Nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội. TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chủ trương hướng đến một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, trong đó tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi để trở thành ngành kinh tế đặc thù.
Nông nghiệp đã và đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nền sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, quá trình hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao… Đối với TP.HCM, sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn khi tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do đó, Thành phố đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Thu nhập của nông dân TP.HCM tăng gần 3 lần
Tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi, nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2020 vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và công nghệ sinh học. TP.HCM hiện có hơn 3.500ha trồng rau, trong đó diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao là 43,9ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn
TP.HCM tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. |
Nhiều dự án nông nghiệp đã được triển khai thành công như: thực hiện nghiên cứu sản xuất một số loại rau ăn lá trong hệ thống Plant Factory; ứng dụng hệ thống điều khiển tự động tích hợp với thiết bị di động để duy trì dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai dưa lưới F1 trong nhà màng; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo (tổng đàn 52.764 con), bò sữa (tổng đàn 1.569 con) và gia cầm (tổng đàn 277.697 con); trong nuôi tôm, với diện tích 73,83 ha. Nhiều mô hình sản xuất NNCNC, nông nghiệp đô thị với những cách làm mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị nông sản và tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu đã được thực hiện, nâng dần tỷ lệ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố (nếu như năm 2010, tỷ lệ này khoảng 10% đến năm 2018 là 38,2%). Những mô hình này giúp gia tăng đáng kể thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân nông thôn TP.HCM đã tăng lên 2,72 lần (nếu như năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 23,17 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019, con số này là hơn 63 triệu đồng). |
Hiện nay, Thành phố đã có 104 hợp tác xã (HTX) và một liên hiệp hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như HTX Hoa lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi). Được thành lập năm 2015 (với 8 thành viên và 5 ha ban đầu), đến nay HTX đã có 21 ha trồng hoa lan, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 8 tỷ cành và 100.000 cây giống. Việc liên kết và ứng dụng công nghệ cao vào trồng các loại lan đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên của HTX như tăng năng suất gấp nhiều lần so với các phương pháp truyền thống, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh, kiểm soát tốt chất lượng và số lượng cung ứng theo nhu cầu thị trường.
Tăng cường đầu tư cho NNCNC
Các giải pháp công nghệ được giới thiệu tại Techmart chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch năm 2020. |
Để đẩy mạnh NNCNC, Thành phố đã có nhiều giải pháp thiết thực. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một trong những vấn đề then chốt để phát triển NNCNC, Thành phố đã triển khai nhiều chính sách thu hút, đào tạo người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh việc cử cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ (kế hoạch đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ngành công nghệ sinh học giai đoạn 2016-2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu), Thành phố đã phối hợp với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp ở các nước có nền NNCNC để đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn; tham quan học tập kinh nghiệm và nghiên cứu, chuyển giao các mô hình NNCNC. Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam – Kinh nghiệm các quốc gia Châu Á” (được Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Islam (Indonesia) và CLB Các nhà kinh tế tổ chức vào tháng 7/2020) là một ví dụ. Đây là sự kiện nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp các nước đã gặp gỡ, trao đổi về chiến lược và kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển nông nghiệp bền vững. Nhiều tham luận giá trị đã được chia sẻ tại đây như: phát triển NNCNC ở một số quốc gia châu Á và kinh nghiệm cho Việt Nam; xây dựng chuỗi giá trị nông sản Việt; cách mạng công nghiệp lần thứ tư với phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam… |
Về hạ tầng vật chất kỹ thuật, thời gian qua, Thành phố đã hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả nhiều đơn vị đầu mối về NNCNC như Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao,... Thành phố cũng hỗ trợ mạnh việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, từ hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao mô hình cho nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực (Quy trình nuôi tôm tít Harpiosquilla harpax trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn; Chuyển giao mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ Symphysodon sp cho hộ nông dân tại Củ Chi; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cá chép KOI (Cyprinus carpio) cho Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Phước Hạnh), đến phát triển chương trình giống cây - giống con (Nghiên cứu quy trình công nghệ, mô hình sản xuất giống lúa đặc sản tại TP.HCM và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ; Quy trình thuần dưỡng cây bá bệnh, quy trình vi nhân giống, cây giống bá bệnh chứa các hợp chất có khả năng chữa bệnh sốt rét, tiểu đường,…). Nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao đã được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp, tổ chức và nông hộ trên địa bàn Thành phố.
Góp phần đẩy nhanh quá trình xúc tiến đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ NNCNC, năm 2020, với tài trợ của Thành phố, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (79 Trương Định, Quận 1 - http://techport.vn) đã tăng cường các khâu kết nối cung-cầu công nghệ, thúc đẩy chuyển giao thành công nhiều công nghệ phục vụ NNCNC, từ các loại máy móc thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch (hệ thống sản xuất cacao, máy sấy thăng hoa công nghiệp HT-FD20, máy sấy lạnh 20 khay chất lượng cao…), đến các giải pháp phần mềm (phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử TraceVerified, thiết bị quan trắc IoT cho hệ thống trồng nấm…), qua các kỳ tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) chuyên ngành vào tháng 7 và tháng 11. |
|
Về mặt tài chính, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND từ ngày 7/12/2017 (và vừa tiếp tục gia hạn qua Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 23/3/2021), quy định về hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng NNCNC, nông nghiệp đô thị. Theo đó, các thành phần kinh tế khi đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố (các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, nuôi và khai thác tổ yến theo quy hoạch, khai thác đánh bắt thủy sản không mang tính tận diệt, phát triển ngành nghề nông thôn sử dụng nguyên vật liệu từ nông nghiệp, sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp), tùy theo từng đối tượng và nội dung vay, sẽ được ngân sách Thành phố hỗ trợ từ 60-100% lãi suất khi vay vốn ngân hàng.
Một số hướng triển khai NNCNC tại Thành phố
Theo văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao. Với mục tiêu này, tại Kế hoạch phát triển Chương trình NNCNC năm 2021, Sở NN&PTNN TP.HCM đã định hướng phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, nâng cao tỷ lệ ứng dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng trong sản xuất rau, hoa cây kiểng giúp đảm bảo ổn định năng suất, chất lượng cây trồng; hoàn thiện hệ thống thông tin về vùng trồng, diện tích, chủng loại nông sản, dự kiến sản lượng thu hoạch/vụ/năm và dự báo cung cầu một số mặt hàng nông sản chủ lực; tiếp tục xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp (xây dựng, thiết kế phần mềm quản lý dữ liệu sản nông nghiệp phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm); nâng cao năng lực quản lý nhà nước thông qua công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành giống để đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Là một khu kinh tế kỹ thuật, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao, tập trung lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển NNCNC cho vùng Đông Nam bộ và Nam Bộ, cũng như cả nước, trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021, Ban quản lý Khu NNCNC tiếp tục nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện là xây dựng và trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao các mô hình sản xuất, giống cây trồng; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường phát triển hoạt động dịch vụ du lịch nông nghiệp đến tham quan, học tập, hướng nghiệp tại Khu NNCNC…
Với vai trò là cơ quan chuyên môn, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động quản lý, hỗ trợ, thúc đẩy các công tác nghiên cứu KH&CN nói chung và KH&CN về nông nghiệp nói riêng ứng dụng thành công vào thực tiễn như: thu thập và thuần dưỡng các loài cá tỳ bà bướm; đánh giá tác động môi trường của việc nuôi hàu bằng vỏ xe; tạo vi nhũ tương (chitosan-dầu neem-dầu vỏ hạt điều) sử dụng để phòng chống mọt gạo;…Tại Kế hoạch “Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2021”, Sở Khoa học và Công nghệ đã xác định nhiệm vụ tái cấu trúc các Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN Thành phố giai đoạn 2021-2025, ưu tiên cho 6 chương trình ưu tiên nghiên cứu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Nghiên cứu NNCNC là một trong những chương trình được ưu tiên này. Cụ thể, Thành phố sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ NNCNC, nông nghiệp đô thị.
Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn thì ứng dụng mạnh mẽ KH&CN vào phát triển NNCNC, nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu cần thực hiện.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Báo cáo Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Thành phố năm 2020 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021.
[2] Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đòn bẩy phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp sạch. https://vca.org.vn/nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-don-bay-phat-trien-nong-nghiep-so-nong-nghiep-sach-a22367.html
[3] M.Hiếu. TP.HCM: Thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021. https://khuyennongtphcm.vn/tp-hcm-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-nam-2021/
[4] Hội thảo Khoa học quốc tế Phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – Kinh nghiệm các quốc gia châu Á.https://www.uel.edu.vn/tin-tuc/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-tai-viet-nam-kinh-nghiem-cac-quoc-gia-chau-a
[5] Mai Hoa, Quang Huy, Thái Phương. Nông thôn mới TPHCM trên đà phát triển - Bài 1: “Làn gió” nông nghiệp công nghệ cao. https://www.sggp.org.vn/nong-thon-moi-tphcm-tren-da-phat-trien-bai-1-lan-gio-nong-nghiep-cong-nghe-cao-647603.html