Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng, gây nhiều tổn thất, cả về sinh mạng con người, cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, bên cạnh những nghiên cứu chủ động để sản xuất nội sinh vaccine phòng Covid-19, vấn đề tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài cũng đang được Chính phủ quan tâm thúc đẩy.
Các phương thức chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine
Theo nghiên cứu của WHO về “Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine thông qua chuyển giao công nghệ và sản xuất tại địa phương” năm 2011, việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trong các giai đoạn khác nhau của tổ chức nghiên cứu, từ giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D), thông qua các quy trình thử nghiệm, đến chuyển giao quy trình sản xuất quy mô lớn. Trong các phương thức chuyển giao công nghệ, việc chuyển giao công nghệ từ giai đoạn thử nghiệm là phổ biến nhất, kế đến là chuyển giao các quy trình sản xuất quy mô lớn (Hình 1).
Hình 1. Phương thức và cơ chế chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine
Nguồn: Tổng hợp và biên dịch từ báo cáo “Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine thông qua chuyển giao công nghệ và sản xuất tại địa phương” của WHO năm 2011
Chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho các nước đang phát triển đã góp phần đáng kể trong việc tăng nguồn cung cấp và khả năng tiếp cận với nhiều loại vaccine. Mặc dù chuyển giao công nghệ thường giúp cho giá vaccine giảm mạnh, nhưng với một số loại vaccine cơ bản, có thể gây tác dụng ngược: khi thị trường có thêm các nhà sản xuất mới, nguồn cung vaccine có thể sớm vượt quá nhu cầu. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty dược phẩm lớn, khiến các công ty này không mặn mà với việc tiếp tục nghiên cứu, cải tiến vaccine.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của WHO năm 2011, đối với cả 2 bên chuyển giao công nghệ và nhận chuyển giao, rào cản lớn nhất trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là năng lực R&D ở các nước đang phát triển còn yếu. Việc các nhà sản xuất không đầu tư vào R&D và các chính phủ không tạo môi trường thuận lợi về cơ sở hạ tầng nghiên cứu, sẽ khiến cho việc chuyển giao công nghệ ít có khả năng thành công.
Thật vậy, năng lực nghiên cứu và sản xuất đến nay vẫn là một thách thức đối với các nước đang phát triển. Đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng trên toàn thế giới, một số quốc gia đã đề xuất với WTO về việc tạm miễn trừ bản quyền sáng chế (theo các điều khoản trong Hiệp định TRIPS của WTO năm 1995) đối với các loại vaccine phòng Covid-19, để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế, giúp tăng thêm lượng vaccine tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn đến nay vẫn phản đối gay gắt đề xuất này và cho rằng, việc miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine Covid-19 sẽ tạo tiền lệ đe dọa sự đổi mới, cải tiến trong tương lai. Đồng thời, họ nhấn mạnh rằng bản quyền đối với vaccine không phải là rào cản chính ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất, mà vấn đề là các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vẫn thiếu năng lực sản xuất, công nghệ, kỹ năng và nguyên liệu đầu vào để sản xuất vaccine đủ chất lượng. Chẳng hạn, vaccine Pfizer/BioNTech yêu cầu 280 thành phần khác nhau, có nguồn gốc từ 86 nhà cung cấp trên khắp thế giới; quy trình sản xuất đòi hỏi thiết bị chuyên dụng cao và công nghệ chuyển giao phức tạp. Còn vaccine của Moderna, mặc dù không áp dụng quy định về sáng chế (các cơ sở hoặc hãng dược khác có thể sản xuất vaccine này), nhưng việc chuyển giao kỹ năng và công nghệ mRNA hoàn toàn không đơn giản. Vấn đề thiếu năng lực sản xuất và khả năng tiếp nhận công nghệ có thể gây ra các sự cố, khiến các lô vaccine không đảm bảo chất lượng, tác động nghiêm trọng đến niềm tin vào vaccine và quá trình xây dựng miễn dịch cộng đồng với vaccine. |
Hình 2. Bên trong nhà máy sản xuất vaccine của Pfizer/BioNTech tại Đức (Nguồn: TIME) |
Nhu cầu về vaccine Covid-19 và khả năng sản xuất tại Việt Nam
Là một trong những quốc gia có dân số khá lớn trên thế giới (96 triệu người, theo số liệu thống kê năm 2019), thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng, nâng cao miễn dịch cộng đồng trong cả nước, Bộ Y tế đã tiến hành đàm phán với các hãng dược lớn trên thế giới để gia tăng lượng vaccine cung cấp cho người dân. Dự kiến, sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine về Việt Nam trong năm 2021 (trong đó: 5 triệu liều Moderna, 20 triệu liều Sputnik V, 30 triệu liều AstraZeneca, 31 triệu liều Pfizer/BioNTech, 38,9 triệu liều được COVAX tài trợ). Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới vốn không dễ dàng và việc tiêm vaccine vẫn phải tiến hành định kỳ lâu dài. Do đó, việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, nhất là khi virus liên tục biến đổi; nhiều loại dịch bệnh khác cũng có thể tiếp tục xuất hiện trong tương lai,...đang là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với các Bộ, ngành.
Hiện tại, Việt Nam đang nghiên cứu và phát triển 3 loại vaccine phòng Covid-19 ở mức độ thử nghiệm lâm sàng, là vaccine NanoCovax của Công ty Nanogen, vaccine Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và vaccine của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Trong đó, NanoCovax đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 (từ tháng 6 đến giữa tháng 8/2021). Nếu kết quả thuận lợi, vaccine này sẽ được sản xuất đại trà, quy mô dự kiến khoảng 20-30 triệu liều/năm (có thể nâng thêm công suất, khi được đầu tư). |
Hình 3. Vaccine Nanocovax (Nguồn: VNExpress) |
Bên cạnh đó, vấn đề nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 từ nước ngoài cũng rất được quan tâm. Để thúc đẩy quá trình này, Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19 đã được thành lập. Qua đó, Việt Nam đã đạt được một số đàm phán chuyển giao công nghệ quan trọng. Có thể kể đến, như ký thỏa thuận (ngày 12/6) giữa VABIOTECH và Quỹ đầu tư trực tiếp (Liên bang Nga) về việc đóng ống vaccine phòng Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng (bắt đầu từ tháng 7/2021), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. Đến ngày 28/6, VABIOTECH đã chính thức tiếp nhận lô bán thành phẩm vaccine Sputnik V đầu tiên từ Nga và sẵn sàng cho hoạt động gia công, đóng ống, đóng gói vaccine tại Việt Nam; ngày 16/6, Bộ Y tế làm việc trực tuyến với Bộ Y tế Cuba về cung ứng vaccine phòng Covid-19 do Cuba sản xuất (vaccine Abdala). Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế được giao là đơn vị đầu mối tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Abdala tại Việt Nam.
Ở khu vực tư nhân, một tập đoàn trong nước cũng đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất (tại Mỹ) về các điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA. Loại vaccine này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất (5 mg), có khả năng bảo vệ cao (theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2). Nhà máy được đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất (có công suất 100-200 triệu liều/năm) dự kiến đi vào sản xuất từ quý 4/2021 (hoặc quý 1/2022).
Có thể thấy, bên cạnh các nỗ lực tự nghiên cứu phát triển vaccine trong nước, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài cũng là giải pháp rất quan trọng hiện nay đối với nước ta. Theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn, trong bối cảnh các quốc gia tiên tiến có thể tạm thời bỏ bản quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ về công nghệ sản xuất vaccine Covid-19, Việt Nam lại là một trong số rất ít các quốc gia có hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine, được WHO công nhận. Nếu nhận được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vaccine Covid-19, Việt Nam hoàn toàn có khả năng và cơ hội sản xuất vaccine, không chỉ chủ động được nguồn vaccine cho nhu cầu của chính mình, mà còn có thể chia sẻ với các quốc gia khác.
Sang Lê
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Bảo Hà. Rào cản lớn trong chuyển giao công nghệ vaccine Covid -19. https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/rao-can-lon-trong-chuyen-giao-cong-nghe-vaccine-covid19-20210606091445867.htm
[2] Hoàng Lộc. Bỏ bản quyền vắc xin Covid-19: Việt Nam có cơ hội lớn. https://tuoitre.vn/bo-ban-quyen-vac-xin-covid-19-viet-nam-co-co-hoi-lon-20210508231545604.htm
[3] Hải Minh. Thủ tướng: "Xây dựng ngay chương trình chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19". https://vnexpress.net/thu-tuong-xay-dung-ngay-chuong-trinh-chuyen-giao-cong-nghe-vaccine-covid-19-4290481.html
[4] T.Nguyên. Việt Nam thúc đẩy sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. https://ncov.moh.gov.vn/en/-/6847426-4595
[5] World Health Organization. (2011). Increasing access to vaccines through technology transfer and local production. World Health Organization