Với đặc thù của một đô thị lớn, lượng rác thải của hàng ngày của TP.HCM lên đến hơn 9.700 tấn (số liệu năm 2019, trong đó 72,5% được chôn lấp. Dự kiến năm 2025 tổng lượng rác thải lên đến 13.000 tấn/ngày). Do vậy, xử lý và tái chế rác thải là một trong những mối quan tâm sâu sắc của Thành phố [1].
Cũng như nhiều đô thị lớn tại nước ta, khâu xử lý ở các bãi rác tại Thành phố vẫn còn cách biệt với công tác thu gom, vận chuyển rác từ các khu dân cư. Theo công nghệ xử lý tại các bãi rác, rác thải cần được phân loại sơ bộ từ đầu để xử lý riêng biệt cho phù hợp: nhựa, giấy để tái chế; các chất hữu cơ để làm phân bón; một phần các chất rắn thu hồi hoặc đốt. Phần còn lại (chiếm tỉ lệ rất nhỏ) sẽ được chôn lấp. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân đô thị TP.HCM, quá trình xử lý rác tại các bãi rác như Đa Phước (Bình Chánh), Phước Hiệp (Củ Chi) là những việc không liên quan đến mình. Do vậy, đa phần rác thải tại Thành phố vẫn chưa được phân loại theo yêu cầu. Tất cả các loại phế thải phát sinh đều được dồn chung vào một thùng chứa để chờ thu gom. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các công nghệ xử lý rác khó phát huy được hiệu quả, lãng phí các nguồn nguyên liệu có thể tái chế, gia tăng chi phí xử lý và cả tài nguyên đất đai để dùng cho chôn lấp.
Xác định việc xử lý, phân loại rác thải đầu nguồn là rất quan trọng, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động để đẩy mạnh công tác này. Từ năm 2018, Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành. Tuy nhiên, đến nay, dù ý thức của một bộ phận người dân đã được nâng cao, nhưng việc phân loại rác ở Thành phố nhìn chung vẫn còn gặp khó, nhất là ở khâu thu gom.
Để gia tăng được tỉ lệ rác thải đã được phân loại đầu nguồn, bên cạnh các công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, cũng cần có những giải pháp hỗ trợ công tác phân loại một cách đơn giản nhưng có tính phổ cập và mang lại lợi ích kinh tế cho những người tham gia. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại Thành phố đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này và đạt được những trải nghiệm thành công bước đầu. GRAC và VECA là những minh chứng.
Những giải pháp công nghệ của hai startup này giúp tác động đến các quy trình, thói quen thông thường trong các hoạt động thu gom, xử lý chất thải thường nhật; vừa giúp phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng rác thải cần xử lý (giảm thiểu áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý rác thải), vừa mang lại thêm lợi ích kinh tế cho những người tham gia, tạo cơ hội cho quá trình phân loại rác thải tại nguồn được áp dụng rộng rãi hơn, từ các hộ gia đình cho đến cộng đồng những người thu gom phế liệu. Có thể nói, đây là những hoạt động rất thiết thực, cần nhân rộng của khu vực khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố trong việc đóng góp vào các nỗ lực giảm thiểu rác thải cần xử lý, giảm thiểu tác hại đến môi trường sống, tạo ra mối liên kết chặt chẽ, chung tay chung sức xây dựng Thành phố trở thành nơi “…có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…”, như Nghị quyết của Đại hội Ðảng bộ Thành phố lần thứ XI đã xác định.
BBT