Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Khi sản phẩm, hàng hóa được giao dịch ở cấp độ toàn cầu, việc truy xuất nguồn gốc chính xác là rất quan trọng, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng và các đối tác trong chuỗi cung ứng. Do vậy, hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa cần phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế GS1.

Nguồn: quatest3.com.vn

Truy xuất nguồn gốc (TXNG) là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông sản phẩm (theo dõi, nhận diện được một sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối ra thị trường). Để đáp ứng nhu cầu TXNG của thị trường, các đơn vị cung ứng giải pháp TXNG đã xây dựng nhiều hệ thống TXNG khác nhau. Tuy nhiên, các hệ thống TXNG này còn chưa rõ ràng, khả năng kết nối, tương tác và trao đổi thông tin giữa các bên trong chuỗi cung ứng còn thấp hoặc không có.

Theo Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng), các hệ thống TXNG ở Việt Nam hiện nay thường không có khả năng liên kết với hệ thống TXNG khác, do chưa thống nhất sử dụng các hệ thống mã phân định toàn cầu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Phát triển và duy trì các Tiêu chuẩn toàn cầu về giao tiếp kinh doanh GS1 (The Global Language of Business GS1), mà thường sử dụng các mã phân định có cấu trúc tự đặt dùng trong nội bộ và không có sự quản lý, điều phối chung. Do đó, dễ xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống TXNG khác nhau và gây khó khăn cho việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các hệ thống TXNG khác nhau, khi truy nguyên sản phẩm trước và sau, trong chuỗi cung ứng.

Trước sự thiếu vắng quy chuẩn chung cho các hoạt động TXNG, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Dự thảo bổ sung thêm nội dung về quản lý về TXNG sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống TXNG phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao giá trị, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh việc xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực TXNG (như TCVN 12851:2019 – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống TXNG; TCVN 13274:2020- Hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết trong hệ thống TXNG gốc vật phẩm, hàng hóa dựa trên tiêu chuẩn GS1; TCVN 13275:2020 - Định dạng vật mang dữ quy định về định dạng vật mang dữ liệu để mã hóa các mã truy vết,...), Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia nhằm trao đổi và khai thác thông tin giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị đều theo chuẩn của GS1.

Hình 1: Mô hình Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia
Nguồn: nbc.gov.vn

 

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp GS1

Khi xây dựng hệ thống TXNG trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải đáp ứng cho nhà cung cấp giải pháp TXNG tất cả thông tin liên quan, một cách hệ thống: tên danh mục sản phẩm, danh mục những nguồn nguyên liệu thô để tạo ra những sản phẩm đó, quy trình sản xuất phẩm, quy trình quản lý trong hệ thống phân phối, giấy tờ chứng nhận chất lượng, công bố sản phẩm, mã vạch,…Từ đó, nhà cung cấp giải pháp TXNG sẽ xây dựng quy trình TXNG và tiến hành cấp phát tem truy xuất nguồn gốc cho DN (Hình 2).

Hình 2: Các bước xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm

Để đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn GS1 (GTC) của hệ thống TXNG của doanh nghiệp, cần có xác nhận của GS1 (đại diện tại Việt Nam là GS1 Vietnam - Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia).

Các công đoạn xin xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn GS1 cho hệ thống quản lý TXNG của doanh nghiệp được mô tả như Hình 3.

 

1. DN có nhu cầu đánh giá hệ thống TXNG sẽ liên hệ, đăng ký với GS1 Việt Nam.

 

2. GS1 Việt Nam kiểm tra thông tin đăng ký của DN, lên kế hoạch chuẩn bị đánh giá tại chỗ và gửi kế hoạch đánh giá cụ thể tới DN.

 

3. Các chuyên gia sẽ đánh giá tại các khu vực sản xuất, khu vực sơ chế, kết hợp với xem xét hồ sơ, nhật ký sản xuất, phỏng vấn người lao động và đối chiếu với các yêu cầu chuẩn (GAP, VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, các quy định của pháp luật…).

 

4. Trên cơ sở kết quả đánh giá của chuyên gia, DN tiến hành các biện pháp khắc phục. Chuyên gia thẩm tra xác nhận các hành động khắc phục.

 

5. Hồ sơ của DN sẽ được xét duyệt làn cuối. Nếu đạt yêu cầu, DN sẽ được cấp giấy xác nhận hệ thống TXNG phù hợp với tiêu chuẩn GS1.

Hình 3: Các bước xin xác nhận hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn GS1

Việc kiểm soát trước và sau khi cấp chứng chỉ GS1 rất chặt chẽ. Hoạt động kiểm tra giám sát tối thiểu 1 năm/lần và có thể không báo trước. Nếu hệ thống TXNG bị vi phạm (không đảm bảo hiệu lực), giấy xác nhận sẽ bị đình chỉ.

TXNG tạo điều kiện minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, hàng hóa: cho phép xác minh toàn bộ quá trình, từ khâu gieo trồng (hay nguyên liệu), sản xuất, đến khâu thành phẩm và cung cấp đến tay người tiêu dùng. TXNG theo tiêu chuẩn GS1 giúp các doanh nghiệp gia tăng khả năng tương tác, trao đổi thông tin với các đối tác tham gia trong chuỗi cung ứng, giảm thiểu các mâu thuẫn làm phát sinh chi phí (nếu có). Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường, bên cạnh việc sản phẩm phải luôn đáp ứng tốt nhất các tiêu chí về chất lượng, cần phải đặc biệt quan tâm đến khả năng TXNG cho sản phẩm và đặc biệt, hệ thống TXNG cần đáp ứng các tiêu chuẩn của GS1.

Vân Anh

 

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Lê Anh Hưng – Trần Văn Việt. Cung cấp quy trình pháp lý cho chuỗi truy xuất nguồn gốc với bộ tiêu chí đánh giá GTC. https://tcvn.gov.vn/2021/04/cung-cap-quy-trinh-phap-ly-cho-chuoi-truy-xuat-nguon-goc-voi-bo-tieu-chi-danh-gia-gtc/
[2] Xây dựng nền tảng tin cậy cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm. http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Xay-dung-nen-tang-tin-cay-cho-truy-xuat-nguon-goc-san-pham/434719.vgp
[3] Mai Thuỷ. Xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống truy xuất nguồn gốc. http://nbc.gov.vn/tintuc/xay-dung-tieu-chuan-cho-he-thong-truy-xuat-nguon-goc
[4] Thanh Uyên. Đồng loạt triển khai Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc tại các địa phương. https://tcvn.gov.vn/2021/05/dong-loat-trien-khai-de-an-100-ve-truy-xuat-nguon-goc-tai-cac-dia-phuong/
[5] TPHCM lập bản đồ số về thực phẩm an toàn. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-lap-ban-do-so-ve-thuc-pham-an-toan-1491877301.

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập