Việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động y tế tại TP.HCM vừa góp phần tối ưu hóa quy trình làm việc của bác sĩ, nâng cao chất lượng, tính nhất quán, độ chính xác trong việc khám chữa bệnh, mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, vừa góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đối số của Thành phố.
Trí tuệ nhân tạo - công nghệ số hiện đại trong lĩnh vực sức khỏe
Chuyển đổi số trong y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể, toàn diện, chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, từ đó tạo ra thay đổi tích cực trong toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe. Sự phát triển mạnh của ngành khoa học máy tính, nhất là học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) trong những năm gần đây đã mở ra nhiều hướng phát triển đầy tiềm năng trong lĩnh vực y tế. Nếu với các quốc gia phát triển, AI góp phần quan trọng vào giải quyết sự bất bình đẳng ngày càng tăng giữa cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người giàu và người nghèo, thì ở các nước đang phát triển, AI mở ra khả năng tiếp cận và cải thiện chất lượng chăm sóc cho người dân.
AI mở ra nhiều hướng phát triển tiềm năng trong lĩnh vực y tế (Ánh minh họa)
AI giúp tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Với AI, có thể phân tích lượng dữ liệu đồ sộ (đã được mã hóa từ nhiều năm kinh nghiệm của các chuyên gia y tế) một cách nhanh chóng và truyền tải kiến thức đến hàng nghìn điểm truy cập, giúp cho việc chẩn đoán trở nên nhanh chóng và chính xác hơn.
Hiện nay, nhờ khả năng kết hợp giữa việc tiếp nhận bệnh sử và phân tích các dữ liệu chăm sóc sức khỏe (thu thập được của nhiều bệnh nhân trước đó) để nhận diện các dấu hiệu bất thường, AI cho phép phát hiện được nhiều loại bệnh, ví dụ như ung thư, chính xác hơn và ở ngay giai đoạn đầu của bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy khả năng thực hiện một số nhiệm vụ của AI là tương đương hoặc tốt hơn con người. Chẳng hạn, các thuật toán nhận diện và cải thiện hình ảnh có thể phát hiện các khối u ác tính chính xác đến 80-90%.
AI cũng rất hữu ích trong việc giúp ngăn ngừa và kiểm soát một số bệnh mạn tính. Ngoài việc quét hồ sơ sức khỏe điện tử giúp thầy thuốc xác định các nguy cơ của người mắc các bệnh mạn tính, AI còn giúp các bác sĩ lâm sàng tiếp cận người bệnh một cách toàn diện hơn, từ đó quản lý và điều phối tốt hơn các kế hoạch chăm sóc và điều trị. Hơn thế, với khả năng mô hình hóa dữ liệu và phân tích dự đoán bằng AI, các quốc gia có thể khống chế được sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và dự báo, quản lý các ổ dịch tốt hơn.
Ứng dụng công nghệ số hiện đại, TP.HCM hướng tới nền y tế số
Là một trung tâm kinh tế, khoa học lớn nhất Việt Nam, thời gian qua, TP.HCM đã tiếp cận nhiều công nghệ số phục vụ ngành y, như thực tế ảo, vạn vật kết nối, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn, AI,…Đặc biệt, việc ứng dụng AI hướng tới nền y tế số tại Thành phố đã có nhiều thành quả bước đầu, nhất là các ứng dụng robot trong phẫu thuật, ứng dụng học máy và dữ liệu lớn trong kê đơn, ứng dụng AI trong chẩn đoán điều trị, và gần đây nhất, là ứng dụng DrAid (trợ lý bác sĩ bằng trí tuệ nhân tạo).
Bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân đang điều khiển cánh tay robot thực hiện phẫu thuật (Nguồn: Bệnh viện Bình Dân).
Ứng dụng robot trong phẫu thuật được xem là “giải pháp xâm lấn tối thiểu”, giúp giảm ¼ thời gian nằm viện của bệnh nhân. Robot phẫu thuật cho phép các bác sĩ thực hiện nhiều quy trình phức tạp và kiểm soát tốt hơn so với các phương pháp thông thường. Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân là một trong những đơn vị ứng dụng robot trong phẫu thuật phổ biến nhất, với hàng nghìn ca được xử lý cùng nhiều bệnh lý phức tạp. Robot “Da Vinci” ứng dụng tại bệnh viện có hai cánh tay xoay được 540 độ, có thể di chuyển đến mọi ngóc ngách của cơ thể, điều mà mổ nội soi hay mổ hở thông thường đều không thể thực hiện được. Robot có kính hiển vi phóng to phần cơ thể cần mổ (mắt thường hay mổ nội soi thông thường không thể nhìn thấy), giúp mục tiêu cần mổ được can thiệp một cách triệt để, tận gốc.
Ứng dụng nguyên lý “máy học” xây dựng phần mềm cảnh báo trong kê đơn đã được vận dụng thành công tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Nguồn dữ liệu lớn về kê đơn thuốc sẵn có tại bệnh viện trong nhiều năm được khai thác, tích hợp thêm tính năng nhắc bác sĩ về tần suất kê đơn một loại thuốc nào đó, cho một bệnh lý cụ thể. Nếu được phần mềm cảnh báo, ví dụ: “Chưa có ai kê cho bệnh lý này trước đó” khi đang tiến hành kê đơn, bác sĩ cần phải xem xét lại quyết định của mình đã phù hợp hay chưa, hoặc điều chỉnh (do nhập liệu nhầm loại thuốc điều trị).
Cảnh báo chống chỉ định theo tuổi: bệnh nhân 11 tháng, bác sĩ không thể kê thuốc Laratadine (chống chỉ định ở trẻ dưới 2 tuổi) (Nguồn: medinet.gov.vn).
Phần mềm “RAPID”, ứng dụng AI, đang được Bệnh viện Nhân dân 115 và bệnh viện Gia An 115 vận dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Được Đại học Stanford (Mỹ) phát triển, phần mềm này cho phép xác định rõ thể tích vùng lõi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương và hoại tử trong những giờ tiếp theo (còn gọi là “vùng tranh tối tranh sáng”), giúp chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn. Việc ứng dụng phần mềm “RAPID” xử lý đột quỵ không chỉ mở ra cơ hội cứu sống, mà còn giảm thiểu nguy cơ bị tàn phế cho bệnh nhân, góp phần đưa người bệnh sớm tái hòa nhập với cộng đồng.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sử dụng phần mềm “IBM Watson for Oncology”, ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị ung thư (tập trung vào ung thư vú và ung thư đại trực tràng), đã giúp các bác sĩ cập nhật các phác đồ mới, bổ sung thông tin và hạn chế những sai sót trong qua trình điều trị. Từ đó, đưa ra các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; cho phép tìm kiếm tư liệu nhanh và phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia.
Gần đây nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai sản phẩm DrAid (trợ lý bác sĩ, ứng dụng AI) của Công ty VinBrain vào phục vụ các hoạt động thường ngày. Được đào tạo trên bộ dữ liệu lớn (1,3 triệu hình ảnh X-quang, trong đó hơn 326.000 hình ảnh đã gán nhãn và bộ dữ liệu Covid-19 lớn, với 7.592 hình ảnh dương tính của các bệnh nhân Covid-19), ứng dụng DrAid hỗ trợ chẩn đoán 20 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim - phổi - xương dựa trên hình ảnh X-quang ngực (với độ chính xác trên 88%) trong vòng 5 giây. Đồng thời, sản phẩm có thể đưa ra báo cáo y khoa có khoanh vùng và kích thước chính xác của các khu vực bất thường.
DrAid hỗ trợ chẩn đoán các dấu hiệu bất thường, bệnh lý về tim – phổi – xương dựa trên hình ảnh X-quang (Nguồn:Vnepress).
Có thể nói, việc triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại vào hỗ trợ các hoạt động y tế tại Thành phố thời gian qua đã góp phần tối ưu hóa quy trình làm việc của các bác sĩ, nâng cao chất lượng, tính nhất quán, độ chính xác trong công tác khám chữa bệnh, đem lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, đẩy nhanh quá trình chuyển đối số của ngành y tế. Đây là những bước đi đúng đắn, cụ thể hóa lộ trình xây dựng nền y tế thông minh giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thành phố đã đặt ra, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hướng tới nền y tế số, đảm bảo các yếu tố chất lượng, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Thu Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết định ban hành Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2020
[2] Cổng thông tin điện tử ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh: http://www.medinet.gov.vn/
[3] Trang thông tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, Lộ trình xây dựng “Y tế thông minh” của ngành Y tế TP.HCM. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/lo-trinh-xay-dung-y-te-thong-minh-cua-nganh-y-te-tphcm-1491875354