Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Nhiều hoạt động liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số “phủ sóng” khá mạnh tại Thành phố trong tháng qua.

 

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19, kéo theo giãn cách xã hội, cũng là một trong những động lực thúc đẩy các hình thức học qua mạng, làm việc từ xa, khám bệnh qua mạng, bán hàng và thanh toán qua mạng, giao hàng tận nhà, ngân hàng điện tử,…phát triển nhanh chóng. Qua đó, tác động mạnh mẽ đến các quyết định đầu tư chuyển đổi số của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu vừa đảm bảo phát triển kinh doanh, vừa phòng dịch và luôn có phương án thay đổi linh hoạt.

 

Ngành cấp nước vận dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý, vận hành hệ thống. Bên cạnh việc cung cấp hóa đơn điện tử trong thanh toán tiền nước, ngành đang triển khai giải pháp cấp nước thông minh thay cho giải pháp truyền thống, với việc lắp đặt (thí điểm) các đồng hồ nước thông minh, cho phép tự động thanh toán và quản lý khách hàng, hỗ trợ giám sát và phát hiện rò rỉ, giảm thiểu chi phí bảo trì và tổn thất do rò rỉ, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí hoạt động cho ngành và nhiều tiện ích cho người sử dụng.

 

Các nhà mạng, song song với việc khai thác tối đa các tài nguyên về đường truyền, băng thông phục vụ các dịch vụ thoại và dữ liệu truyền thống, đang chuyển mình nhanh chóng để hòa nhập vào xu thế chuyển dịch thanh toán trong các hoạt động kinh tế, từ tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt, khi Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Như vậy, thanh toán không dùng tiền mặt chắc chắn sẽ càng phát triển mạnh mẽ, khi mà phần lớn người dân (Việt Nam có gần 130 triệu thuê bao di động và độ phủ sóng mạng lên tới 99,8% dân số) tiếp cận được với các phương thức thanh toán hiện đại và thuận tiện.

 

Chuyển đổi số chắc chắn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng thách thức đặt ra cũng không ít. Chuyển đổi số hiện đa phần diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, có nguồn vốn mạnh và nhân lực dồi dào. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm, chủ yếu do các khó khăn về vốn đầu tư cho công nghệ.

 

Theo Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM mới được công bố gần đây, Thành phố sẽ từng bước xây dựng chính quyền số (với việc triển khai nhiều giải pháp phục vụ doanh nghiệp, như tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu doanh nghiệp; triển khai các ứng dụng nâng cao tương tác giữa doanh nghiệp với chính quyền) phục vụ phát triển nền kinh tế số; tập trung chuyển đổi số trong 10 ngành, lĩnh vực (gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực).

 

Xác định các nhiệm vụ phát triển kinh tế số cho doanh nghiệp là phổ biến kiến thức về chuyển đổi sang kinh tế số; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp, Thành phố đang có nhiều bước đi cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành quá trình chuyển đổi số, ví dụ như phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở, đẩy nhanh tiến trình thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, kiến tạo các cơ chế cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN phục vụ chuyển đổi số,…Đây là những nội dung doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận và vận dụng, khai thác tối đa để đảm bảo tốt vị thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

 

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập