Tháng 5/2021 sẽ được nhiều người dân Thành phố ghi nhớ, khi sau nhiều ngày sống trong an toàn nhờ những giải pháp rất hiệu quả trong phòng chống Covid-19 của Chính quyền, đã xuất hiện những ca nhiễm của làn sóng Covid-19 thứ 4. Khởi phát là Chuỗi lây nhiễm thứ nhất, biến chủng B.1.167.2 (biến chủng Delta - Ấn Độ), đã lần lượt hình thành 4 chuỗi lây nhiễm tại Thành phố. Trong đó, bùng phát mạnh nhất là Chuỗi lây nhiễm thứ ba, liên quan đến hoạt động của Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng tại Quận Gò Vấp. Hậu quả, toàn thể người dân TP.HCM lại phải đối mặt với giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Quận Gò Vấp cùng Phường Thạnh Lộc (Quận 12) phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh cả nước đã vượt mốc 6.000 ca nhiễm cuối tháng Năm (trong đó Bắc Giang đã vượt 2.000 ca và tại Thành phố, riêng Chuỗi lây nhiễm số ba đã vượt hơn 200 ca), càng thấy rõ việc ứng dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin (CNTT), vào phòng chống dịch bệnh là rất cần kíp. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan. Hệ quả là ngày càng nhiều người truy cập internet để tiếp cận nhanh các thông tin liên quan đến dịch bệnh. Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các giải pháp CNTT để cập nhật thông tin, cảnh báo cho người dân và kịp thời truy vết các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các giải pháp áp dụng cho cá nhân (Bluzone, nCovi,…) hay trang bị tại các địa điểm công cộng (hệ thống QRCode, bản đồ chống dịch an toàn Covid-19,…) đã phát huy được hiệu quả, góp phần thông tin kịp thời hơn cho các cơ quan phòng chống dịch để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Đóng góp vào quá trình phòng chống đại dịch Covid-19 của quốc gia, giới khoa học, doanh nghiệp KH&CN tại Thành phố đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp công nghệ nhanh chóng được ứng dụng vào thực tiễn như: máy rửa tay khử khuẩn tự động cho bác sĩ; thiết bị kiểm soát vi sinh, bụi mịn đầu vào (air shower); máy thở xâm lấn đơn giản hay buồng điều trị áp lực âm dạng container, module đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến; phần mềm GIS quản lý tình hình dịch bệnh,…Gần đây nhất, giải pháp "Giám sát cộng đồng thông minh" tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và vạn vật kết nối (IoT), tạo nên hệ thống đo nhiệt độ không tiếp xúc và sàng lọc với cơ chế cảnh báo sớm, cho phép “kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực có nguy cơ cao” và “kiểm soát F1, F2 cách ly tại nhà” cũng vừa được các nhà khoa học giới thiệu. Hệ thống tự động thu thập dữ liệu về những người thuộc diện cách ly và phân tích, báo cáo tình hình bệnh nhân tại các khu cách ly (không tiếp xúc, không lây nhiễm chéo) theo thời gian thực, giúp quản lý tốt hơn các nhóm đối tượng cần giám sát, cách ly trong điều kiện dịch bệnh đang bùng phát, số người lây nhiễm và liên quan (F1, F2) đang gia tăng nhanh chóng. Khả năng “kiểm soát F1, F2 cách ly tại nhà” là công cụ tốt, đáp ứng chủ trương cách ly F1 tại nhà một cách hiệu quả, an toàn (ở những địa phương có số ca bệnh đông, lượng F1, F2 lớn) mà vẫn duy trì được các hoạt động thường nhật, tạo điều kiện phát triển kinh tế và an sinh xã hội trong điều kiện “bình thường mới”. Giải pháp này càng hứa hẹn phát huy cao độ hiệu quả, trong bối cảnh các cơ sở cách ly đang dần quá tải, các cơ quan phòng chống dịch đang rất “vất vả” trong việc quản lý, giám sát việc lây nhiễm trong cộng đồng, và cả trong các khu vực cách ly, như hiện nay.
Có thể nói, những chủ trương, quyết sách của Thành phố trong định hướng phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) từ rất sớm, với các chương trình như: Chương trình Phát triển CNTT-TT giai đoạn 2016-2020; Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM, Chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giai đoạn 2020-2030 và mới nhất là Chương trình Hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm CNTT-TT giai đoạn 2020-2030…là những nền tảng, tiền đề, bệ phóng tốt, giúp kiến tạo nhiều “trái ngọt” như phần mềm GIS quản lý ca bệnh, vùng dịch; giải pháp giám sát cộng đồng thông minh,…không chỉ phục vụ tốt cho nhu cầu của Thành phố, mà còn có thể ứng dụng, nhân rộng sang các địa phương khác, đóng góp thiết thực vào công cuộc phòng chống Covid-19 của cả nước.
BBT