Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo ra những thách thức lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động dạy và học. Để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài, thực hiện tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng học”, ngành giáo dục TP.HCM đã có nhiều nỗ lực chuyển mình, với việc dạy - học trực tuyến.

 

Dạy và học trực tuyến – xu hướng mới ứng phó với Covid-19

Trên thế giới, việc dạy và học trực tuyến không quá xa lạ. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, hay Singapore, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc),… đã có những chuẩn bị cho quá trình dạy và học trực tuyến từ cuối thập niên 90. Bên cạnh hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư mạnh mẽ, các quốc gia và vùng lãnh thổ này còn có nhiều chính sách mang tính chiến lược nhằm đào tạo cho người dạy và người học các kỹ năng cơ bản liên quan đến dạy và học trực tuyến (kỹ năng tập trung trong môi trường số; kỹ năng thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin; kỹ năng làm việc nhóm trực tuyến và kỹ năng giao tiếp, tương tác trong không gian số). Khủng hoảng Covid-19 như một chất xúc tác, tạo ra bước tiến lớn trong việc dạy và học trực tuyến. Tại Trung Quốc, khi các trường học bị đóng cửa từ đầu năm 2020, Chính phủ nước này đã thiết kế một nền tảng học tập trực tuyến cấp quốc gia gồm hai dự án: (1) hình thành kênh truyền hình quốc gia độc lập (kênh CCTV4) cho giáo dục các bậc/hệ; (2) thiết kế một nền tảng học tập trên nền tảng đám mây quốc gia để cung cấp tài liệu học tập cho hệ thống giáo dục trên một băng thông rộng, tránh sự cố tắc nghẽn.

Ở Việt Nam, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban ngành liên quan đã có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với xu thế toàn cầu cho hệ thống giáo dục quốc gia để ứng phó với đại dịch. Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng khuyến khích hệ thống giáo dục triển khai dạy và học trực tuyến, với giới hạn 30% thời lượng từ năm 2016. Đến tháng 3/2020, nhiều văn bản đã được ban hành nhằm chi tiết hóa và hướng dẫn việc triển khai dạy và học trực tuyến cho cả hệ thống giáo dục, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như việc tiến hành đánh giá học phần dạy trực tuyến theo hình thức thi học phần trực tuyến, với các quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây là một bước tiến lớn về chỉ đạo chính sách nhằm giúp hệ thống giáo dục Việt Nam từng bước chuyển từ dạy và học trực tuyến, tiến tới dạy, học và thi trực tuyến.

 

Tháo gỡ khó khăn cho việc dạy và học trực tuyến tại TP.HCM

Năm học mới 2021-2022 bắt đầu trong bối cảnh nhiều địa phương phải gồng mình chống dịch, trong đó có TP.HCM. Yêu cầu đặt ra với ngành giáo dục Thành phố là xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên; vừa hoàn thành chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp với môi trường số hóa và thích ứng với mọi diễn biến dịch bệnh.

Quang cảnh buổi lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
(Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Qua thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, có gần 80.000 trường hợp học sinh gặp khó khăn khi Thành phố tổ chức học trực tuyến cho học sinh phổ thông. Các khó khăn này bao gồm: thiếu máy móc, thiết bị, đường truyền; cung ứng sách giáo khoa chậm trễ trong điều kiện giãn cách xã hội; học sinh, giáo viên đều là F0 hoặc có người thân mất vì Covid-19,… Từ đây, nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thực hiện mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học” đã được xây dựng.

Để hỗ trợ máy móc, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh, Sở GD&ĐT đã tổ chức huy động nguồn thiết bị đã qua sử dụng từ phụ huynh, các cơ quan, đơn vị,... cũng như nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, thực hiện chương trình mua máy tính trả góp. Đối với các gia đình có điều kiện nhưng không thể mua thiết bị trong giai đoạn giãn cách xã hội, phụ huynh sẽ đăng ký với nhà trường nơi con em đang theo học. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Công Thương để cung cấp máy tính đến tận nhà học sinh, theo đăng ký được tổng hợp từ các trường. Việc cung ứng sách giáo khoa, tài liệu học tập cũng được quan tâm, giải quyết nhanh chóng. Ngành giáo dục Thành phố phối hợp với Bưu điện Thành phố (VNPost) và Viettel Post để vận chuyển sách giáo khoa đến học sinh thông qua các khu phố, cơ bản đã hoàn thành trước ngày 6/9. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể sử dụng sách điện tử của Bộ GD&ĐT và các video ghi hình bài giảng trên website của trường.

Sở GD&ĐT cũng phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM để phát sóng (từ đầu tháng 9) các chương trình dạy học cho học sinh. Nếu học sinh vẫn không thể tiếp cận được với các phương tiện dạy học như trên, Sở GD&ĐT còn tổ chức mạng lưới điều phối hỗ trợ học tập tại tất cả các trường, các phường, xã trong Thành phố để hỗ trợ học sinh không thể tham gia học tập trên internet có thể tiếp cận học liệu đầy đủ để học tập tại nhà.

Để giảm bớt khó khăn cho gia đình học sinh, Thành phố cũng có chính sách hỗ trợ 100% học phí học kỳ 1 (năm học 2021-2022) cho học sinh phổ thông (công lập và ngoài công lập, trừ các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài). Theo kế hoạch, thời gian tới, TP.HCM sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho giáo viên (trước ngày 20/11) và đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine cho học sinh ở độ tuổi 12 đến 18. Khi khống chế cơ bản được dịch bệnh, Thành phố sẽ có kế hoạch đưa học sinh từ tiểu học đến trung học trở lại trường theo lộ trình thích hợp.

Học sinh lớp 6 Trường Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm sáng 3-9 - Ảnh: N.T.H (Nguồn: tuoitre.vn)

Tất cả những giải pháp này là nỗ lực của ngành giáo dục Thành phố nhằm hỗ trợ kịp thời cho các em học sinh, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhất là nguy cơ một số em bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa không phải từ nguyên nhân năng lực.

 

Thêm nền tảng công nghệ dạy và học trực tuyến

Sự thành công của hoạt động dạy và học trực tuyến không chỉ đến từ nỗ lực của người dạy, người học, phụ huynh và nhà trường, mà còn phải kể đến vai trò của các nền tảng công nghệ. Hiện nay, có nhiều công cụ dạy học trực tuyến theo thời gian thực, phổ biến như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet,… Tuy nhiên, những công nghệ này chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy chính quy của các cơ sở đào tạo theo các quy định của Bộ GDĐT. Vì vậy vẫn cần xây dựng các hệ thống quản lý học tập phù hợp.

Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức dạy học trên internet, bên cạnh xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dạy học cho học sinh, Sở GD&ĐT đã công bố 12 hệ thống dạy học trực tuyến (đã liên thông, kết nối với hệ thống dữ liệu ngành giáo dục Thành phố). Đây là những phần mềm giúp đảm bảo quản lý được việc tổ chức dạy học cho giáo viên, học sinh, đồng thời giúp các cơ quan quản lý giáo dục có thể dễ dàng theo dõi, dánh giá, quản lý được hoạt động dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu triển khai đại trà, với lượng tương tác rất lớn (gần 700.000 học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên TP HCM bắt đầu học chương trình mới), một số phần mềm bị lỗi, quá tải, không truy cập được. Để khắc phục, Sở GD&ĐT đã làm việc với các bên liên quan nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, chất lượng. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD&ĐT), "Sở GD&ĐT TP.HCM giao các phòng GD&ĐT quận, huyện điều phối thời điểm đăng nhập các hệ thống để thực hiện thời khóa biểu trực tuyến, khuyến khích học sinh học theo thời khóa biểu tự học cá nhân trên các hệ thống quản lý học tập do nhà trường triển khai trong ngày theo sự hướng dẫn của các thầy cô trên hệ thống LMS". Cũng theo ông Hiếu, “Sở GD&ĐT không yêu cầu các trường phải dùng một phần mềm nhất định nào trong dạy học mà phải dựa trên tình hình thực tế để có quyết định sử dụng phần mềm phù hợp”.

Theo nhiều chuyên gia, trong tình thế bắt buộc phải học trực tuyến, việc đa dạng các nền tảng học tập là rất cần thiết, nhằm tránh quá tải và lựa chọn được ứng dụng thích hợp nhất với điều kiện cụ thể của từng lớp học.

Với mục tiêu hỗ trợ các công tác giảng dạy, đào tạo theo xu thế mới, “Smart Elearning - Giải pháp tổng thể đào tạo và khảo thí trực tuyến” là một trong các nền tảng công nghệ phục vụ việc dạy và học trực tuyến, vừa được Công ty Cổ phần Giải pháp Thiết bị Sao Mai giới thiệu tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (techport.vn) vào cuối tháng 8 vừa qua.

Smart Elearning là giải pháp dạy và học trực tuyến trên cơ sở Web Based Training (sử dụng website để đào tạo). Hệ thống gồm 3 tính năng nổi bật: (1) Xây dựng bài giảng và kho học liệu đào tạo trực tuyến; (2) Giảng dạy trực tiếp qua video conferencing; và (3) Tổ chức thi, kiểm tra và đánh giá trực tuyến.

Hệ thống Smart Elearning được giới thiệu tại hội thảo trực tuyến “Hệ thống Smart Elearning - Giải pháp tổng thể đào tạo và khảo thí” ngày 26/8/2021

Hệ thống có tính năng xây dựng bài giảng và tạo ra kho học liệu đào tạo trực tuyến, có cấu trúc theo biên mục và đối tượng; dễ dàng tùy biến theo ý tưởng của người dùng; có thể truy cập để học bằng mọi thiết bị (chỉ cần có kết nối internet); cho phép kiểm tra quá trình, kết quả học tập, đánh giá học viên.

Nhờ khả năng giảng dạy trực tiếp qua video conferencing, giáo viên không cần phải sử dụng các công cụ khác như Microsoft Teams, Zoom,… Hệ thống hỗ trợ tạo sẵn lớp học tương tác trực tuyến; đáp ứng đầy đủ các hoạt động giảng dạy trực tuyến (như tương tác giữa người dạy và người học qua chatbox, voice, webcam, chia sẻ màn hình bài giảng,…). Tính năng tổ chức khảo thí trực tuyến với các nền tảng xây dựng câu hỏi đa dạng, giúp giáo viên tạo ra ngân hàng câu hỏi phong phú. Hệ thống có thể tự chấm điểm theo kết quả đã cài đặt, giao diện người dùng trực quan, dễ sử dụng.

Smart Elearning được thiết kế để giúp các đơn vị giáo dục phát huy tối đa chức năng, nghiệp vụ, đồng thời tạo điều kiện để người học chủ động về không gian, thời gian. Hệ thống đã được triển khai ứng dụng hiệu quả ở các trường, trung tâm đào tạo thuộc Câu lạc bộ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh miền Nam (STESOL); Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục và một số cơ sở giáo dục, trường đại học, cao đẳng khác.

Hiện tại, Công ty Cổ phần Giải pháp Thiết bị Sao Mai có thể triển khai hoàn thiện hệ thống và hiệu chỉnh theo yêu cầu của các đơn vị có nhu cầu sử dụng. Để triển khai hệ thống trong thời gian nhanh nhất, giúp các đơn vị sử dụng hiệu quả, Sao Mai cung cấp dịch vụ đào tạo và chuyển giao hệ thống (dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật; đào tạo và hướng dẫn sử dụng thành thạo hệ thống online và offline; đội ngũ chuyên gia tư vấn và hỗ trợ hệ thống; hỗ trợ online dịch vụ kỹ thuật 24/7 trong suốt quá trình sử dụng; hỗ trợ demo online, demo trực tiếp tại các cơ sở/trường). Ngoài ra, Sao Mai cũng cung cấp dịch vụ cho thuê hệ thống Smart Elearning dành cho các tổ chức muốn triển khai nhanh chương trình đào tạo và khảo thí trực tuyến mà không cần phải bỏ quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu.

Với sự hỗ trợ từ những giải pháp công nghệ tiên tiến, việc triển khai dạy và học trực tuyến tại Thành phố sẽ hạn chế được những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tạo ra. Tuy nhiên, để việc dạy và học trực tuyến thực sự có hiệu quả, ngoài yếu tố công nghệ, cũng rất cần sự đồng hành giữa gia đình và nhà trường, cũng như khả năng thích ứng nhanh của người dạy và người học. Kết hợp tốt các thành tố sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, nhất là trong xu thế số hóa các hoạt động kinh tế - xã hội như hiện nay.

Thu Hà

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH. Dạy và học theo tiếp cận trực tuyến: Từ ứng phó khủng hoảng đến các vấn đề chiến lược. https://www.ueh.edu.vn/khoa-hoc/day-va-hoc-theo-tiep-can-truc-tuyen-tu-ung-pho-khung-hoang-den-cac-van-de-chien-luoc-55661
[2] Tiến Long.Năm học mới ở TP.HCM: lịch học đã sát nút, mọi thứ vẫn ngổn ngang. https://tuoitre.vn/nam-hoc-moi-o-tp-hcm-lich-hoc-da-sat-nut-moi-thu-van-ngon-ngang-20210903233821394.htm
[3] S. Hải. Nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh học tập trong học kỳ I. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhieu-giai-phap-ho-tro-hoc-sinh-hoc-tap-trong-hoc-ky-i-1491883766
[4] Lam Vân. Giải pháp đào tạo trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/giai-phap-dao-tao-truc-tuyen-trong-thoi-ky-dich-benh-covid-19-f5c8a73b-5122-494f-a34d-2e1b3140ff29
[5] Mỹ Dung. Khổ với phần mềm học trực tuyến: Liên tục bị out, lúc nghe lúc không. https://tuoitre.vn/kho-voi-phan-mem-hoc-truc-tuyen-lien-tuc-bi-out-luc-nghe-luc-khong-20210916083948465.htm

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập