Trong bối cảnh nền kinh tế số và hội nhập toàn cầu, khi đổi mới sáng tạo và tri thức là các nhân tố chính của sức cạnh tranh, thì quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp là rất quan trọng.
Diễn đàn “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ” được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ
và Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 17/04 tại TP.HCM
Sở hữu trí tuệ - doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ
Theo thông tin trên các phương tiện đại chúng thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam, do không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế, đã bị các doanh nghiệp khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ, Công ty Trung Nguyên không đăng ký bảo hộ thương hiệu cafe Trung Nguyên tại Mỹ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tạo điều kiện cho Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ thương hiệu này. Thuốc lá Vinataba của Việt Nam, cũng tương tự, khi bị một doanh nghiệp của Indonesia đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước khác tại ASEAN. Gần đây nhất là gạo ST25 (“gạo ngon nhất thế giới”) của Sóc Trăng, cũng đang bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký ở Mỹ và Australia. Những vụ việc trên cho thấy, nếu doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ của mình trên trường quốc tế, nguy cơ bị xâm phạm luôn hiện hữu, nhất là khi sản phẩm có tiềm năng kinh tế cao. Quá trình “đòi lại” các quyền này không phải dễ dàng, mà khá tốn kém, cũng như mất rất nhiều thời gian.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, kết quả khảo sát 3.690 doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 9 ngành dịch vụ (năm 2019) cho thấy, chỉ có 1,63% số doanh nghiệp có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về tài sản trí tuệ (TSTT), 2,25% có ban hành các quy định nội bộ, quy chế quản lý TSTT và 0,66% có hạch toán các TSTT vào giá trị tài sản cố định vô hình trên bảng cân đối kế toán. Theo ông Võ Hưng Sơn (Trưởng Phòng quản lý KH&CN cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) điều này cho thấy các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến TSTT, chưa nhận thức đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, nếu như các doanh nghiệp, tập đoàn lớn rất nhanh nhạy trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài (điển hình như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) với 4 bằng độc quyền sáng chế và 29 đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế, đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ công nhận), thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như vẫn còn khá “thờ ơ” với hoạt động này.
Cần sớm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
SHTT có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, do trong nền kinh tế tri thức, SHTT là tài sản kinh doanh cốt lõi, giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, thực hiện các giao dịch tài chính, thu hút nguồn vốn từ việc xuất khẩu hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài thông qua các hợp đồng cấp phép (license) hoặc nhượng quyền kinh doanh (franchising), hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại,…Thực hiện việc xác lập quyền và bảo hộ tốt các TSTT sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được các tài sản quan trọng và chủ động kiểm soát quá trình chuyển giao các đối tượng được bảo hộ, bảo vệ doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh |
|
Để bảo vệ quyền SHTT, doanh nghiệp cần xem xét đầy đủ các đối tượng và phương thức bảo hộ có thể phát sinh. Trong thực tế, một sản phẩm có thể được bảo hộ nhiều quyền SHTT khác nhau. Ví dụ, một chiếc máy nghe đĩa CD có thể liên quan đến các quyền SHTT như sau: các đặc điểm kỹ thuật của máy được bảo hộ theo bằng độc quyền sáng chế; các chương trình phần mềm để cài đặt, vận hành máy được bảo hộ bởi quyền tác giả; kiểu dáng máy được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu máy (Sony Walkman, Panasonic,...) được bảo hộ theo nhãn hiệu.
Tùy thuộc vào bản chất của TSTT mà doanh nghiệp lựa chọn cách thức bảo hộ sao cho hiệu quả nhất, tránh bị đối thủ xâm phạm (Hình 1).
Việc bảo hộ TSTT có thể thực hiện theo các đối tượng: quyền tác giả và quyền liên quan (bảo hộ tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu); quyền sở hữu công nghiệp (các sản phẩm và quy trình sáng tạo có thể được bảo hộ theo sáng chế và giải pháp hữu ích; các kiểu dáng sáng tạo, gồm cả kiểu dáng dệt may, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp; thương hiệu được bảo hộ theo nhãn hiệu; mạch bán dẫn được bảo hộ theo thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn; chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng hay danh tiếng nhất định gắn với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý; bí mật thương mại bảo hộ thông tin bí mật có giá trị thương mại); hoặc quyền đối với giống và cây trồng (bảo hộ các giống cây mới chọn tạo hoặc phát hiện được).
Hình 1. Các loại hình sở hữu trí tuệ (Theo Luật sở hữu trí tuệ, 2019)
Bảo hộ TSTT sẽ mang lại cho chủ sở hữu độc quyền sử dụng các loại tài sản này. Tuy nhiên, do quyền SHTT có tính lãnh thổ, nên chỉ có giá trị bảo hộ trong lãnh thổ một nước hoặc một khu vực nào đó, do vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc, tính toán kỹ. Để đảm bảo ưu thế cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi có ý định đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, ngoài việc bảo hộ quyền SHTT tại nước sở tại, doanh nghiệp cần có kế hoạch bảo hộ quyền SHTT ở các thị trường xuất khẩu để tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Phương thức xác lập quyền sở hữu trí tuệ
Thông thường, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT có thể thực hiện theo các cấp độ: quốc gia, khu vực và quốc tế. Doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ quyền SHTT có thể nộp đơn đăng ký tại cơ quan SHTT quốc gia nơi muốn bảo hộ, cơ quan SHTT khu vực hoặc sử dụng Hệ thống đăng ký toàn cầu do Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) thiết lập.
Đăng ký ở trong nước
• Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp:
Tổ chức, cá nhân có thể nộp đơn đăng ký (hoặc thông qua dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) tới Cục Sở hữu trí tuệ. Tùy thuộc vào loại TSTT mà sử dụng đơn đăng ký phù hợp . Sau khi tiếp nhận đơn, thẩm định hình thức, công bố đơn hợp lệ. Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định về mặt nội dung và cấp văn bằng bảo hộ (hoặc từ chối nếu TSTT không đạt các yêu cầu bảo hộ).
Đối với đơn nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý, việc thẩm định nội dung sẽ được tiến hành tự động sau khi đơn được chấp nhận hợp lệ và công bố. Riêng với đơn đăng ký sáng chế, việc thẩm định nội dung chỉ được thức hiện khi tổ chức, cá nhân yêu cầu.
Thời hạn thẩm định về mặt nội dung, đối với đơn sáng chế là 18 tháng, kiểu dáng công nghiệp là 7 tháng, nhãn hiệu là 9 tháng và chỉ dẫn địa lý là 6 tháng kể từ ngày công bố đơn.
• Đăng ký xác lập quyền đối với giống cây trồng:
Nộp đơn tại Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong vòng 15 ngày, đơn sẽ được thẩm định hình thức. Nếu hợp lệ, đơn vị nộp đơn sẽ gửi mẫu giống đến cơ quan khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật (nếu đơn chưa hợp lệ, người nộp cần bổ sung, sửa chữa các thiếu sót theo thông báo của Văn phòng).
Sau khi có kết quả khảo nghiệm mẫu giống, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng sẽ tiến hành thẩm định nội dung (tính mới, tên gọi phù hợp của giống cây trồng cùng với kết quả khảo nghiệm). Nếu nội dung đáp ứng được các điều kiện quy định, giống cây trồng sẽ được quyết định cấp bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ. Nếu giống cây trồng không đáp ứng được các điều kiện bảo hộ, không khắc phục được các thiếu sót thì sẽ bị từ chối bảo hộ.
• Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan:
Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nộp đơn đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả. Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đơn hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp giấy chứng nhận. Trong trường hợp từ chối, Cục Bản quyền tác giả sẽ gửi thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
Đăng ký ra nước ngoài
Tùy theo từng đối tượng mà có những cách thức và thủ tục nộp đơn khác nhau. Nhìn chung, việc đăng ký ra nước ngoài có thể tiến hành theo hai cách:
• Nộp đơn thông thường:
Nộp trực tiếp vào cơ quan có trách nhiệm tại quốc gia cần bảo hộ (Hình 2). Đơn thường được dịch sang ngôn ngữ của quốc gia cần nộp đơn. Đối với bằng độc quyền sáng chế, vì tính đặc thù, doanh nghiệp có thể ủy thác cho luật sư hoặc đại diện sở hữu công nghiệp để đảm bảo yêu cầu quốc gia nộp đơn. Hình thức này khá tốn kém và phức tạp, nhất là khi doanh nghiệp muốn được bảo hộ ở nhiều quốc gia.
Hình 2: Nộp đơn trực tiếp tới các quốc gia xuất khẩu
• Nộp đơn qua hệ thống đăng ký toàn cầu:
Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã thiết lập Hệ thống đăng ký toàn cầu, bao gồm hệ thống PCT đăng ký quốc tế về sáng chế (153 nước tham gia), hệ thống Madrid đăng ký quốc tế về nhãn hiệu (124 nước tham gia), hệ thống Hague đăng ký quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (91 nước tham gia) và hệ thống Lisbon về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài (34 nước tham gia). Thông qua Hệ thống đăng ký toàn cầu, chỉ cần một bộ hồ sơ bằng tiếng Anh, sẽ đăng ký bảo hộ được ở nhiều quốc gia, với thủ tục đơn giản và chi phí thấp hơn nhiều nếu so với việc nộp đơn tại từng quốc gia riêng lẻ.
Điểm đáng chú ý là, Hệ thống đăng ký toàn cầu có tính mở. Ban đầu, doanh nghiệp có thể đăng ký bảo vệ TSTT ở 2 hay 3 nước xuất khẩu. Khi muốn mở rộng kinh doanh, xuất khẩu sang nước khác, chỉ cần đăng ký bổ sung và nộp thêm lệ phí, mà không cần làm lại bộ hồ sơ. Các chuyên gia của WIPO sẽ hoàn tất hồ sơ và gửi tới các nước xuất khẩu, theo mong muốn của doanh nghiệp.
Hình 3: Nộp đơn thông qua hệ thống WIPO
Chi phí khi tiến hành đăng ký bảo hộ qua Hệ thống toàn cầu, phụ thuộc vào số quốc gia mà doanh nghiệp muốn được bảo vệ.
Ví dụ, một doanh nghiệp Việt Nam muốn thông qua Hệ thống Madrid để bảo vệ một thương hiệu ở 5 quốc gia (giả sử như Australia, Indonesia, Philippines, Republic of Korea, Singapore) trong vòng 10 năm, theo tính toán của phần mềm Fee Calculator (do WIPO xây dựng), chi phí này sẽ là 1,623 Francs Thụy Sỹ (tương đương với 40 triệu đồng). Cụ thể, bảo hộ tại Australia có chi phí cao nhất (263 Francs Thụy Sỹ) và tại Philippines có chi phí thấp nhất (116 Francs Thụy Sỹ) (Hình 4).
Hình 4: Đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid: a) Chi phí bảo vệ một thương hiệu ở 5 quốc gia; b) Chi phí cụ thể của từng quốc gia bảo hộ
Để tối ưu hóa chi phí bảo hộ quyền SHTT, nếu doanh nghiệp chỉ cần bảo vệ TSTT ở một nước duy nhất thì nên nộp trực tiếp ở quốc gia xuất khẩu. Còn muốn bảo vệ ở nhiều hơn một quốc gia, nên khai thác Hệ thống đăng ký toàn cầu.
Việc bảo hộ quyền SHTT là rất cần thiết để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ không xâm phạm quyền SHTT của người khác, cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế. Tùy theo chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng xác lập quyền SHTT của mình để đảm bảo sức cạnh tranh, tránh các rủi ro có thể xảy ra, cũng như nâng cao vị thế, khẳng định sự tự tin về chất lượng sản phẩm “Made in Viet Nam”, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế toàn cầu.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tài liệu tập huấn về sở hữu trí tuệ dành cho lãnh đạo doanh nghiệp.
[2] Thư viện pháp luật. Luật sở hữu trí tuệ, Số: 07/VBHN-VPQH. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Van-ban-hop-nhat-07-VBHN-VPQH-2019-Luat-So-huu-tri-tue-nam-2005-424231.aspx
[3] Trung tâm thương mại quốc tế. Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ. http://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/758194/3+Nh%E1%BB%AFng+%C4%91i%E1%BB%81u+c%E1%BA%A7n+bi%E1%BA%BFt+v%E1%BB%81+s%E1%BB%9F+h%E1%BB%AFu+tr%C3%AD+tu%E1%BB%87.pdf/8f3ebc18-8773-43fc-96bc-079a51c4a387
[4] Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp. https://www.google.com/search?q=wipo_kipo_noip_smes_08_topic04&oq=wipo_kipo_noip_smes_08_topic04+&aqs=chrome..69i57.2401j0j9&sourceid=chrome&ie=UTF-8
[5] Peter Willimott, WIPO Singapore Office. Ideas, Brands and Designs: An Overview of Intellectual Property Rights for SMEs (Báo cáo tại diễn đàn “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ” tổ chức ngày 17/04/2021 tại trường Đại học Công nghiệp TP.HCM)