Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan. Hệ quả là ngày càng nhiều người truy cập internet để tiếp cận nhanh các thông tin về dịch bệnh. Do vậy, nhiều quốc gia đang nhanh chóng triển khai công nghệ số để cập nhật kịp thời thông tin, phát các cảnh báo cho dân chúng và kịp thời truy vết, nếu có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, thống kê ngày 25/03/2020 của Liên Hợp Quốc cho thấy, mới chỉ có 110 quốc gia đăng tải thông tin liên quan đến đại dịch này. Nhưng, đến ngày 08/04/2020, đã có đến 167 quốc gia có các thông tin cảnh báo và hướng dẫn về đại dịch trên cổng thông tin quốc gia. Các thông tin này tăng cường vào các đợt bùng dịch, giới thiệu các hoạt động chống dịch của chính phủ và hướng dẫn tự bảo vệ cho công chúng. Ngoài ra, các chính phủ cũng đã bắt đầu công bố các số liệu thống kê chính thức về Covid-19, chẳng hạn như: tổng số trường hợp nhiễm bệnh, số được chữa khỏi, số tử vong, cũng như tình hình diễn biến dịch bệnh tại các địa phương.

 

Công nghệ số trong đại dịch Covid-19

Theo dữ liệu về việc sử dụng internet và nguy cơ dịch bệnh tại 180 nền kinh tế của Ngân hàng Thế giới và Ủy ban Châu Âu, có thể thấy, ở các quốc gia có hệ thống máy chủ internet an toàn và khả năng truy cập internet rộng, nguy cơ dịch bệnh là thấp hơn. Cơ sở hạ tầng ở các quốc gia này thường tốt hơn (chẳng hạn như năng lượng và giao thông), hệ thống quản lý và hỗ trợ công dân tốt hơn hơn (ví dụ như y tế, dinh dưỡng và an sinh xã hội) trong đối phó với đại dịch[1].

Hình 1. Máy chủ internet an toàn và khả năng truy cập internet rộng tương quan chặt chẽ với nguy cơ dịch bệnh thấp hơn
Ghi chú: Biểu đồ bên trái bao gồm 183 nền kinh tế, biểu đồ bên phải bao gồm 181 nền kinh tế.

Nhiều ứng dụng đã được tạo ra để trợ giúp cuộc chiến chống Covid-19. Qua các dữ liệu thu thập và tổng hợp được, các cơ quan chức năng có thể cung cấp các thông tin chính thức, đáng tin cậy và kịp thời về đại dịch, giúp người dân hành động đúng. Qua đó, chính phủ xây dựng được lòng tin và nhận được sự hợp tác tốt hơn của công chúng để cùng chung sức chống dịch. Tuy nhiên, khu vực công thường thiếu nhân lực để phát triển nhanh và hiệu quả các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ người dân trong tình huống khủng hoảng, do vậy, các chính phủ thường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, hoặc các tổ chức quốc gia và quốc tế để khai thác các công nghệ sẵn có để đáp ứng nhu cầu.

Theo một nghiên cứu về “Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lập kế hoạch và ứng phó với đại dịch Covid-19” được đăng trên tạp chí The Lancet[2], các quốc gia đã triển khai nhiều công nghệ kỹ thuật số để lên kế hoạch, tổ chức xét nghiệm, giám sát lây nhiễm, truy vết, cách ly kiểm dịch một cách hiệu quả. Bằng cách ứng dụng công nghệ trong xác định và cách ly sớm các trường hợp lây nhiễm, nhiều quốc gia đã duy trì được tỷ lệ tử vong do Covid-19 bình quân đầu người thấp nhất trên thế giới. Ví dụ, Đức đã xây dựng ứng dụng đồng hồ thông minh, cho phép thu thập dữ liệu về nhịp tim, nhiệt độ và giấc ngủ để sàng lọc các dấu hiệu của bệnh do virus gây ra. Dữ liệu từ ứng dụng này sẽ hiển thị trên một bản đồ trực tuyến. Dựa theo đó, nhà chức trách có thể đánh giá khả năng nhiễm bệnh của người dân. Ở Singapore, một ứng dụng trên điện thoại di động sử dụng công nghệ Bluetooth để ghi lại những cuộc gặp gỡ, khi các cá nhân ở gần nhau, và lưu trữ chúng trong điện thoại di động của họ trong 21 ngày. Nếu một cá nhân được chẩn đoán mắc Covid-19, Bộ Y tế Singapore sẽ truy cập dữ liệu để xác định những người tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Tại Hàn Quốc, người ta sử dụng camera an ninh, công nghệ nhận dạng khuôn mặt, lịch sử dùng thẻ ngân hàng và dữ liệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) từ các phương tiện và điện thoại di động để tạo ra dữ liệu thời gian thực và lịch trình chi tiết về việc đi lại của người dân. Khi có các trường hợp Covid-19 mới, người dân sẽ nhận được thông báo khẩn cấp bằng tin nhắn. Những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh sẽ được hướng dẫn báo cáo cho các trung tâm xét nghiệm và tự cách ly.

Tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào chính sách ứng phó với đại dịch là một trong những đặc điểm nổi bật của các quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong thấp do Covid-19. Tuy nhiên, các sáng kiến về y tế kỹ thuật số thường cần sử dụng internet và điện thoại thông minh. Do đó, để triển khai hiệu quả giải pháp này trên toàn cầu, các biện pháp can thiệp cần được điều chỉnh cho phù hợp với các đối tượng thu nhập thấp, hoặc ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, để cân bằng giữa nhu cầu theo dõi liên lạc và quyền riêng tư, một số nước châu Âu cũng đang triển khai các ứng dụng theo dõi trên điện thoại thông minh với dữ liệu ẩn danh, không có cơ sở dữ liệu trung tâm, không có thông tin GPS, đề xuất dữ liệu chỉ được lưu giữ trong 14 ngày (khoảng thời gian có thể lây truyền virus) và các biện pháp kỹ thuật số không cần thiết sẽ được dỡ bỏ ngay khi đại dịch kết thúc.

 

Một số giải pháp của Việt Nam đang triển khai

Ở Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương và để người dân cả nước không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, trung tuần tháng 4/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành tài liệu “Bộ giải pháp công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”, gồm 5 giải pháp, theo hai nhóm đối tượng:

Nhóm giải pháp dành người dùng cuối:

Nhóm giải pháp dành người dùng cuối:

3 ứng dụng trên điện thoại thông minh được giới thiệu đến người dân cả nước, giúp đáp ứng hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng phạm vi lây lan của dịch, mà không cần phải cách ly xã hội diện rộng, tạo gánh nặng lên phát triển kinh tế.

– Ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm (Bluezone)

Sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp [3] để ghi nhận các tiếp xúc gần trong khoảng cách 2m (khi nào và trong bao lâu) giữa các điện thoại thông minh (smartphone) cùng cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Lúc này, mỗi smartphone sẽ đóng vai trò vừa là thiết bị phát, vừa là thiết bị thu. Thiết bị sẽ phát các mã Bluezone ID (BLID) ngẫu nhiên (thay đổi sau 15 phút/lần), được các smartphone đã cài Bluezone khác ghi nhận, lưu trữ để tính toán về việc tiếp xúc gần, khi có phát sinh F0 sau này.

Hình 2. Hướng dẫn sử dụng Bluezone
Nguồn: Tài liệu giới thiệu bộ giải pháp công nghệ phòng, chống dịch covid-19 trong tình hình mới.

Khi có một ca nhiễm SARS-CoV-2 (F0) mới được cơ quan y tế cập nhập vào hệ thống, hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến các smartphone đã cài Bluezone. Lịch sử tiếp xúc với F0 trong 14 ngày trước đó sẽ được tự động phân tích, đối chiếu. Nếu dữ liệu trùng khớp, ứng dụng Bluezone sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm, đồng thời hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan y tế để nhận trợ giúp.

Khi càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả phòng dịch càng cao và giảm thiểu các nguy cơ lây lan, nhờ khả năng sẵn sàng truy vết ca nhiễm. Do đó, ngày 07/05/2021, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Thông báo số 365/TB-VP, yêu cầu “100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cài đặt phần mềm Bluezone”.

– Khai báo y tế cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration)

Khai báo y tế cho khách nhập cảnh vào Việt Nam hoặc người từ Việt Nam đi qua các quốc gia đang có dịch là bắt buộc trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Việc khai báo này có thể thực hiện trên ứng dụng Vietnam Health Declaration khi sửa dụng điện thoại thông minh, hoặc thực hiện trên trang thông tin điện tử https://tokhaiyte.vn. Các thông tin khai báo rất quan trọng vì sẽ giúp cho cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh một cách hữu hiệu.

Hình 3. Ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh - Vietnam Health Declaration

– Hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện (NCOVI)

Cũng là một trong các biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống dịch Covid-19. Hàng ngày, ngoài việc cập nhật tình hình sức khoẻ của bản thân, người dùng còn có thể cập nhật tình hình sức khoẻ của người than, thông qua việc khai báo hộ. Các thông tin khai báo y tế là những thông tin về khả năng tiếp xúc với người bệnh Covid-19, một số dấu hiệu có khả năng liên quan đến bệnh Covid-19 và một số thông tin về bệnh nền. Các thông tin này giúp các cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguy cơ có thể xảy đến với người khai báo y tế và kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Hình 4. Ứng dụng khai báo y tế - NCOVI

Người dân có thể khai báo y tế tự nguyện trên một trong 3 ứng dụng: NCOVI, Vietnam Health Declaration và Bluezone. Các dữ liệu khai báo sẽ được đồng bộ về một cơ sở dữ liệu chung, do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Nhóm giải pháp tại các địa điểm công cộng:

Ngoài các ứng dụng khuyến khích cài đặt và sử dụng cho cá nhân, còn 2 hệ thống áp dụng tại các địa điểm công cộng để có thể cung cấp các cảnh báo kịp thời cho người dân và hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống dịch, nếu dịch bệnh bùng phát có liên quan đến các địa điểm mà người dân đã từng đến.

– Hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (quét mã QR)

Tất cả các địa điểm công cộng, điểm có tụ tập đông người (như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng…) đều phải thực hiện việc kiểm soát y tế đối với tất cả những người đến và đi, thông qua công cụ “mã QR Code”. Cơ quan chủ quản của các địa điểm công cộng này phải đăng ký tạo mã QR và trở thành điểm kiểm dịch cho địa điểm của mình để phục vụ công tác truy vết khi có ca nhiễm. Việc quét mã QR Code được thực hiện thông qua 3 ứng dụng: NCOVI, Viet Nam Health Declaration và Bluezone.

Hình 5.Mã QR code tại các địa điểm công cộng

– Bản đồ chống dịch an toàn Covid-19 (https://antoancovid.vn)

Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19 bao gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn) thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở đông người. Hệ thống cung cấp thông tin về các địa điểm công cộng an toàn (trước mắt là các trường học và cơ sở y tế). Mỗi địa điểm đăng ký tài khoản, sử dụng ứng dụng AntoanCovid thường kỳ để giám sát điều kiện an toàn thường xuyên, liên tục và minh bạch. Hệ thống cũng cho phép người dân giám sát, theo dõi và phản hồi trực tiếp ngay trên bản đồ, nếu phát hiện những điểm chưa phù hợp tại các địa điểm công cộng. Khi được triển khai toàn diện, Bản đồ chống dịch sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý trong công tác phòng chống dịch bệnh và tạo được sự yên tâm cho cộng đồng, khi tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch,...

Hình 6. Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19

Các giải pháp công nghệ số của Việt Nam là khá đầy đủ và sẵn sàng cho ứng dụng. Tuy nhiên, để các giải pháp này vận hành hiệu quả, cần có sự chung tay của cả xã hội. Càng nhiều địa điểm công cộng, càng nhiều người dân cài đặt và sử dụng, thì các ứng dụng sẽ càng có khả năng phát huy cao độ hiệu quả của mình: phạm vi khoanh vùng chính xác hơn, giảm bớt việc cách ly nhầm hoặc phải cách ly trên diện rộng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng dịch, sớm giúp mọi người quay trở lại cuộc sống bình thường.

Duy Sang

[1] Nguồn: Các chỉ số phát triển thế giới (World Development Indicators – WDI) của World Bank Group’s; Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban Châu Âu (European Commission’s Joint Research Center).
[2] The Lancet là một tuần san y khoa tổng quan và lâu đời nhất và được coi là một trong những tập san y khoa có uy tín nhất trên thế giới
[3] Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy – BLE) là một công nghệ mạng không dây tiêu thụ rất ít năng lượng, khoảng cách hoạt động ngắn và ổn định trong phạm vi 10m, dữ liệu truyền tải không lớn, thích hợp cho các ứng dụng điều khiển không liên tục và được tích hợp ở hầu hết các sản phẩm điện thoại thông minh hiện nay.

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

– Department of Economic and Social Affairs (United Nations). Digital technologies critical in facing COVID-19 pandemic: https://www.un.org/en/desa/digital-technologies-critical-facing-covid-19-pandemic
– Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài liệu giới thiệu Bộ giải pháp công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
– Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, BKAV. Bluezone – Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần. https://bluezone.gov.vn/Bluezone_White_paper.pdf
– Sở Y tế TP.HCM. Đức, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam là những quốc gia được nhắc đến về những cách làm hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19.http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/phong-chong-dich-benh/duc-singapore-han-quoc-va-viet-nam-la-nhung-quoc-gia-duoc-nhac-den-ve-nhung-cac-c2-40491.aspx
– Nan Jiang và Julie Ryan. How does digital technology help in the fight against Covid-19? Retrieved from World Bank Blogs: https://blogs.worldbank.org/developmenttalk/how-does-digital-technology-help-fight-against-covid-19
– Sera Whitelaw và cs. Applications of digital technology in Covid-19 pandemic planning and response. The Lancet Digital Health

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập