Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu triển khai chuyển đổi số. Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện tốt chuyển đổi số của ngành giáo dục sẽ góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. Có nhiều định nghĩa khác nhau về CĐS, nhưng có thể nói chung, đó là chuyển các hoạt động từ thế giới thực sang thế giới ảo trên môi trường mạng. Theo đó, người ta tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp không gian, tiết kiệm thời gian. Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), CĐS tập trung vào hai nội dung chính: công tác quản lý giáo dục và công tác dạy, học, kiểm tra, đánh giá. CĐS trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ trực tuyến, ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, CĐS gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, hệ thống đào tạo trực tuyến…CĐS là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số. |
|
Tỉ lệ học sinh Việt Nam học trực tuyến cao hơn trung bình chung các nước OECD
Ngành giáo dục Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý, dạy và học. Năm 2018, ngành đã đưa vào sử dụng CSDL toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng GD-ĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1,4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống CSDL ngành.
Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD-ĐT chú trọng triển khai với 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và 7.500 luận án tiến sĩ. Nói về những kết quả cụ thể trong CĐS của ngành giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2007, từ một số ít trường triển khai đào tạo tín chỉ, cho phép người học đăng ký, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình này. Việc đăng ký thi THPT và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hoá, thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT.
Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy học trực tuyến. Theo báo cáo Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế - PISA năm 2020, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).
Chuyển đổi số trong giáo dục tại TP.HCM
Việc CĐS trong ngành giáo dục đã được Thành phố quan tâm triển khai từ nhiều năm trước, với nhiều giải pháp và được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian gần đây. Trong năm 2020, TP.HCM ra mắt mô hình thí điểm “Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh” với quy chế vận hành, quản lý trên CSDL dùng chung, dữ liệu được cập nhật, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an ninh và bảo mật. Hệ thống gồm các hợp phần: xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở GD-ĐT TP.HCM bằng công cụ thông minh, trực tuyến; quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh; cập nhật các thông tin mới nhất của ngành giáo dục trên cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trên môi trường mạng; tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn bài, giảng bài, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập…có khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Thành phố. Đây là bước đi quan trọng để xây dựng nền tảng giáo dục thông minh, theo ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM).
Cuối năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp với Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM, Trường ĐH Bang Arizona (Hoa Kỳ) và Trường Cao đẳng City of Glasgow (Vương quốc Anh) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi mô hình đào tạo chất lượng cao của nhà trường thông minh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” để tạo cơ hội kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác xây dựng mô hình giáo dục theo hướng mở và linh hoạt giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp. Hội thảo tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về các định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Nhiều mô hình, công nghệ phục vụ giáo dục đã được giới thiệu như: E-Learning – Hình thức đào tạo tối ưu trong thời đại công nghệ số; Ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý và tự động hóa thư viện hiện đại; Công nghệ quản trị giáo dục LMS ứng dụng trong quản trị nhà trường thông minh…. Cũng khoảng thời gian này, Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM) và Trung tâm Dữ liệu (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã hợp tác triển khai các giải pháp học trực tuyến dành cho giáo dục phổ thông, hỗ trợ quản trị, dạy, học và đánh giá trực tuyến, xây dựng trên nền tảng LMS (Learning Management System). Theo đó, Trung tâm Dữ liệu sẽ phối hợp với các đối tác công nghệ để cung cấp giải pháp CĐS giáo dục bao gồm hệ thống phần cứng, mạng, phần mềm, dữ liệu và an toàn thông tin và xây dựng đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật.
Gần đây nhất, chiều 24/3/2021, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) đã phối hợp cùng Tập đoàn công nghệ Beowulf, tổ chức giới thiệu “Công nghệ ứng dụng học tập trực tuyến” và cam kết hỗ trợ một năm sử dụng miễn phí công nghệ này cho tất cả các trường học và cơ sở Đoàn trên địa bàn TP.HCM. Đây là phần mềm cho phép học trực tuyến (thông qua nền tảng Quickom) do doanh nghiệp Việt Nam phát triển và vận hành. Nền tảng này ứng dụng công nghệ đám mây phi tập trung, đem lại tương tác hai chiều linh hoạt, cho phép 10.000 người tham gia cùng lúc mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh chân thực.
Các đơn vị tổ chức ký kết hỗ trợ một năm sử dụng miễn phí công nghệ học tập trực tuyến, nền tảng Quickom. |
Các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn TP.HCM cũng chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số từ rất sớm. Tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, quá trình số hóa đã bắt đầu từ năm 2009, khi lần đầu tiên triển khai hệ thống đào tạo tín chỉ. Từ năm 2013 đến nay, các hệ thống thông tin liên tục được xây dựng để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản trị nhà trường. Đặc biệt, hệ thống E-learning được đưa vào vận hành năm 2016, đến nay 100% lớp học đều có các công cụ hỗ trợ trực tuyến. Đến hết năm 2020, hầu hết các hoạt động của nhà trường, từ việc theo dõi quá trình học tập, nghiên cứu, hoạt động đoàn thể của sinh viên, giảng viên cho đến các công cụ quản trị đại học thông minh như quản trị nhân sự, lịch giảng, thời khóa biểu, quản lý khoa học, đánh giá KPI cho viên chức, đều đã được CĐS. Sinh viên được trải nghiệm hệ thống chăm sóc người học, thực hiện các dịch vụ công của trường hoàn toàn trực tuyến. |
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng là một minh chứng. Năm 2019, đây là nơi đã thành lập Trung tâm dạy học ảo (UTEx), hệ thống giáo dục trực tuyến công lập đầu tiên tại Việt Nam. UTEx kết hợp tổng thể hệ sinh thái giáo dục xanh (môi trường, kiến trúc văn hóa, con người) và hệ sinh thái giáo dục mở, với mô hình quản trị tinh gọn, trên nền tảng công nghệ trực tuyến. UTEx góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo dựng mạng lưới giáo dục trong-ngoài nước và từng bước đa dạng hóa các khóa học trực tuyến.
Hệ thống đào tạo trực tuyến của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM |
Chia sẻ về vấn đề CĐS trong giáo dục, ông Phạm Thế Trường (Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam) cho rằng, TP.HCM có ưu thế rất lớn để thực hiện, thể hiện qua sự cấp tiến, cam kết và kinh nghiệm của lãnh đạo Thành phố. Đây cũng là nền kinh tế lớn nhất cả nước, đầy tiềm lực để thực hiện CĐS. Những lợi thế này sẽ thúc đẩy, tạo cơ sở cho ngành giáo dục Thành phố thực hiện hiệu quả công cuộc CĐS trong ngành
|
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Mỹ Lâm. Ký kết chuyển giao Công nghệ ứng dụng trong học tập trực tuyến. https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/ky-ket-chuyen-giao-cong-nghe-ung-dung-trong-hoc-tap-truc-tuyen-1491875802
[2] Trọng Nhân. Giáo dục tiên phong trong chuyển đổi số. https://tuoitre.vn/giao-duc-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-20210103204857567.htm
[3] Huy Lân. Trường học đẩy mạnh chuyển đổi số. https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-hoc-day-manh-chuyen-doi-so-20210211152228854.htm
[4] Hội thảo Khoa học “Chuyển đổi mô hình đào tạo chất lượng cao của Nhà trường thông minh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”. https://dost.hochiminhcity.gov.vn/tu-lieu/hoi-thao-khoa-hoc-chuyen-doi-mo-hinh-dao-tao-chat-luong-cao-cu-nha-truong-thong-minh-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-40/
[5] Đỗ Yến Hoa. TP.HCM với bước chuyển đổi số trong giáo dục. https://www.giaoduc.edu.vn/tphcm-voi-buoc-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-2020-2020.htm