Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Để thực hiện mục tiêu “...kinh tế số chiếm 25% GRDP của TP.HCM vào năm 2025” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã đề ra, nhiều hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đã được triển khai thực hiện trên địa bàn: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp các đơn vị để xây dựng bộ chỉ số về kinh tế số phù hợp với đặc thù của TP.HCM; Thành phố hợp tác cùng Tập đoàn VNPT thực hiện chương trình chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, nền tảng số; áp dụng phần mềm OneGov để thực hiện chuyển đổi số),…Trong đó, chuyển đổi số trong ngành giáo dục và y tế, hai lĩnh vực khá nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn đang hoành hành, tác động trực tiếp đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, có nhiều nội dung đáng chú ý.

 

Với ngành giáo dục, nhiều bước đi quan trọng được triển khai để xây dựng nền tảng giáo dục thông minh, từ Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh (Sở Giáo dục và Đào tạo) với các giải pháp học trực tuyến dành cho giáo dục phổ thông, hỗ trợ quản trị, dạy, học và đánh giá trực tuyến, xây dựng trên nền tảng LMS (Learning Management System); đến các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn, với các hệ thống thông tin được xây dựng nhằm phục vụ cho các công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản trị nhà trường, cùng các công cụ hỗ trợ trực tuyến. Khu vực doanh nghiệp cũng tham gia mạnh mẽ vào quá trình, với nhiều nền tảng ứng dụng công nghệ, cho phép hàng chục ngàn người cùng tham gia hoạt động, tương tác hai chiều một cách linh hoạt mà vẫn đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu.

 

Với ngành y tế, nhiều công nghệ cao (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo) đã được ứng dụng vào các hoạt động thường xuyên, vừa góp phần tối ưu hóa quy trình làm việc của bác sĩ, nâng cao chất lượng, tính nhất quán, độ chính xác trong việc khám chữa bệnh, mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, vừa góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đối số, hướng tới nền y tế số của Thành phố. Có thể thấy rõ nét là các ứng dụng robot trong phẫu thuật, ứng dụng học máy và dữ liệu lớn trong kê đơn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị,…đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trong hệ thống y tế TP.HCM, điển hình như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y dược,...

 

Quá trình nắm bắt và chuẩn bị tốt của Thành phố cho công cuộc chuyển đổi số, từ việc đảm bảo tốt hạ tầng cơ sở vật chất cho ngành CNTT trong những năm qua (một trong những ví dụ điển hình là xây dựng thành công Công viên phần mềm Quang Trung thuộc nhóm các khu công nghệ hàng đầu khu vực châu Á, được cộng đồng quốc tế thừa nhận), cho đến những quyết sách mạnh mẽ về đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số để tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gần đây (như chuẩn bị thành lập và đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP.HCM vào hoạt động; phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững,…) đã cho thấy sự cấp tiến và cam kết của Thành phố trong việc đẩy mạnh các công nghệ cốt lõi cho sự phát triển trên nhiều lĩnh vực. Cùng với tiềm lực kinh tế lớn nhất cả nước, Thành phố có đủ tiền đề để triển khai hiệu quả công cuộc chuyển đổi số và đạt được các thành quả như kỳ vọng.

 

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập