Lam. TPHCM đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt. https://saigondautu.com.vn/tai-chinh/tphcm-day-manh-thanh-toan-dich-vu-cong-khong-dung-tien-mat-81155.html
[5] Lê Thị Thanh. Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-329639.html