Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

TP.HCM đang kêu gọi các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp phát triển vật liệu và công nghệ mới, phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người thu nhập thấp. Đây là giải pháp thiết thực nhằm phát triển nguồn cung nhà ở xã hội vốn rất khan hiếm hiện nay.

 

Nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM

Là một thành phố đông dân nhất cả nước, với dân số cơ học lên tới khoảng 13 triệu người, nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM trong nhiều năm gần đây không ngừng tăng cao. Theo tương quan tỷ lệ tăng dân số toàn Thành phố và tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong 10 năm (2009-2019), về cơ bản nhu cầu nhà ở của dân số tăng thêm được đáp ứng và góp phần cải thiện diện tích nhà ở hiện hữu. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở vẫn chưa bền vững, đặc biệt chưa đáp ứng được nhu cầu lớn về nhà ở vừa túi tiền (nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội) nhằm phục vụ những người lao động có thu nhập thấp hoặc không ổn định.

Là trung tâm kinh tế và đông dân nhất cả nước, TP.HCM đang đứng trước áp lực về nhu cầu nhà ở ngày càng cao, nhưng lượng cung vẫn còn bất cập (Ảnh internet)

Thống kê mới nhất của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, năm 2020 nguồn cung nhà ở giá thấp giảm 98,6% so với năm 2019. Trong khi đó, theo Đề án xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030, dựa trên phân tích thu nhập và khả năng chi trả hiện chỉ 20% người lao động đủ khả năng mua nhà ở thương mại phân khúc trung cấp trở lên, 40% chỉ có khả năng mua nhà ở giá thấp, 40% còn lại không đủ khả năng tiếp cận nhà ở theo dự án.

Trong bối cảnh đó, để cân đối cung, cầu đối với phân khúc nhà ở nhà ở vừa túi tiền, theo các chuyên gia, bên cạnh việc khôi phục lại thị trường bất động sản tại TP.HCM, cần phải có sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) mới nhằm giảm giá thành xây dựng nhà ở.

 

Kết nối “ba nhà” trong phát triển vật liệu xây dựng mới

Trong định hướng phát triển VLXD mới, việc tăng cường kết nối ba nhà được Thành phố chú trọng nhằm tìm kiếm những giải pháp góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành công trình. Cụ thể, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, dựa trên Đề án phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 (được phê duyệt ngày 04/4/2020), Thành phố cũng tăng cường kết nối “ba nhà” (nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghệp) qua việc đặt hàng các chuyên gia, doanh nghiệp phát triển vật liệu công nghệ mới để phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp.

Phát biểu tại sự kiện Kết nối sáng tạo chủ đề “Vật liệu và công nghệ mới phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM” (ngày 28/4), ông Huỳnh Thanh Khiết (Phó Giám đốc Sở xây dựng TP.HCM) xác định: “Nhà ở cho người thu nhập thấp không có nghĩa là nhà có chất lượng thấp, mà phải đảm bảo đầy đủ tiện ích cho người dân sử dụng. Mặt khác, công nghệ xây dựng cần đáp ứng 5 yếu tố là nhanh, rẻ, bền, dễ tiếp cận và thông minh”. Hiện nay, Thành phố đang cần những giải pháp công nghệ và vật liệu xây dựng nhà ở giá thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ xây dựng mới, hiện đại, dễ tiếp cận và triển khai thực hiện, rút ngắn thời gian và hạ giá thành sản phẩm. Vật liệu xây dựng cần chú trọng kết hợp hài hòa các nhân tố: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và phát triển bền vững, trên cơ sở ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; quy mô hợp lý; sản phẩm đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức sự kiện “Kết nối sáng tạo”, chủ đề “Vật liệu và công nghệ mới phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM” vào ngày 28/4 vừa qua

Một trong những sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường được Thành phố quan tâm phát triển là vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN). Đây là các loại vật liệu, cấu kiện dạng block, viên hoặc tấm, có thể thay thế gạch đất sét nung để xây các kết cấu tường bao che, tuờng ngăn trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. VLXDKN đa dạng về chủng loại và chất lượng như gạch block bê tông thông thuờng, block bê tông nhẹ, gạch bê tông polymer khoáng hóa từ đất sét, gạch silicate, gạch ống – xi măng cốt liệu (sản xuất từ các nguồn nguyên liệu thông dụng như mạt đá, cát,… và các phế liệu như xỉ than, xà bần) và một số sản phẩm dạng tấm như tấm thạch cao, tấm 3D, tấm sandwich,…

Nhiều nghiên cứu tại Thành phố cũng đã hướng đến việc giải quyết các yêu cầu tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nhập ngoại, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững hơn, ví dụ như “Vật liệu xây dựng mới từ cát, đất, đá tại chỗ” của tác giả Nguyễn Hồng Bĩnh; “Sản xuất bê tông nhẹ không sử dụng xi măng” của tác giả Phạm Tuấn Nhi; hay “Bê tông nhẹ được tạo thành từ chất tạo bọt” của tác giả Trần Trung Nghĩa. Gần đây nhất là các nghiên cứu đã được đăng ký bảo hộ sáng chế như: "Gạch xi măng cốt liệu" (số bằng 2-0001743, với cốt liệu chiếm 74-95% khối lượng, từ cát, mạt đá, tro bay, tro xỉ,,...) của Công ty CP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu; "Phương pháp sản xuất khối bê tông lấn biển" (số bằng 2-0001519, với hỗn hợp tro bay và xỉ than chiếm 15-95% khối lượng) của Công ty TNHH Sản xuất Trung Hậu. Hiện trên địa bàn Thành phố cũng có nhiều cơ sở sản xuất VLXDKN có công nghệ và mức độ cơ giới hóa cao, sản xuất các loại gạch không nung chất lượng tốt như Công ty TNHH USG Boral Gypsum Việt Nam, Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 1; hay Công ty Xây dựng Thịnh Toàn với Cơ sở sản xuất gạch AAC (gạch bê tông khí chưng áp) công suất 30 triệu viên một năm.

Tuy nhiên, có một thực tế là các loại VLXDKN hiện nay vẫn chưa được sử dụng rộng rãi, nên hầu hết cơ sở sản xuất VLXDKN chưa phát huy hết công suất thiết kế. Một trong những nguyên nhân hạn chế là khả năng dễ bị thấm nước nhanh (dễ gây nứt tường do co giãn nhiệt), giá thành vẫn còn cao so với gạch nung. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loại VLXDKN theo hướng khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm nhằm nâng cao hiệu quả kỹ thuật, kinh tế, hướng đến sử dụng rộng rãi theo đúng như yêu cầu của Thành phố là một yêu cầu mang tính cấp thiết, cần rộng rãi cộng đồng các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng chung tay góp sức hơn nữa. Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành xây dựng cả nước.

Có thể nói, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở; đi đôi với điều chỉnh quy hoạch, cùng các chính sách, quy định pháp lý mới, việc tăng cường vận động các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ, vật liệu mới, tạo ra các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của đông đảo người dân, là một giải pháp thiết thực để phát triển nguồn cung nhà ở xã hội, vốn đang rất khan hiếm hiện nay tại Thành phố.

Thu Hà

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”
[2] Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng thành phố đến năm 2030.
[3] Viện vật liệu xây dựng: Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ 2015-2019.
[4] Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN TP.HCM: TP.HCM đặt hàng tìm vật liệu, công nghệ và mô hình kinh doanh nhà ở cho người có thu nhập thấp https://cesti.gov.vn/bai-viet-chi-tiet/01011457-0000-0000-0000-000000000000/CTDS1/tp-hcm-dat-hang-tim-vat-lieu-cong-nghe-va-mo-hinh-kinh-doanh-nha-o-cho-nguoi-co-thu-nhap-thap

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập