Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới nguy hiểm, lây lan nhanh. Tại Việt Nam, số ca nhiễm đang liên tục tăng. Trong bối cảnh này, bên cạnh việc khuyến cáo thực hiện nghiêm 5K, chiến lược tiêm chủng vaccine cho toàn dân một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả đang được Chính quyền đẩy mạnh, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 10/8 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 204.096.215 ca mắc Covid-19. Một số quốc gia Đông Nam Á đang chống chọi với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng. Biến thể Delta đang khiến số ca dương tính, nhập viện và tử vong tăng cao chưa từng thấy. Indonesia là một trong những nước đang chịu hậu quả nặng nề: chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 03-09/08), quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận 223.940 ca dương tính, số ca tử vong cũng không có dấu hiệu giảm. Tại Việt Nam, tính đến chiều ngày 10/8, đã có 228.135 ca nhiễm, trong đó số nhiễm mới ghi nhận trong nước riêng từ 27/4 đã là 224.198 ca.
Vaccine - giải pháp vượt qua cơn khủng hoảng mang tên Covid-19
Trước bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống, nhiều chuyên gia đã nhận định, cho đến giờ, vaccine vẫn là giải pháp tốt nhất để phòng chống Covid-19. Tiêm vaccine trên diện rộng có thể giúp tăng mức độ miễn dịch của cộng đồng. Tức là, khi phần lớn dân số đã nhiễm và khỏi bệnh hoặc đã được tiêm phòng vaccine, thì tác nhân gây bệnh sẽ không còn đủ số lượng cá thể để lây nhiễm, tồn tại và nhân lên để tiếp tục quá trình lây. Đến một thời điểm nhất định, chúng sẽ bị hệ thống miễn dịch của một cá nhân nào đó loại bỏ, trước khi tìm được nơi trú ẩn khác. Theo thống kê, đến đầu tháng 08/2021, một nửa dân số Mỹ đã được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19. Với người Canada là 81% đã được tiêm ít nhất một liều và 68% dân số đã hoàn thành tiêm chủng. Tại châu Á, Singapore đang nhanh chóng bắt kịp tốc độ tiêm chủng của các nước phương Tây. Theo Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 10/7, khoảng 69% trong tổng số 5,7 triệu dân ở Singapore đã được tiêm ít nhất một liều vaccine (tăng gấp đôi so với 2 tháng trước), tỷ lệ người đã tiêm đủ 2 mũi đạt 40%.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất đã diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh, thành, với khoảng 19.500 điểm tiêm chủng. Thông qua chiến dịch, Việt Nam kỳ vọng hết năm 2021 sẽ tiêm vaccine cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên và đến hết quý I/2022 tiêm được hơn 70% dân số. Một trong những điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quy trình tiêm.
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19
Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng. Nền tảng này gồm 4 hệ thống: Sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC).
Trong đó, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 là các hệ thống giúp người dân đăng ký, tra cứu và cập nhật thông tin liên quan đến tiêm chủng, còn Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng Quốc gia cho phép quản lý cơ sở tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm, lập kế hoạch tiêm, triển khai quy trình tiêm, quản lý kho, xuất nhập vật tư vaccine, thống kê tổng hợp báo cáo. Trung tâm đáp ứng (MCC) đảm nhận chức năng cung cấp các thông tin tức thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành chiến dịch tiêm chủng, với các phân hệ: quản lý tiến độ tiêm chủng; quản lý tình hình phân bổ vaccine và quản lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho công nhân tại TP.HCM
(Nguồn: nld.com.vn)
Cơ sở dữ liệu của Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch từ người dân đến các cơ quan quản lý. Đối với ngành y tế, nền tảng này đảm bảo mục tiêu kép, vừa triển khai tiêm chủng nhanh, rộng nhưng vẫn an toàn, hiệu quả, hỗ trợ cho công tác quản lý và giám sát. Đối với các cơ quan của Chính phủ, nền tảng giúp nắm bắt thông tin về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành-logistics theo thời gian thực… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 khi đi vào vận hành đã giúp người dân có thể tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Với việc triển khai từ ngày 21/07, TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng Nền tảng này. Nền tảng đang phát huy tốt tác dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Nhờ Nền tảng, người dân tham gia tiêm chủng nhận tin nhắn mời tiêm (từ Sở Y tế) với các khung giờ và địa chỉ tiêm rõ ràng. Trong nội dung tin nhắn còn có đường dẫn (link) khai báo y tế, cho phép người đi tiêm thực hiện trước khi đến điểm tiêm (trong vòng 24 giờ). Việc hướng dẫn, phân giờ cụ thể giúp rút ngắn thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính trước khi tiêm, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (giãn cách, khai báo y tế và sàng lọc trước khi tiêm).
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử
Là một trong các cấu phần của Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia, ngoài việc cũng cho phép tiến hành đăng ký tiêm chủng vaccine như Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, ứng dụng di động Sổ sức khỏe điện tử còn giúp cho người dân quản lý thông tin sức khỏe bản thân và chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cá nhân. Nhờ vậy, theo ghi nhận của VietNamNet (thời điểm ngày 12/07), ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã xếp top 1 trên bảng xếp hạng các ứng dụng miễn phí phổ biến nhất, ở cả hệ điều hành Android và iOS, với hơn 2,4 triệu lượt tải về. Ứng dụng có những chức năng chính là:
- Đăng ký tiêm vaccine Covid-19: cho phép người dân đăng ký tiêm vaccine một cách nhanh chóng, đơn giản và trực tuyến. Sau khi tải và cài đặt ứng dụng, người dùng cần đăng ký tài khoản (với các thông tin gồm tên, số điện thoại, mật khẩu). Để đăng ký tiêm vaccine, người dùng phải khai báo các thông tin về tiền sử tiêm, thông tin đăng ký và xác nhận đồng ý tiêm chủng. Các thông tin này sẽ được chuyển về cơ quan chức năng để tổng hợp, xếp lịch và thông báo lại cho người dân (qua số điện thoại đã đăng ký) khi có kế hoạch tiêm chủng.
- Cập nhật nhanh các triệu chứng bất thường sau khi tiêm vaccine Covid-19: cung cấp phiếu khảo sát phản ứng sau tiêm cho người dân khai báo, giúp các cơ sở y tế nắm bắt tình hình sức khỏe của người tiêm. Ứng dụng còn giúp kết nối với tổng đài cơ quan y tế để thông báo nhanh, khi gặp các triệu chứng bất thường sau tiêm (thông qua nút gọi ngay trên trang chính ứng dụng).
- Cung cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine Covid-19: sau khi đăng ký thông tin cá nhân trên Sổ sức khoẻ điện tử, hệ thống sẽ tạo ra mã QR Code cá nhân (mã số sức khỏe) với hai màu đen và trắng. Mã này sẽ chuyển sang màu vàng (sau khi người dân được tiêm một mũi vaccine và thông tin này đã được cập nhật vào hệ thống), là màu xanh lá cây, khi hệ thống ghi nhận người dân đã tiêm đủ hai mũi. Người dân có thể quét mã QR Code cá nhân để biết được tình trạng tiêm chủng của mình (số mũi vaccine, chủng loại vaccine) và trình báo khi cần di chuyển qua các điểm kiểm dịch. Theo thống kê của Viettel, đã có gần 3,5 triệu người Việt Nam có chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử.
Những người tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ có QR code chứng nhận màu xanh lá cây
- Kết nối với các thiết bị đo nhịp tim, huyết áp: ứng dụng có thể kết nối với các thiết bị đo chỉ số nhịp tim, huyết áp, giúp người dùng chủ động nắm được tình hình sức khoẻ của mình, cũng như dễ dàng xem lại lịch sử các lần đo trước.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Xét về lâu dài, ứng dụng này tạo ra kênh kết nối người dân với các cơ sở y tế để chia sẻ thông tin về tình hình sức khỏe đến các bác sĩ. Trong tương lai, người dân có thể đặt lịch khám hoặc trao đổi trực tuyến với bác sĩ để được tư vấn, chăm sóc thông qua ứng dụng này.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, việc triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ là giải pháp rất đúng đắn và vô cùng cấp thiết, hỗ trợ cho chiến dịch tiêm chủng có thể diễn ra nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, đẩy nhanh quá trình tiến tới miễn dịch cộng đồng, giúp các hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố, của cả nước sớm có điều kiện trở lại trạng thái bình thường mới. Đây cũng là mong mỏi của tất cả chúng ta.
Như Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Bản tin cập nhật COVID-19 tính đến 06h00 ngày 10/8/2021.https://vncdc.gov.vn/ban-tin-cap-nhat-covid-19-tinh-den-06h00-ngay-1082021-nd16342.html
[2] Đạt mốc tiêm chủng ấn tượng, Singapore vạch lộ trình 'sống chung với Covid-19'. https://cdcquangtri.vn/news/tin-the-gioi/dat-moc-tiem-chung-an-tuong-singapore-vach-lo-trinh-song-chung-voi-covid-19-620.html
[3] Minh Thi. Viettel triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng phòng COVID-19 quốc gia. http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Viettel-trien-khai-nen-tang-quan-ly-tiem-chung-phong-COVID19-quoc-gia/437585.vgp
[4] Huyên Nguyên. Ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng vaccine COVID-19 tại TPHCM: Tiêm nhanh, giảm thủ tục, đảm bảo an toàn. https://laodong.vn/y-te/ung-dung-cong-nghe-trong-tiem-chung-vắc-xin-covid-19-tai-tphcm-tiem-nhanh-giam-thu-tuc-dam-bao-an-toan-922551.ldo
[5] Hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”. http://sotttt.thainguyen.gov.vn/tin-tuc/-/asset_publisher/LgMJqmfcY8Ds/content/huong-dan-cai-at-va-su-dung-ung-dung-so-suc-khoe-ien-tu-l