Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 kéo theo giãn cách xã hội đã thúc đẩy các hình thức học qua mạng, làm việc từ xa, khám bệnh qua mạng, bán hàng và thanh toán qua mạng, giao hàng tận nhà, ngân hàng điện tử,… phát triển nhanh chóng, tác động đến từng doanh nghiệp. Nếu không bắt kịp các phương thức mới, doanh nghiệp sẽ mất vị thế cạnh tranh, khó đuổi kịp đối thủ trong ngành.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số, qua việc thay thế các quy trình thủ công bằng các quy trình kỹ thuật số, hoặc thay thế công nghệ kỹ thuật số cũ bằng công nghệ kỹ thuật số mới hơn. Các công nghệ được áp dụng trong chuyển đổi số có thể kể đến như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), …
Chuyển đổi số áp dụng các công nghệ phân tích, biến đổi các dữ liệu có được từ quá trình số hóa và tạo ra các giá trị mới hơn. Chuyển đổi số giúp cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng ưu thế cạnh tranh, tìm kiếm và thu hút khách hàng, mở rộng kênh phân phối, tự động hóa quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Nhờ đó, các nhà quản trị doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định kịp thời để không bỏ lỡ những cơ hội trong đầu tư, kinh doanh.
Chuyển đổi số đã dần len lỏi vào các ngành kinh tế trong những năm gần đây. Đặc biệt, những kinh nghiệm từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ hơn đến quyết định đầu tư cho chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp, nhằm đảm bảo vừa phát triển kinh doanh, vừa phòng dịch và luôn có phương án thay đổi linh hoạt.
Dễ nhận thấy nhất là khi giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy cơ hội phát triển dịch vụ y tế tại nhà: chỉ cần đặt lịch hẹn qua ứng dụng trên điện thoại, sẽ có bác sĩ, y tá tới tận nhà khám bệnh và kết quả được thông báo, tư vấn kỹ lưỡng cho khách hàng.
Trong lĩnh vực giáo dục, tuy dạy học trực tuyến đã có từ trước, nhưng việc hạn chế tập trung đông người, nhất là trong các lớp học, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã khiến các trường phải thay đổi, bổ sung hình thức dạy và học trực tuyến, linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học cho phù hợp với diễn biến của xã hội.
Ở lĩnh vực ngân hàng, theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), hiện có tới gần 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Có thể thấy, sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng dưới tác động của dịch Covid-19 đã tạo động lực thôi thúc các ngân hàng chuyển đổi số nhanh hơn. Các ngân hàng chạy đua cung ứng các sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại - Digital Banking, với hệ sinh thái số cũng đa dạng hơn. Người dân cũng như doanh nghiệp dần từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt và thay vào đó, sử dụng các dịch vụ thẻ, thanh toán trực tuyến qua ngân hàng nhiều hơn.
Khó khăn trong tiến trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng thách thức đặt ra cũng không ít. Thống kê đến 31/12/2018, Việt Nam có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 593.629 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (chiếm 97,2%), doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2,8%. Tuy nhiên, chuyển đổi số hiện đa phần diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, có nguồn vốn mạnh và nhân lực dồi dào. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số. Nguyên nhân chính là do các khó khăn về vốn đầu tư cho công nghệ, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, bước đầu tiên của chuyển đổi số là số hóa toàn bộ dữ liệu, trong đó, quy trình làm việc của doanh nghiệp sẽ được đưa lên môi trường internet. Do vậy, vấn đề an toàn thông tin là nỗi lo của doanh nghiệp, bởi theo báo cáo “Chương trình đánh giá an ninh mạng năm 2020” của Tập đoàn công nghệ Bkav, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã vượt mốc 1 tỷ USD. Các cuộc tấn công ngày càng gia tăng về số lượng và đa dạng về phương thức. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải xây dựng song song chiến lược về an toàn thông tin, bên cạnh số hóa dữ liệu và đầu tư hệ thống giám sát 24/7, sẵn sàng phát hiện các hành vi, dấu hiệu xâm nhập và kịp thời ngăn chặn các cuộc tấn công mạng có khả năng xảy ra. |
Khảo sát do VCCI và JETRO thực hiện (với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam) năm 2020 cho thấy, có tới 55,6% doanh nghiệp từ chối chuyển đổi số vì lý do chi phí cao, 38,9% do thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ và 32,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. Mặt khác, trong quá trình đi đến chuyển đổi số, rào cản lớn nhất vẫn là tư duy của chủ doanh nghiệp. Nếu họ đang đạt được thành công nhất định ở mô hình cũ và chưa có niềm tin vào mô hình mới trên cơ sở chuyển đổi số, sẽ có tâm lý ngại thay đổi vì sợ thất bại.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Với mục tiêu kép “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg. Theo định hướng này, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 12 nền tảng số “Make in Vietnam” khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ ứng dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh (Bảng 1).
Khi ứng dụng các nền tảng số “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được tiếp cận chính sách ưu đãi tối thiểu gồm 3 điểm chính: (1) Miễn phí trải nghiệm sử dụng nền tảng trong thời gian 03 tháng; (2) Ký hợp đồng sử dụng 01 năm được miễn phí sử dụng 06 tháng (giảm 50%); (3) Miễn phí các khóa đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nền tảng. Ngoài ra còn có các chính sách ưu đãi bổ sung tùy đặc thù của mỗi nền tảng. Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng nền tảng để thực hiện chuyển đổi số toàn diện một nhóm nghiệp vụ của mình. Năm nhóm nghiệp vụ được hỗ trợ gồm: Kế toán; Quảng cáo, tiếp thị; Phân phối; Thanh toán và Chăm sóc khách hàng.
Bảng 1. Nền tảng số “Make in Vietnam” khuyến khích áp dụng
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Với vai trò là đầu tàu kinh tế quốc gia, nơi chiếm đến 31,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước*, ngày 03/7/2020, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM”, với tầm nhìn “Đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số”. Cụ thể, TP.HCM công bố đề án chuyển đổi số, thành lập Trung tâm Dữ liệu dùng chung của Thành phố đặt tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, chủ trương xây dựng TP.Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao, tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng xây dựng khu đô thị sáng tạo; tổ chức tập huấn cho chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số và hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN phục vụ chuyển đổi số.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020.
[2] SME Chuyển đổi số: Bắt đầu từ chuyện nhỏ nhất (11/1) https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/sme-chuyen-doi-so-bat-dau-tu--nho-nhat/20210108105615949p1c785.htm
[3] Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
[4] Bộ TT&TT công bố 12 nền tảng "Make in Viet Nam" hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số (12/1) https://ictvietnam.vn/bo-tttt-cong-bo-12-nen-tang-make-in-viet-nam-ho-tro-dn-nho-va-vua-chuyen-doi-so-20210112104723615.htm
[5] Quyết định số 2393/QĐ-UBND của UBND TP.HCM phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM.