Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế toàn cầu và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mà gần đây là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), chỉ dẫn địa lý sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong giao thương buôn bán.
Trong Hiệp định EVFTA, chế định về SHTT là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của Hiệp định. Trong đó, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là đối tượng SHTT mà EU đặc biệt quan tâm, do khối này có khá nhiều các sản phẩm được bảo hộ dưới dạng CDĐL. EVFTA bảo hộ CDĐL với 4 nhóm sản phẩm là: rượu vang, đồ uống có cồn, nông sản và thực phẩm theo cơ chế riêng, độc lập với nhãn hiệu hàng hóa, thông qua cam kết về quy trình công nhận CDĐL. |
Tem chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận. |
Đối với sản phẩm của Việt Nam, EU sẽ bảo hộ 39 CDĐL ở mức bảo hộ cao, chủ yếu là các mặt hàng rau quả (49%), còn lại là các sản phẩm cây công nghiệp - chế biến (15%), thủy sản và chế biến từ thủy sản (13%), sản phẩm khác (13%) mà không phải tốn chi phí đăng ký (Bảng 1). Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bảo hộ tới 169 CDĐL của EU, các sản phẩm được bảo hộ chứng nhận CDĐL của EU phần lớn là các sản phẩm không phải thế mạnh của Việt Nam hoặc Việt Nam không sản xuất, trong đó lớn nhất là rượu vang (51,4%), rượu mạnh (13,6%), pho-mát (11,8%), dầu ô-liu (5,3%), các loại nông sản khác như hoa quả cũng chỉ chiếm 2,9%, bia 2,3%... Có thể nói, việc bảo hộ chính thức các CDĐL của Việt Nam tại EU, bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi cho các loại nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường từ lâu như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường này cho các đặc sản khác như: Vú sữa Vĩnh Kim, Thanh Long Bình Thuận, Nho Ninh Thuận,…Việc bảo hộ của Việt Nam với các CDĐL của EU tại Việt Nam, ngoài việc mang ý nghĩa bổ sung cho nhau về cơ cấu, cũng tạo thêm cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với các đặc sản có truyền thống lâu đời của EU. Cam kết về CDĐL sẽ tạo điều kiện cho việc khẳng định thương hiệu cho các loại hàng hóa trên tại thị trường của cả hai phía. EVFTA cũng thống nhất cơ chế bổ sung các CDĐL mới trong tương lai.
Bảng 1. Danh sách bảo hộ của EU đối với các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam
Nguồn: Bộ Công Thương
Sản phẩm được bảo hộ sẽ tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ được công nhận và đảm bảo chất lượng, giúp nâng cao giá trị hàng hóa, tạo sức cạnh tranh cao, từ đó, gia tăng khối lượng mua và ở mức giá cao hơn sản phẩm không được bảo hộ. Một số thống kê cho thấy, giá bán sản phẩm sau khi có bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng từ 20-100%. Điển hình như nước mắm Phú Quốc, từ khi được EU chấp nhận bảo hộ CDĐL, không chỉ số lượng xuất khẩu vào EU tăng đáng kể, mà giá bán cũng tăng từ 30-50%. Bên cạnh đó, sản phẩm này còn rộng đường xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada,... Vải thiều Lục Ngạn, từ giá bán dưới 10.000 đồng/kg, hiện đã được tiêu thụ rộng khắp với giá bình quân hơn 35.000 đồng/kg. Cũng nhờ CDĐL, trái vải đã thâm nhập được vào nhiều thị trường như Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản,...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trị giá xuất khẩu gạo tháng 8/2020 của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ trước đó. Mặt hàng cà phê cũng gia tăng lượng xuất khẩu vào thị trường EU, đạt giá trị 76 triệu USD, tăng gần 35% so với tháng trước. Bên cạnh gạo, cà phê, các sản phẩm rau, quả của Việt Nam cũng rộng cửa vào EU với EVFTA, trị giá xuất khẩu đạt 14,7 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gạo, cà phê, rau quả,…mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công của các doanh nghiệp, mà còn là dấu mốc của sản phẩm mang thương hiệu Việt chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế.
|
Doanh nghiệp kinh doanh nông sản xuất khẩu vào EU, muốn hưởng lợi thế từ các sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL, phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý” tương ứng. Ví dụ, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dành cho sản phẩm thanh long xuất khẩu và hưởng các ưu đãi và bảo hộ về CDĐL theo EVFTA, doanh nghiệp phải đảm bảo thanh long đưa ra thị trường được sản xuất trong vùng đăng bạ CDĐL, có chất lượng đáp ứng điều kiện bảo hộ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, về ngoại quan đạt tiêu chuẩn loại đặc biệt, hạng 1, hạng 2 theo tiêu chuẩn Việt Nam đối với quả thanh long tươi (TCVN 7523: 2014). |
Hồ sơ yêu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL cần được gửi tới Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, bao gồm:
|
Quy trình cấp CDĐL thanh long Bình Thuận (khoảng 25 ngày) |
Nếu là tổ chức tập thể, trong hồ sơ phải có Quy chế quản lý nội bộ sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long và danh sách các thành viên đăng ký sử dụng CDĐL “Bình Thuận” cho trái thanh long (có chữ ký của từng thành viên). Nếu doanh nghiệp chỉ hoạt động thương mại thuần túy (không tổ chức sản xuất) thì hồ sơ phải có văn bản liên kết hoặc hợp đồng thu mua thanh long với các tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long đã được cấp quyền sử dụng CDĐL “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long.
Việc bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm địa phương là hướng đi hiệu quả, vừa bảo vệ tên tuổi và nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giúp quá trình sản xuất nông sản tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm,…hỗ trợ tốt cho sản phẩm khi xuất khẩu ra nước ngoài. 39 CDĐL của Việt Nam được hưởng bảo hộ cao trong EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước khối EU cho doanh nghiệp Việt. Để tận dụng tốt các cơ hội này, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, các quy định mới; đồng thời cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra được các sản phẩm chất lượng, xây dựng và khẳng định được thương hiệu của mình tại EU.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Bộ công thương, Sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý: Nhập làn “cao tốc EVFTA”. https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/san-pham-%C4%91uoc-bao-ho-chi-dan-%C4%91ia-ly-nhap-lan-cao-toc-evfta--21141-22.html
[2] Quỳnh Nga, congthuong.vn. Lợi ích lớn từ chỉ dẫn địa lý. https://congthuong.vn/loi-ich-lon-tu-chi-dan-dia-ly-116147.html
[3] Quyết định số 76/2015/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “ Bình Thuận dùng cho quả thanh long.
[4] Vũ Long. Điểm 39 sản phẩm Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Châu Âu. https://laodong.vn/kinh-te/diem-39-san-pham-viet-nam-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly-tai-chau-au-818079.ldo