Học sinh, sinh viên là nguồn nhân lực trẻ, đầy nhiệt huyết và sáng tạo, nhiều khát vọng xây dựng và phát triển đất nước. Để giúp các em trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hữu ích trong học tập và làm việc, nhiều hoạt động nhằm đưa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vào giáo dục đã được triển khai.
Đa dạng sân chơi sáng tạo, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) sáng tạo, khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đã và đang thu hút sự quan tâm từ các cấp. Ở cấp độ quốc gia, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Với mục tiêu 100% các trường đại học, học viện, 70% các trường cao đẳng, trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV được hỗ trợ đầu tư hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, Đề án được xây dựng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động xây dựng bài giảng, triển khai các khóa đào tạo trực tuyến; kết nối cổng khởi nghiệp với tất cả các cơ sở đào tạo,...Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên” (SV-STARTUP), với trọng tâm là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Sau 3 năm vận hành, cuộc thi thu hút ngày càng đông HSSV tham gia, với nhiều dự án chất lượng, ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Nếu năm 2018 mới có hơn 200 ý tưởng/dự án tham dự; năm 2019 con số này tăng lên gần 400 và đến năm 2020, cuộc thi đã nhận được hơn 600 ý tưởng/dự án của các bạn trẻ. Tham dự cuộc thi, HSSV được thể hiện ý tưởng sáng tạo, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp của mình thành hiện thực.
Hòa nhập cùng với các hoạt động sôi nổi của quốc gia, nhiều sân chơi khích lệ tinh thần sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã được tổ chức tại TP.HCM. Bên cạnh những tên lớn như cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (I-Star), Startup Wheel,…, có thể kể đến Ý tưởng khởi nghiệp (CiC), một trong những cuộc thi khởi nghiệp dành cho HSSV.
Phát động cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2021 |
Ý tưởng khởi nghiệp (Creative Idea Challenge - CiC) là cuộc thi khởi nghiệp thường niên, do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức, với sự đồng hành của các trường đại học, trường phổ thông và sự hỗ trợ từ Sở KH&CN TP.HCM, Quỹ Khởi nghiệp Đại học Quốc gia TP.HCM. Năm 2020, CiC đã thu hút hơn 250 dự án, với 700 thí sinh tham dự từ 84 trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước. Một số ý tưởng xuất sắc có thể kể tới như: Korona Board Game (trò chơi giáo dục có chiến thuật dựa trên cách phòng Covid-19), GoGo (nền tảng cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ thông tin du lịch tự túc thông qua việc cá nhân hóa thông tin khách hàng), túi sinh học-COFA được làm từ phế phẩm cây bắp… Thông qua các vòng thi, các nhóm dự thi sẽ nắm được quá trình phát triển, cách thức để một ý tưởng khởi nghiệp trở thành một dự án kinh doanh và được tham gia những hoạt động hội thảo và tập huấn chuyên môn mang tính thực tiễn cao. CiC tạo ra cơ hội kết nối cho các nhóm khởi nghiệp, xây dựng mối quan hệ xã hội với các doanh nhân khởi nghiệp thành công, các nhà chuyên môn, nhà đầu tư. Sau cuộc thi, CiC sẽ hỗ trợ các dự án tiềm năng gọi vốn đầu tư, tham gia các chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp. |
Cuộc thi CiC nhằm tạo môi trường trải nghiệm, nâng cao kỹ năng, kiến thức và truyền cảm hứng, tư duy khởi nghiệp cho HSSV. Thời gian đăng ký dự thi CiC 2021 từ ngày 19/03-09/06/2021. Bên cạnh bảng dành cho sinh viên như các mùa trước, CiC 2021 còn có thêm bảng phổ thông, dành cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đang theo học tại các trường học, cơ sở đào tạo trên toàn quốc. |
Những điểm sáng trong sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên TP.HCM
Các bạn trẻ tại TP.HCM đã hưởng ứng rất nhiệt tình với các sân chơi khởi nghiệp dành cho mình. Nhiều dự án của HSSV Thành phố không chỉ thể hiện tính sáng tạo, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm rất hữu dụng, giải quyết các vấn đề rất sát với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Ví dụ, nhờ đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, khi lượng nông sản gia tăng, cũng đồng nghĩa có nhiều phế, phụ phẩm được thải ra. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, sau khi thu hoạch nông sản, có đến hơn 80% phế, phụ phẩm nông nghiệp bị thải bỏ, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí một nguồn tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng. Với chuối, loại cây trồng nhiệt đới khá quen thuộc tại Việt Nam (diện tích trồng trên 200.000 ha), các phế phụ phẩm là rất lớn. Đây chính là đối tượng mà nhiều bạn trẻ TP.HCM quan tâm. Nhiều nghiên cứu đã được các bạn triển khai để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này, tạo ra các sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế. Một số thành quả nổi bật gần đây của HSSV Thành phố theo hướng nghiên cứu này là biến thân cây chuối thành những sản phẩm độc đáo (giấy, hộp gói quà,…) hay tạo ra các khay, hộp ép từ lá chuối.
Ý tưởng tạo ra các loại giấy kích cỡ A3, A4, giấy gói hoa, hộp gói quà, thiệp… từ thân cây chuối của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã giành giải Nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV-STARTUP 2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ý tưởng này cũng đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến giảm rác thải nhựa” năm 2020 của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).
Các sản phẩm độc đáo nhóm sinh viên đã tạo ra từ thân cây chuối
Dự án sử dụng thân cây chuối để làm giấy, làm hộp thay cho việc sử dụng các loại bột giấy từ cây gỗ, cây rừng không chỉ giúp giảm áp lực cho ngành giấy, bao bì, cũng như giảm thiểu lượng CO2 thải ra từ quá trình đốt phụ, phế phẩm nông nghiệp, mà còn góp phần vào nỗ lực giảm thiểu các loại bao bì từ nhựa, nylon dùng một lần. Hơn thế, ý tưởng này còn mang lại lợi ích kinh tế khi tận dụng được nguồn phụ, phế phẩm nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.
Nhóm dự án đang kết nối với các doanh nghiệp để hoàn thiện quy trình sản xuất và đầu tư xây dựng nhà máy. Trong năm 2021, nhóm phối hợp với doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm tại Kiên Giang cũng như một số nơi khác và hướng đến việc nhân rộng mô hình qua chuyển giao công nghệ sản xuất giấy từ thân cây chuối cho các hộ nông dân ở những vùng trồng nhiều chuối, để có thể tận dụng tối đa nguồn phụ, phế phẩm nông nghiệp sẵn có, gia tăng thu nhập cho nhà nông. Khay, hộp đựng thức ăn, ép từ lá chuối là nội dung Dự án "Vibale- nâng cao giá trị cây chuối (phụ phẩm nông nghiệp) sau thu hoạch" của nhóm bạn trẻ TP.HCM, vừa xuất sắc vượt qua hơn 100 dự án của HSSV từ các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và sinh viên quốc tế, giành giải Nhất cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp: Đổi mới sáng tạo năm 2020" (do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, với sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI). |
Khay đựng thức ăn sinh thái được làm từ nguyên liệu lá chuối ép. |
Dự án được đánh giá là có tính sáng tạo, có khả năng nhân rộng, đem lại giá trị hữu ích cho cộng đồng và nâng cao nền nông nghiệp bền vững. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn sử dụng lá chuối thay cho nguyên liệu khác vì có bản đủ lớn, đáp ứng được các kích thước của sản phẩm và lành tính với sức khỏe của người dùng. Dự án được Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường hỗ trợ về mặt kỹ thuật, ứng dụng công nghệ ép tạo hình sản phẩm. Lá chuối khi đưa vào sản xuất sẽ được ép khô hoàn toàn nước, do đó sản phẩm có thể bảo quản trong 12 tháng mà không bị ẩm mốc. Hộp ép từ lá chuối của dự án Vibale có khả năng phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày, đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là sản phẩm hoàn toàn có thể thay thế hộp xốp, hộp nhựa dùng một lần vốn rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến môi trường.
Các sản phẩm của Vibale đã được cung cấp trong một số nhà hàng tại khu vực phía Nam và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Sắp tới, Vibale sẽ tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm, sản xuất thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường từ nguyên liệu truyền thống như lá sen, mo cau…
Giao diện làm việc của SHub Classroom |
Bên cạnh những nghiên cứu nhằm tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường như trên, HSSV TP.HCM còn có nhiều sáng tạo, khởi nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực, như công nghệ thông tin, giáo dục,… Ứng dụng hỗ trợ làm bài tập - SHub Classroom là một ví dụ. Ai đã từng trải qua thời học sinh, đôi lúc sẽ gặp những giây phút “đứng hình” vì áp lực bài tập, vì những kiến thức chưa hiểu thấu đáo, nhưng không tìm được người hỗ trợ kịp thời. Những trải nghiệm khi còn học tập ở trường phổ thông đã thúc đẩy nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) xây dựng ứng dụng hỗ trợ làm bài tập SHub Classroom, hoạt động theo mô hình kết nối: khi có vấn đề hoặc bài tập khó, các em học sinh có thể đặt câu hỏi, hệ thống sẽ tự động tìm người hỗ trợ phù hợp. Dự án giành giải Nhất chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019; giải Khuyến khích cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp 2019 và nhận được gói tài trợ ươm tạo trị giá 100 triệu tại Khu Công nghệ Phần mềm (Đại học Quốc gia TP.HCM). |
Đây là một ứng dụng thiết thực, hướng đến đối tượng sử dụng là học sinh THCS và THPT, giúp các em có thể tìm được người giải đáp và bổ sung kiến thức còn thiếu một cách liên tục. Sau thời gian phát triển và thử nghiệm, SHub Classroom đã có mặt trên cửa hàng ứng dụng, cho phép người dùng tải miễn phí. Đến nay, theo thông tin từ Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục SHub, với việc có mặt trên 63 tỉnh thành, hơn 100 ngàn giáo viên và 3 triệu học sinh sử dụng cho việc dạy và học, SHub trở thành cộng đồng giáo dục trực tuyến, môi trường học tập, giảng dạy và chia sẻ rộng lớn, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những người sử dụng trên cả nước. Hệ sinh thái đa ứng dụng SHub được đồng hành với những đơn vị uy tín về công nghệ và giáo dục như Khu Công nghệ Phần mềm ITP (Đại học Quốc gia TP.HCM), Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Đại học Quốc gia TP.HCM,...
Có thể nói, trong thời gian qua, HSSV Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã tiếp cận khá tốt với các chính sách, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thiết thực từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp; thể hiện rõ năng lực bản thân qua các sản phẩm, dự án khởi nghiệp, sáng tạo và bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo ra việc làm cho các bạn sau khi ra trường, cũng như đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và cả nước.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Phương Thảo. Triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”. https://www.sggp.org.vn/trien-khai-de-an-ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-728854.html
[2] Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2021 dành cho học sinh, sinh viên. https://techfest.vn/tin-tuc/cuoc-thi-y-tuong-khoi-nghiep-cic-2021-danh-cho-hoc-sinh-sinh-vien
[3] 'Hô biến' cây chuối thành những sản phẩm độc đáo. https://thanhnien.vn/gioi-tre/ho-bien-cay-chuoi-thanh-nhung-san-pham-doc-dao-1373803.html
[4] Khởi nghiệp thành công với hộp ép từ lá chuối, xanh sạch, vì môi trường. https://viettimes.vn/khoi-nghiep-thanh-cong-voi-hop-ep-tu-la-chuoi-xanh-sach-vi-moi-truong-post140321.html
[5] Sinh viên khởi nghiệp từ ứng dụng hỗ trợ làm bài tập. https://dean1665.vn/news/khoi-nghiep/sinh-vien-khoi-nghiep-tu-ung-dung-ho-tro-lam-bai-tap-124.html