Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Hệ thống RAS đã được các cơ sở nuôi trồng thủy sản ứng dụng trong những năm gần đây nhờ khả năng tạo ra môi trường ổn định cho các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển, hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua kết nối của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, hệ thống này vừa được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang vào đầu tháng 3/2021.

 

RAS là gì?

RAS (Recirculating Aquaculture System) là hệ thống nước tuần hoàn, được nghiên cứu từ những năm 1950 và phát triển mạnh vào thập niên 80 ở các nước Châu Âu nhằm khắc phục các hạn chế của công nghệ nuôi hở như lồng bè, ao và nuôi nước chảy vốn là các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, năng suất thấp. Qua chặng đường dài hơn 30 năm, công nghệ RAS hiện được sử dụng trong các trại cá bột và cá giống trên toàn thế giới. Ở Châu Âu, khoảng 90% sản lượng nuôi trồng ứng dụng công nghệ RAS trong môi trường nước ngọt, 10% là nước biển và nước lợ. Các hệ thống RAS được phân loại dựa theo tỷ lệ tái sử dụng nước của chúng (% lưu lượng nước thải được xử lý đưa ngược trở lại) sau mỗi chu kỳ. Các công nghệ RAS tiên tiến nhất có tỷ lệ tái sử dụng nước lên đến 95-99%.

Minh họa hệ thống RAS

Quy trình xử lý nước thường bao gồm: loại bỏ các chất rắn, lọc sinh học, cân bằng khí, oxy hóa và khử trùng. Nhờ xử lý từng vấn đề cốt yếu của nước trong hệ thống RAS, không tháo nước ra ngoài như hệ thống tái chế nước cục bộ và hệ thống sử dụng dòng chảy, người nuôi có thể kiểm soát tối đa chất lượng nước vá điều kiện nuôi cấy trong ao. Vì vậy, hệ thống RAS cho phép kiểm soát tốt hơn các công nghệ khác trong nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả sản xuất cao và lợi ích kinh tế đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nuôi trồng thủy sản bằng RAS giúp gia tăng sản lượng thủy sản khi so sánh với nuôi ao truyền thống*.

* Nghiên cứu của Liao và cộng sự năm 2002 cho kết quả nuôi cá chình bằng công nghệ RAS đạt năng suất 70-250kg/m3 so với nuôi ao chỉ 2-3kg/m3 và lượng nước công nghệ RAS sử dụng chỉ bằng 1/10 so với nuôi ao. Tương tự, nghiên cứu của Timmons và Ebeling năm 2010 cho kết quả nuôi cá rô phi bằng công nghệ RAS đạt năng suất 80kg/m3 so với nuôi ao chỉ 8,2kg/m3 và lượng nước công nghệ RAS sử dụng chỉ bằng ¼ so với nuôi ao.

 

Tuy nhiên, hệ thống RAS cũng có một số mặt hạn chế như chi phí đầu tư ban đầu (vật liệu và hạ tầng cơ sở), chi phí vận hành (chi phí về điện, bảo trì, cũng như đội ngũ nhân viên giám sát và vận hành hệ thống cần được đào tạo chuyên sâu) khá cao. Ngoài ra, việc phát thải khí nhà kính cũng cao hơn nuôi trồng thủy sản không tuần hoàn. Tuy nhiên, nếu sản lượng thu đạt năng suất cao và hệ thống được thiết kế tốt, lợi ích đạt được sẽ lớn hơn các khoản chi phí tăng thêm, giúp giảm thiểu được chi phí sản xuất cuối cùng.

 

Ứng dụng RAS trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam

Trong những năm trở lại đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng trưởng mạnh và thu hút nhiều đầu tư (BĐ1) nhờ nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu (BĐ2). Tuy nhiên, việc nuôi trồng theo phương pháp truyền thống (lồng bè, ao hồ tự nhiên, dẫn nước thải ra môi trường ngoài) càng tăng thì mối đe dọa đến môi trường xung quanh càng lớn.

Biểu đồ 1. Sản lượng nuôi trồng thủy sản Việt Nam giai đoạn 1995-2020**
Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Biểu đồ 2. Sản lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 1997-2020***
Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

** Từ 1995-2020: Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam tăng gấp 11 lần, tăng trưởng trung bình hàng năm 10% từ 415 nghìn tấn lên gần 4,6 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản phục vụ cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở ĐBSCL (chiếm 95% tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm).
*** Từ 1997-2020: Sản lượng xuất khẩu tăng gấp 11 lần, tăng trưởng trung bình hàng năm 10% từ 758 triệu USD lên 8,5 tỷ USD. 2 loài thủy sản nuôi để xuất khẩu chủ yếu là tôm và cá tra.

 

Hệ thống RAS đã được ứng dụng thực tế ở một số nơi trong nước, với nhiều quy mô và đối tượng nuôi khác nhau, từ các loại thủy sản chiến lược (cá tra, tôm) cho đến các loại có giá trị kinh tế cao (cá chình bông, cá chạch quế, trắm đen, cá tầm,…). Ví dụ, tại một nông hộ nuôi cá tầm ở Đà Lạt, công nghệ này đem lại năng suất 70 kg/m3 (ước tính sau 1 năm ao nuôi 300 m2 sẽ thu hoạch 15 tấn cá); triển khai ứng dụng công nghệ RAS nuôi lươn tại Trại Cá giống Trực (Gò Công, Tiền Giang), với quy mô bể nuôi 6m2, dự kiến sẽ cho thu hoạch 300–500 kg/vụ nuôi.

Tại TP.HCM, công nghệ RAS đã được Công ty TNHH Khoa học Nuôi trồng thủy sản và Môi trường SAEN (TP.HCM) ứng dụng để nuôi cá chạch quế, đạt năng suất 100 kg/m3 (tương đương 12 tấn/80m3/5 tháng); cá chình bông 3,2 tấn/80m3/13 tháng; cá bống, cá trắm đen 100 kg/m3 và ương giống cá chạch lấu, tỷ lệ sống đạt 95%.

 

Kết nối chuyển giao công nghệ RAS

Gần đây, trong quá trình tìm kiếm các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt năng suất, chất lượng cao mà không gây ô nhiễm môi trường, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang đã được Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (techport.vn) “mai mối”, kết nối với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, nơi đã chủ trì và thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tuần hoàn để nuôi cá chình bông”, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu vào năm 2017.

Từ những tìm hiểu ban đầu của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang về hệ thống RAS qua các mô hình nuôi trồng thủy sản được giới thiệu, trình diễn tại Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học 2020 (Techmart) do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM tổ chức (tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, tháng 11/2020); tiếp tục với những gặp gỡ, trao đổi chuyên sâu với nhà cung ứng công nghệ cùng những hỗ trợ, thúc đẩy, kết nối tích cực của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, trái ngọt đã kết tinh từ những nỗ lực của các bên: Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã thống nhất chuyển giao kỹ thuật và quy trình nuôi thủy sản bằng hệ thống RAS dành cho lươn và cua.

Hệ thống RAS nuôi cá chình bông tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II

Hệ thống nuôi lươn không bùn ứng dụng RAS được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II lắp đặt tại Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang

Triển khai quá trình chuyển giao, đầu tháng 3/2021, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống nuôi lươn thương phẩm không bùn ứng dụng RAS, đồng thời chuyển giao quy trình kỹ thuật ương lươn giống và nuôi lươn thương phẩm (sử dụng trong hệ thống nuôi) cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang.

Hệ thống bao gồm 4 bể nuôi (kích thước 4x1,2x0,8m), được bố trí trong diện tích sàn 60m2 (4x15m). Quá trình thi công lắp đặt chỉ trong 5 ngày, thời gian tiến hành cấy vi sinh để xử lý nước mất khoảng 10 ngày, sau đó hệ thống có thể vận hành và thả lươn vào nuôi ngay. Lươn được nuôi trong bể với mực nước nuôi khoảng 40cm, năng suất dự kiến đạt 50kg/m2.

Nuôi lươn thương phẩm không bùn bằng ứng dụng RAS là giải pháp giúp hạn chế mầm bệnh và kiểm soát tốt chất lượng lươn nuôi, không cần sử dụng đến kháng sinh trong quá trình nuôi, cho chất lượng thủy sản đồng đều và sạch, đáp ứng tốt tiêu chuẩn về chất lượng để tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đưa lươn từ đồng ruộng vào nuôi trong hệ thống tuần hoàn nước giúp tách biệt lươn với môi trường bên ngoài, vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Được biết, hiện Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM vẫn đang tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II để giới thiệu, tư vấn và chuyển giao giải pháp nuôi trồng thủy sản ứng dụng RAS cho nhiều loại thủy sản khác nhau (cua, lươn, tôm tích, tôm càng xanh, cá, …) đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, nhằm nhân rộng mô hình này trong toàn quốc.

Duy Sang

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] European Commission. (2020). Recirculating Aquaculture Systems. Luxembourg: Maritime Affairs and Fisheries.
[2] Kim, H. (2020, May 20). Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS). Retrieved from CESTI: https://cesti.gov.vn/bai-viet-chi-tiet/01010578-0000-0000-0000-000000000000/khcn-trong-nuoc/he-thong-nuoi-trong-thuy-san-tuan-hoan-ras
[3] Kim, H. (2021, March 16). Nông dân đưa lươn vào nhà nuôi để sản xuất sạch, an toàn. Retrieved from CESTI: https://cesti.gov.vn/bai-viet-chi-tiet/01011312-0000-0000-0000-000000000000/CTDS1/nong-dan-dua-luon-vao-nha-nuoi-de-san-xuat-sach-an-toan
[4] Nhứt, N. (2017). Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tuần hoàn để nuôi cá chình bông. TP. Hồ Chí Minh
[5] Vân, L. (2018, August 6). Nuôi thủy sản hiệu quả với công nghệ RAS. Retrieved from CESTI: https://cesti.gov.vn/bai-viet-chi-tiet/01008668-0000-0000-0000-000000000000/khcn-trong-nuoc/nuoi-thuy-san-hieu-qua-voi-cong-nghe-ras

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập