Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Những đột phá công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước đều phải có những động thái phù hợp. Là thành phố lớn, năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đang tiên phong xây dựng Chính quyền số, đổi mới toàn diện phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền.

 

Chính quyền số

Khi bàn về Chính phủ số, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), đó là Chính phủ “sử dụng dữ liệu để ra quyết định và coi dữ liệu như là một loại tài nguyên mới. Chính phủ số chuyển đổi cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên các báo cáo bản giấy sang dựa trên dữ liệu phân tích, định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đó là sự kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước, để người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp cộng đồng có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp thêm các dịch vụ mới”.

Về bản chất, Chính quyền số là hình thức Chính phủ số, được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương, với toàn bộ hoạt động được đưa lên môi trường số, không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ (dựa trên công nghệ số và dữ liệu) và cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.

Xây dựng Chính quyền số là giải pháp cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các dịch vụ công của Chính quyền số cho phép người dân sử dụng thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Từ kinh nghiệm xây dựng Chính quyền số của một số nước trên thế giới, có thể thấy rằng, chưa có một mô hình mẫu để áp dụng cho tất cả các quốc gia. Tùy theo đặc điểm địa lý, số lượng, mật độ dân cư,…mỗi nước, mỗi khu vực sẽ có những mô hình phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý tại địa phương. Điểm chung trong bộ máy Chính quyền số ở các nước thường là tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng trung gian, đảm bảo tính nhanh nhạy. Đây cũng là định hướng của TP.HCM khi xây dựng Chính quyền số nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thành phố, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

 

Chính quyền số - Đô thị thông minh TP.HCM (Nguồn:hochiminhcity.gov.vn)

TP.HCM cũng đã ban hành các kế hoạch tổng thể, giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của Thành phố để kiến trúc Chính quyền điện tử, Chính quyền số, phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh.

 

Xây dựng Chính quyền số tại TP.HCM

Luôn xác định “lấy người dân làm trung tâm để phục vụ”, thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp như: Cổng dịch vụ công Thành phố; Hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai; Cổng 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin về trật tự đô thị, vỉa hè, giao thông; Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục; Cổng thông tin hệ thống thoát nước; Cổng thông tin quy hoạch… Năm 2020, lượng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt khoảng 1,8 triệu hồ sơ, tập trung ở các lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp, tư pháp, hộ tịch, y tế, hải quan và xuất nhập cảnh.

Để hỗ trợ cho hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, góp phần xây dựng Chính quyền số, Thành phố đã triển khai HCM LGSP, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan nhà nước của TP.HCM và kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành (thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia). Nền tảng này cho phép khai thác và đồng bộ dữ liệu từ kho dữ liệu dùng chung. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần, khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Thành phố. Nền tảng HCM LGSP cũng kết nối thanh toán điện tử, dịch vụ bưu chính để chuyển phát hồ sơ và thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính… mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

 

Nếu như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu HCM LGSP và kho dữ liệu dùng chung đóng vai trò là công cụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, thì dữ liệu là yếu tố đầu vào, mang tính quyết định cho việc phát triển thành công Chính phủ số. Do vậy, công tác số hóa hồ sơ tác nghiệp được ưu tiên triển khai mạnh tại các cơ quan nhà nước, hình thành hệ thống dữ liệu cung cấp cho kho dữ liệu dùng chung, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, ngày 23/2, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo lập dữ liệu mở, cho phép dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, hướng đến Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Kế hoạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền. Chẳng hạn, phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 của TP.HCM vừa qua đã được triển khai từ Ủy ban bầu cử Thành phố đến Thành phố Thủ Đức, 21 quận, huyện và 312 phường, xã, thị trấn. Phần mềm cho phép lập danh sách cử tri, in thẻ cử tri; báo cáo biến động cử tri, tiến độ cử tri đi bầu các cấp; tổng hợp kết quả bầu cử, lập các báo cáo của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử…, giúp tổ chức, tra cứu thông tin, theo dõi, chỉ đạo, điều hành công tác bầu cử đơn giản, nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn.

Gần đây, để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ quận, huyện và doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành chuyển đổi số, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Kết nối cung cầu giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số”.

 

Hội nghị trực tuyến “Kết nối cung cầu giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số”
vào ngày 28/05 (Nguồn: dost.hochiminhcity.gov.vn)

Tại Hội nghị, các cơ quan quản lý cấp quận, huyện đã thông tin về những nhu cầu thực tế trong công tác quản lý, điều hành liên quan đến chuyển đổi số, ví dụ như nhu cầu quản lý hoạt động của các chợ truyền thống (cần quản lý số lượng điểm kinh doanh theo sơ đồ tại chợ; các chủng loại hàng hóa tại từng điểm kinh doanh; cung cấp, cập nhật thông tin cho người dân và khách du lịch tham quan, liên hệ mua sắm…), hay nhu cầu về “Công cụ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục cấp mới, thay đổi, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh - Chatbot” để phục vụ người dân 24/7,...Đây chính là những “đầu bài” đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ để có những đầu tư, nghiên cứu phù hợp, đáp ứng các bài toán quản lý thực tiễn.

Được UBND Thành phố giao tham mưu các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số, như: Kế hoạch phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ phục vụ chuyển đổi số, Quy chế hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo (sandbox), Hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số,... Sở KH&CN TP.HCM đang kiến tạo nhiều hoạt động cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương với các doanh nghiệp công nghệ, thông qua các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhằm tạo ra những mô hình chuẩn để triển khai trên địa bàn.

Có thể nói, với những cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, TP.HCM đang có những bước đi vững chắc trong quá trình hình thành Chính quyền số. Tuy đã đạt được một số thành quả nhất định bước đầu, nhưng đây là một quá trình lâu dài, đầy cam go, rất cần sự nổ lực, chung tay góp sức của toàn xã hội.

Như Hà

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Minh Thư. TPHCM xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh. https://hochiminhcity.gov.vn/-/tphcm-nang-cao-hieu-qua-chuyen-oi-so-thuc-ay-qua-trinh-xay-dung-chinh-quyen-ien-tu-phat-trien-o-thi-thong-minh
[2] Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 – 2025. https://hochiminhcity.gov.vn/-/phe-duyet-ke-hoach-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-hoat-ong-cua-co-quan-nha-nuoc-phat-trien-chinh-quyen-so-va-bao-am-an-toan-thong-tin-mang-giai-oa
[3] Minh Hiệp. TPHCM triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác bầu cử. https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/tphcm-trien-khai-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-phuc-vu-cong-tac-bau-cu-1491877563
[4] TP.HCM tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến với nền tảng LGSP. https://egov.mic.gov.vn/-/tp-hcm-tang-kha-nang-cung-cap-dich-vu-cong-truc-tuyen-voi-nen-tang-lgsp
[5] Mạnh Hòa. TP.HCM chuyển đổi số - đổi mới toàn diện hoạt động bộ máy. https://www.sggp.org.vn/tphcm-chuyen-doi-so-doi-moi-toan-dien-hoat-dong-bo-may-671424.html

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập