Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương (FTA) đang dành cho Việt Nam khá nhiều ưu đãi về thuế quan. Lợi dụng cơ hội này, một số sản phẩm của nước ngoài đã tăng cường “núp bóng” hàng nội, giả xuất xứ, để thu lợi, chèn ép các doanh nghiệp chân chính trong nước. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

 

Khi xuất xứ Việt Nam là một yếu tố giúp gia tăng lợi nhuận

Việt Nam đang là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia (qua các FTA), nên nhiều mặt hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan lớn. Đây chính là “mỏ vàng” mà nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa nhập khẩu (hoặc gia công) tại nước ngoài nhưng lại gắn mác “Made in Viet Nam” để gian lận, hưởng lợi từ các FTA và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Có thể thấy rõ nhất là các loại hàng hóa từ Trung Quốc. Do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nếu xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ, hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế khá cao, từ 7,5-25%, tùy theo từng mặt hàng. Nhưng nếu các loại hàng hóa này được gắn nhãn mác của Việt Nam, việc nhập khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan rất lớn (Bảng 1).

Bảng 1: So sánh mức thuế của một số nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ Việt Nam và Trung Quốc (theo biểu thuế USTR, USITC, ITA). Nguồn: haiquanonline.com.vn

Năm 2020, Tổng cục Hải quan đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu. Phần lớn các loại mặt hàng này đều là hàng xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn của Việt Nam như gỗ, thép, linh kiện điện tử,…Nghiêm trọng hơn, thị trường xuất khẩu mà các hành vi gian lận nhắm tới là những thị trường lớn, đối tác tiềm năng của chúng ta như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc.

Phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa rất đa dạng. Phổ biến là nhập hàng đã in sẵn dòng chữ "Made in Vietnam" trên sản phẩm, bao bì, phiếu bảo hành; ghi địa chỉ trụ sở tại Việt Nam bằng tiếng Việt rồi xuất khẩu. Có doanh nghiệp (DN) nhập tơ tằm của Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác, bao bì bằng tiếng Việt và xuất đi Ấn Độ, hưởng mức thuế nhập khẩu vào Ấn Độ chỉ 5% (thay vì 25%, đối với tơ tằm xuất xứ Trung Quốc).

Hành trình cho tơ tằm Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Ấn Độ
(Nguồn: acf.org.vn)

Một số trường hợp, DN chỉ thực hiện một vài công đoạn đơn giản tại Việt Nam rồi dán mác “Xuất xứ Việt Nam” vào hàng hóa và xuất khẩu. Điển hình như một DN đặt tại Bình Dương đã nhập toàn bộ linh kiện, thiết bị xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc, thực hiện lắp ráp đơn giản rồi bao gói. Khi xuất khẩu “sản phẩm Việt” này sang thị trường Mỹ, thuế suất nhập khẩu chỉ 5-10%, giảm đến 65-70% so với mức thuế phải nộp cho hàng hóa từ Trung Quốc (75%). Với việc gian lận này, DN không chỉ trốn được số tiền thuế rất lớn, mà còn gián tiếp giết chết các DN Việt cùng ngành, nếu cũng xuất khẩu vào Mỹ.

Một số dịch vụ vận chuyển cũng lợi dụng hình thức “tạm nhập - tái xuất” để trung chuyển hàng ngoại nhập, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu.

Việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất, nhập khẩu là những điều cấm kỵ trong thương mại quốc tế, dễ bị các quốc gia nhập khẩu khởi xướng điều tra hay kiện tụng phòng vệ thương mại và áp dụng các biện pháp chế tài rất nặng. Thực tế cho thấy, hàng hóa Việt Nam trong vài năm gần đây liên tiếp phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada. Tính đến tháng 9/2020, tổng số vụ việc về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã gần gấp đôi so với năm 2019, phần lớn tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như sắt thép, nhôm, gỗ.

 

TP.HCM đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ

Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, Thành phố đã tổ chức lực lượng theo hướng tập trung, chuyên sâu, có phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực để đảm trách; chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cụ thể như tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế,...; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh các mặt hàng; điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Các cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát thị trường tại Thành phố như Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường có nhiều chuyển động mạnh mẽ. Với quyết tâm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Cục Hải quan tăng cường công tác kiểm soát, đấu tranh, phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận, giả mạo xuất xứ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp. Qua đó, đã xác định được các dấu hiệu rủi ro đối với 150 DN, 17 nhóm hàng hóa trọng điểm có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, vi phạm hữu trí tuệ (gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thiết bị thể thao, nội thất,...); phát hiện các vụ việc thiết kế và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trái phép cho DN để xuất khẩu hàng hóa đi 27 quốc gia, thu lợi bất chính. Gần đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn đã phát hiện hàng chục container gạo (xuất xứ Ấn Độ) có dấu hiệu giả mạo gạo Việt Nam để xuất khẩu. Cục Quản lý thị trường cũng tăng cường các công tác kiểm tra, kiểm soát; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác Việt Nam để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng.

Có thể thấy, chống gian lận xuất xứ là yêu cầu rất cấp bách, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban ngành để phân tích, tổng hợp thông tin xuất, nhập khẩu và đưa ra các cảnh báo kịp thời. Ngoài ra, để công tác phòng chống gian lận nguồn gốc xuất xứ hiệu quả hơn, cần có thêm nhiều công cụ kiểm soát hỗ trợ bằng công nghệ số, ví dụ như mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc tích hợp công nghệ chống hàng giả; công nghệ thông minh kiểm soát hành trình vận chuyển, lưu thông hàng hoá, nhất là với các loại hàng hóa chuyển khẩu, tạm nhập-tái xuất,...

Vân Anh

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Hải Liên. Tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tang-cuong-cong-tac-dieu-tra-xu-ly-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-1491876272
[2] Hải Linh . Ngành Hải quan: Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu và gian lận xuất xứ. http://hqhcm.gov.vn/ng%C3%A0nh-h%E1%BA%A3i-quan-quy%E1%BA%BFt-li%E1%BB%87t-%C4%91%E1%BA%A5u-tranh-ch%E1%BB%91ng-bu%C3%B4n-l%E1%BA%ADu-v%C3%A0-gian-l%E1%BA%ADn-xu%E1%BA%A5t-x%E1%BB%A9.aspx
[3] Thái Bình. Chống gian lận xuất xứ, 150 doanh nghiệp vào “tầm ngắm”. https://haiquanonline.com.vn/chong-gian-lan-xuat-xu-150-doanh-nghiep-vao-tam-ngam-147042.html
[4] Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa từ kiểm tra sau thông quan. https://www.customs.gov.vn/Lists/TinHoatDong/ViewDetails.aspx?ID=30498&Category=Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt
[5] Thanh Phong. Chủ động phòng tránh nguy cơ gạo Ấn Độ “đột lốt” xuất xứ Việt Nam. https://etime.danviet.vn/chu-dong-phong-tranh-nguy-co-gao-an-do-dot-lot-xuat-xu-viet-nam-20210526172333527.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập