Vaccine là phương thức hữu hiệu nhất giúp gia tăng khả năng miễn dịch của con người, do đó, việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là giải pháp căn cơ, nhất là trong các tình huống dịch bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu và sản xuất vaccine lại rất phức tạp, đòi hỏi nhiều chi phí, yêu cầu trình độ công nghệ cao và rất khắt khe trong kiểm soát chất lượng. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ vẫn luôn là một thách thức lớn.
Nghiên cứu đầu tiên về vaccine gắn với tên tuổi của Edward Jenner, một bác sĩ người Anh, người đầu tiên sử dụng chủng ngừa để ngăn chặn dịch bệnh đậu mùa ở phương Tây vào năm 1796. Từ kết quả ban đầu này, cuối thế kỷ 18, Louis Pasteur đã tiếp tục thử nghiệm và xác nhận các giả thuyết của Jenner, mở đường cho ngành miễn dịch học hiện đại. Vaccine dần trở thành “vũ khí” hàng đầu của nhân loại để chống lại các loại virus, và đến nay đã giúp xóa sổ nhiều căn bệnh nguy hiểm như đậu mùa, bại liệt,...; giảm tỷ lệ mắc các loại bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván,...
Về công nghiệp sản xuất vaccine
Quá trình phát triển và sản xuất một loại vaccine mới có thể mất nhiều thập kỷ. Ngoài những thách thức lớn về khoa học, phát triển vaccine còn đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí và thời gian nghiên cứu, trong đó, đầu tư cơ sở vật chất và nghiên cứu phát triển chiếm phần lớn trong kinh phí sản xuất vaccine (Bảng 1).
Bảng 1. Chi phí sản xuất vaccine
Nguồn: Tổng hợp và biên dịch từ nghiên cứu “Sự phức tạp và chi phí của việc sản xuất vaccine” (Plotkin và cộng sự, 2017)
Sản xuất vaccine là một trong những ngành công nghiệp khó thành công, vì không chỉ chi phí sản xuất tốn kém, cần đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, mà còn phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe để đảm bảo chất lượng và an toàn đối với sức khỏe con người. Việc nghiên cứu và phát triển vaccine đòi hỏi rất nhiều bí quyết công nghệ, mà hầu như các bằng sáng chế không bộc lộ, vì những bí quyết này tốn nhiều chi phí và thời gian mới có được. Bên cạnh đó, nhiều nguy cơ phát sinh do biến đổi sinh học trong quá trình nghiên cứu cũng khiến cho việc sản xuất vaccine khó khăn hơn so với các dược phẩm thông thường. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số nhà sản xuất vaccine trên thế giới khá ít, mặc dù nhu cầu về nhiều loại vaccine vẫn chưa được đáp ứng. |
“Báo cáo thị trường vaccine toàn cầu” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào tháng 12/2020 cho thấy, giá trị thị trường vaccine toàn cầu ước tính đạt khoảng 33 tỷ USD vào năm 2019 (chiếm khoảng 2% thị trường dược phẩm), tăng gần 2 lần so với năm 2008 [1]. Trong đó, 4 nhà sản xuất lớn tại các nước phát triển kiểm soát đến 90% giá trị của vaccine toàn cầu theo thứ tự là GSK (Anh), Pfizer (Mỹ), Merck (Đức) và Sanofi (Pháp). 5 loại vaccine có giá trị nhượng quyền thương mại cao nhất trong năm 2019 là: PCV (vaccine phế cầu khuẩn), D&T-containing (vaccine bạch hầu – uốn ván), HPV (vaccine phòng ung thư cổ tử cung), seasonal influenza (vaccine cúm mùa) và shingles (vaccine giời leo) (Hình 1). |
Hình 1. Top 15 vaccine có giá trị nhượng quyền thương mại cao nhất toàn cầu năm 2019 (Nguồn: Báo cáo thị trường vaccine toàn cầu của WHO) |
Chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine
Theo ước tính của WHO, có đến 1,7 triệu ca tử vong hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi là do các loại bệnh có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng thông thường. Ngoài việc trẻ em không được tiêm các loại vaccine cơ bản, còn có sự bất bình đẳng rất lớn trong việc tiếp cận nguồn vaccine mới, giữa trẻ em ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. Do đó, WHO đã thúc đẩy các hoạt động nhằm khuyến khích phát triển các loại vaccine và cải thiện khả năng tiếp cận với vaccine ở các nước đang phát triển để chống lại các loại bệnh tật liên quan đến đói nghèo và lạc hậu. Giải pháp là tăng cường chuyển giao công nghệ: chia sẻ kiến thức từ những tổ chức/quốc gia có bí quyết sản xuất vaccine cho những tổ chức/quốc gia đang phát triển (không có bí quyết). Tuy nhiên, việc này cũng còn phụ thuộc vào cả năng lực tiếp thu của các tổ chức/quốc gia tiếp nhận và khả năng chuyển đổi vào thực tiễn sản xuất vaccine.
Vào cuối thế kỷ XX, công nghệ sản xuất nhiều loại vaccine cơ bản đã bắt đầu được chuyển giao cho các nước đang phát triển để gia tăng khả năng tiếp cận với vaccine, nhờ đó, sức khỏe người dân đã được cải thiện rõ rệt. Việc xem xét, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thường được cân nhắc đối với các căn bệnh có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu nhưng chỉ có một số ít các nhà sản xuất ở các nước phát triển có khả năng sản xuất. Một số chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine theo hướng này có thể kể đến như:
- Vaccine Hib liên hợp (ngừa bệnh viêm phổi và viêm màng não) được cấp phép lần đầu vào năm 1987, nhưng cho đến năm 1998 vaccine này không được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển. Từ năm 1998 đến 2001, một số hoạt động chuyển giao công nghệ đã được thực hiện, từ Viện vaccine Hà Lan (NVI) cho 3 nhà sản xuất ở Ấn Độ và từ GlaxoSmithKline (GSK, Bỉ) cho một nhà sản xuất ở Brazil. Kết quả là sản lượng tăng và giá vaccine giảm rõ rệt. Các nghiên cứu dịch tễ của WHO đã cho thấy, căn bệnh này phổ biến ở nhiều quốc gia. Cùng với sự hỗ trợ tài chính từ GAVI [2] cho các nước nghèo, vaccine đã được đưa vào chương trình tiêm chủng của nhiều quốc gia.
- Vaccine viêm gan B tái tổ hợp: được hai công ty dược phẩm là GSK và Merck giới thiệu ở các nước phát triển từ năm 1983. Trong hơn một thập kỷ, giá mỗi liều vaccine lên đến 100 USD, các nước đang phát triển khó có điều kiện tiếp cận. Cuối những năm 1990, việc chuyển giao công nghệ cho Hàn Quốc, Ấn Độ và Brazil đã giúp giảm giá mỗi liều vaccine còn 5-7 USD. Sự gia tăng nguồn cung và hỗ trợ tài chính từ GAVI đã giúp giảm giá vaccine xuống dưới 0,3 USD/liều, nên vaccine này đã được đưa vào hầu hết các chương trình tiêm chủng quốc gia.
- Vaccine viêm màng não (chống lại một số chủng viêm màng não bao gồm: A, C, A và C, W và Y): được giới thiệu vào cuối những năm 1990 ở một số nước châu Âu, nhưng không được triển khai ở các nước châu Phi cận Sahara, nơi dịch bệnh viêm màng não A đang hoành hành. Nhà sản xuất (ở các nước tiên tiến) không muốn phát triển loại vaccine cho người dân ở khu vực này với mức giá dưới 0,5 USD/liều. Do đó, WHO đã phối hợp với PATH [3] để tạo điều kiện thuận lợi, giúp chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII). Vaccine này được kiểm định chất lượng và đưa vào sử dụng với giá dưới 0,5 USD/liều.
Việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine giúp gia tăng năng lực sản xuất toàn cầu, tạo ra nhiều vaccine, với giá rẻ hơn, giúp vaccine dễ dàng tiếp cận đối với đại đa số dân chúng, nhất là người dân các nước khu vực đang phát triển. Chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine chính là giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ ngăn ngừa và chặn đứng các thảm họa nhân đạo do dịch bệnh gây ra đối với nhân loại.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
– Department of Economic and Social Affairs (United Nations). Digital technologies critical in facing COVID-19 pandemic: https://www.un.org/en/desa/digital-technologies-critical-facing-covid-19-pandemic
– Plotkin et al. (2017). The complexity and cost of vaccine manufacturing. Vaccine
– World Health Organization. (2011). Increasing access to vaccines through technology transfer and local production. World Health Organization.
– World Health Organization. (2020). Global vaccine market report. World Health Organization