Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại (làn sóng thứ 4) tại Việt Nam, TP.HCM một lần nữa là đơn vị đi đầu trong đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và vạn vật kết nối (IoT) để xây dựng hệ thống đo nhiệt độ không tiếp xúc và sàng lọc với cơ chế cảnh báo sớm.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường. Theo thống kê tại trang worldometers.info, tính đến 7 giờ ngày 23/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 167 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 148 triệu ca đã hồi phục, gần 3,5 triệu ca tử vong. Đáng chú ý, các biến thể virus SARS-CoV-2 như biến thể Anh (Alpha), biến thể Ấn Độ (Delta) được đánh giá rất nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh chóng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để sớm khống chế dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, việc nhanh chóng cung cấp vaccine là rất cần thiết cho các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn cung, khó khăn trong vận chuyển tới các vùng xa xôi… đã gây không ít trở ngại cho các nước Châu Á trong việc tiếp cận vaccine. Trước bối cảnh đó, theo các chuyên gia, trong khi chờ đợi vào vaccine, thì giải pháp ứng dụng công nghệ để chủ động giám sát, theo dõi dịch bệnh, sử dụng trí tuệ nhân tạo (artifical intelligence - AI) trong y tế, hay các giải pháp làm việc trực tuyến,...vẫn được chứng minh là hữu hiệu để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19.

 

Ứng dụng công nghệ số trong cuộc chiến chống Covid-19

Công nghệ số đang được các nước sử dụng rất nhiều, như những “vũ khí hữu hiệu” trong cuộc chiến chống đại dịch, cũng như để thích ứng với những thay đổi do đại dịch gây ra. Tại nơi ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới là Trung Quốc, công nghệ giám sát, theo dõi đã được áp dụng rất hiệu quả trong kiểm soát dịch. Với phần mềm Ant-Aliplay cài trên điện thoại, mỗi người dân sẽ được cấp một mã vạch theo màu, tùy theo tình trạng sức khỏe (mã Xanh: người dân tự do di chuyển; mã Vàng: cách ly 7 ngày; mã Đỏ: cách ly 2 tuần). Đội kiểm soát tại các nơi công cộng sẽ phát hiện được người có nguy cơ lây nhiễm, khi quét mã trên điện thoại của người đó.

Việc áp dụng công nghệ số để giám sát, truy vết cũng giúp Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia xác định và đánh giá tình hình dịch bệnh chính xác nhất thế giới. Với ứng dụng bảo vệ an toàn người tự cách ly ở nhà trên thiết bị di động (chẩn đoán tình trạng sức khỏe người cách ly; truyền đạt thông báo của cán bộ phụ trách; hướng dẫn sinh hoạt cho người dùng trong thời gian cách ly), việc giám sát, theo dõi, cách ly và kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Tại Việt Nam, các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng truy vết (Bluezone, Ncovi, Vietnam Health Declareation), camera AI, bản đồ dịch tễ...giúp việc kiểm soát và khoanh vùng dịch bệnh nhanh chóng là những ví dụ điển hình về sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ số để chống lại virus SARS-CoV-2 trong 3 đợt dịch vừa qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đợt dịch thứ 4 ở nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều chuỗi lây nhiễm, nhiều nguồn lây, nhiều biến chủng và chưa có dấu hiệu suy giảm, thì việc xây dựng các kịch bản mới, cho phép ứng phó nhanh với tình hình, khi mà số lượng bệnh nhân (F0) và người tiếp xúc gần ca dương tính (F1), người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) tăng đột biến, là vô cùng cần thiết.

Ứng dụng Bluezone - giải pháp công nghệ để phòng, chống Covid-19

Theo các chuyên gia, hiện các giải pháp để sàng lọc nguồn nguy cơ mang mầm bệnh trong thực tiễn còn chưa đạt đươc hiệu quả toàn diện, lâu dài. Đa số các nơi vẫn sử dụng máy đo thân nhiệt cầm tay có hiệu suất kiểm soát thấp và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Hơn thế, giải pháp sàng lọc này cũng không thể cung cấp số liệu cho các cơ quan, ban ngành để tiến hành các phân tích, dự đoán, truy vết, cũng như chuẩn bị kế hoạch dự phòng nhằm ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng; các doanh nghiệp cũng không thể nắm được thực tế số người có nguy cơ nhiễm bệnh trong đội ngũ nhân sự của mình. Chính vì vậy, việc tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế, tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là những công nghệ mới, tiên tiến của thế giới để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

 

Giải pháp "Giám sát cộng đồng thông minh"

Hiện nay, để phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đang kiên trì thực hiện phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả". Trong đó, cách ly tập trung bắt buộc F1 tại các cơ sở cách ly tập trung (doanh trại quân đội, công an; ký túc xá; nhà ở của nhà máy, xí nghiệp; chung cư mới đưa vào sử dụng; khách sạn; trạm y tế xã...) là một mắt xích quan trọng trong chiến lược này. Mô hình quản lý cách ly tập trung khá chặt chẽ đã giúp nước ta khống chế được tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp, đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” trong thời gian qua. Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ hậu cần (cơ sở cách ly, công tác đưa đón,…) cho số F1 cần cách ly tập trung khá lớn như hiện nay (và có khả năng còn tăng nhiều hơn nữa), chi phí mà Nhà nước đang phải cáng đáng rất lớn. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, việc quản lý đối tượng F1 cần có tính toán phù hợp hơn.

Với bối cảnh này, nhóm nghiên cứu khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM đã kết hợp với Công ty TNHH STVG (Nhật Bản) đề xuất giải pháp công nghệ "Giám sát cộng đồng thông minh" nhằm kiểm soát đồng thời nhiều nhóm người tại các khu vực cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu tập trung đông người...để phòng chống dịch. Giải pháp này hứa hẹn đóng vai trò rất quan trọng, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, dẫn đến cần quản lý tốt số lượng F0, F1, F2 gia tăng mạnh. Giải pháp có các chức năng chính như sau:

– Kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực có nguy cơ cao

Hệ thống theo dõi được thiết kế dưới dạng các quầy (kiosk) có trang bị tính năng nhận dạng khuôn mặt và cho phép kiểm tra thân nhiệt nhiều người cùng lúc. Phần mềm kết nối các kiosk và camera đo nhiệt độ với server để phân tích và nhận dạng người đo. Nếu người đo bị sốt, hệ thống sẽ lập tức phát cảnh báo tại chỗ và nhắn tin (qua SMS/Zalo) đến các bộ phận liên quan.

Với thực tiễn công tác đo thân nhiệt hàng ngày bằng thủ công, có độ chính xác không cao và nhiều nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn tại các khu cách ly, khu công nghiệp như hiện nay, giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối để tạo ra hệ thống đo nhiệt độ không tiếp xúc và hỗ trợ sàng lọc thông qua cơ chế cảnh báo sớm sẽ giúp việc kiểm soát nhiệt độ chủ động, chính xác, không phụ thuộc vào con người sẽ giúp phát hiện chính xác những người có nguy cơ mắc Covid-19 trong đám đông và cung cấp các phân tích, thống kê cảnh báo về các khu vực bất thường, có nguy cơ lọt dịch ra cộng đồng, cho các nhà quản lý.

(Nguồn: VITAS)

– Kiểm soát F1, F2 cách ly tại nhà

Giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối vừa thu thập dữ liệu về những người thuộc diện cách ly, vừa phân tích và báo cáo tình hình bệnh nhân tại các khu cách ly theo thời gian thực. Khi đặt kiosk giám sát tại cửa ra vào các tòa nhà, khu dân cư,… phần mềm phân tích thống kê dùng trí tuệ nhân tạo sẽ cảnh báo các khu vực bất thường và nguy cơ có người rời khỏi các khu vực cách ly. Khi giải pháp này được áp dụng trên diện rộng, ngay cả những người đã bỏ trốn khỏi khu cách ly, khi đến nơi khác cũng sẽ bị nhận diện ngay. Đây là một điểm ưu việt, đảm bảo hỗ trợ tốt cho chủ trương cách ly F1 tại nhà, ở những địa phương có số ca bệnh đông, lượng F1, F2 lớn. Theo GS.TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM), giải pháp này rất có ý nghĩa, bởi việc cách ly tại nhà cho F1 vẫn là một thách thức: chỉ cần một người lọt ra ngoài, là trong xã hội có thể xuất hiện thêm ổ dịch mới.

Kiosk giám sát thân nhiệt, nhận diện khuôn mặt
(Nguồn: Khoa học & Đời sống)

Khi đặt kiosk tại các khu cách ly, hệ thống sẽ tự động đo thân nhiệt của bệnh nhân, hình thành biểu đồ nhiệt theo thời gian và tạo lập báo cáo hàng ngày theo đúng các mẫu biểu đã được Chính phủ quy định. Quá trình này hoàn toàn tự động, không cần có người đi gặp trực tiếp bệnh nhân, tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo. Theo nhiều chuyên gia, việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp kiểm soát hiệu quả các nhóm đông người, vốn thường thấy tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu,...đồng thời, có thêm tác dụng tuyên truyền nâng cao tính tự giác chấp hành của cộng đồng, vốn là yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống Covid-19.

Có thể nói, với việc triển khai nghiên cứu giải pháp “Giám sát cộng đồng thông minh”, TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối để tạo ra hệ thống đo nhiệt độ không tiếp xúc hỗ trợ sàng lọc với cơ chế cảnh báo sớm. Đây là giải pháp rất phù hợp với chủ trương giảm thiểu cách ly tập trung, tăng cường cách ly tại nhà và kiểm soát đám đông của Chính phủ hiện nay. Giải pháp này vừa cho phép duy trì được các hoạt động xã hội, hoạt động kinh tế, vừa cách ly được bệnh nhân một cách hiệu quả, an toàn; góp phần nhanh chóng “bình thường hóa” các hoạt động thường nhật, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế và an sinh, an toàn xã hội.

Thu Hà

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Ủy ban nhân dân TP.HCM: Thông báo Kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19.
[2] Bộ Y tế: Giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng, chống và truy vết COVID-19 https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6851640-34
[3] Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học & Công nghệ TP.HCM: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo phòng ngừa dịch Covid-19 https://cesti.gov.vn/bai-viet-chi-tiet/fe6b5d65-aa12-4372-b68c-ac9e6f7d0154/CTDS1/ay-manh-ung-dung-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-phong-ngua-dich-covid-19

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập