Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Cuối tháng 7, Việt Nam đã ghi nhận hơn 150.000 bệnh nhân mắc Covid-19. Đây cũng là tháng mà TP.HCM đã vượt xa Bắc Giang, dẫn đầu bảng thống kê tình hình nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, với gần 90.000 ca (chiếm đến 2/3 tổng số bệnh nhân cả nước). Nếu chỉ tính riêng trong tháng 7, đã có hơn 82.000 bệnh nhân mới lây nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố. Một con số mà chỉ mới vài tháng trước đây thôi, ít ai có thể tưởng tượng được.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, số ca nhiễm liên tục gia tăng, việc tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào phòng chống dịch là yêu cầu cấp thiết, được các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh. Theo thông điệp mới của Bộ Y tế “5K + vắc xin”, vaccine được xác định đóng vai trò như chiếc chìa khóa để mở lại cánh cửa “bình thường mới” cho các hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước nói chung và TP.HCM (nơi đang chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch), nói riêng.

 

Trong tháng, đã ghi nhận nhiều giải pháp công nghệ được triển khai, hỗ trợ trực tiếp và đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng vaccine cho người dân. Trong đó, nổi bật là Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, mà đặc biệt là ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, một trong bốn cấu phần của Nền tảng này.

 

Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng (app) trên thiết bị di động, không chỉ đơn thuần hỗ trợ tốt cho khâu đầu tiên - đăng ký tiêm chủng - của công tác tiêm chủng (qua việc thu thập thông tin, xử lý và xếp lịch tiêm cho từng cá nhân theo đăng ký,...), mà còn hỗ trợ người tiêm cập nhật nhanh các triệu chứng bất thường sau tiêm (nếu có). Đây là một điểm nhấn tốt, tăng thêm giao tiếp giữa người tiêm với các cơ quan chuyên môn, vừa giúp các cơ sở y tế nắm bắt nhanh tình hình sức khỏe của người tiêm (để có các ứng phó kịp thời), vừa mang lại cảm giác an tâm cho người tiêm, nhất là khi trên các phương tiện mạng xã hội, nhiều tin giả, tin chưa được kiểm chứng vẫn lan tràn về các tác dụng phụ của vaccine, gây hoang mang cho không ít người dân.

 

Hơn thế, Sổ sức khỏe điện tử cũng cung cấp bằng chứng xác thực về tình hình tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 của người dùng, với các mã nhận diện nhanh (QR Code) theo các màu sắc đặc trưng khác nhau. Tính năng này rất hữu dụng cho người dân, khi cần phải di chuyển (qua các điểm kiểm dịch) trong các hoạt động thường xuyên. Đây cũng là tiền đề giúp cho việc hình thành các “hộ chiếu vaccine” sau này, khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các hoạt động kinh tế, giao thương được phục hồi,...

 

Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Với những giải pháp công nghệ tiên tiến, kịp thời, đáp ứng tốt các yêu cầu từ thực tiễn, ngành KH&CN đang góp phần từng bước thực hiện thành công chiến dịch, chứng minh vai trò then chốt của KH&CN trong các hoạt động chung của quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu: “Sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết”, như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh.

 

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập