Phần 2: Blockchain hỗ trợ phòng chống Covid-19
Nổi bật về khả năng xác thực và bảo mật thông tin, blockchain là một trong những công nghệ được ứng dụng ngày càng nhiều trong thực tế cuộc sống. Khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, bên cạnh việc phát triển vaccine, các công nghệ truy vết lây nhiễm được nhiều quốc gia quan tâm. Với sự hỗ trợ của công nghệ blockchain, nhiều bài toán khó liên quan đến truy vết, quản lý dịch bệnh đã được xử lý.
Với nhiều ưu thế trong bảo mật, xác thực và khó bị giả mạo thông tin, công nghệ blockchain đã được ứng dụng nhằm đối phó hiệu quả hơn với đại dịch Covid-19. Các ứng dụng tiêu biểu, có thể kể đến như hộ chiếu vaccine “IATA Travel Pass” và xác thực hồ sơ xét nghiệm Covid-19 “CovidPass.vn”.
Hộ chiếu vaccine “IATA Travel Pass"
Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển giữa các quốc gia, đặc biệt khi biện pháp tạm ngưng nhập cảnh được áp dụng nhằm tránh lây lan dịch bệnh từ bên ngoài. Để khôi phục ngành du lịch quốc tế và tạo điều kiện cho người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, vào tháng 2/2021, Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng “IATA Travel Pass” trên thiết bị di động (dựa trên nền tảng công nghệ blockchain), với 2 hãng hàng không là Singapore Airlines và British Airways. Đến đầu tháng 8/2021, 48 hãng hàng không đã hợp tác thử nghiệm với IATA, trong đó có 3 hãng hàng không của Việt Nam: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways (Hình 1).
Hình 1. 48 hãng hàng không đang thử nghiệp IATA Travel Pass (Nguồn: www.iata.org)
“IATA Travel Pass” về cơ bản là một ứng dụng cho phép khách du lịch lưu trữ và quản lý thông tin đã được xác minh về tình trạng sức khỏe bản thân, tình trạng xét nghiệm/tiêm ngừa vaccine Covid-19. Hành khách có thể nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trực tuyến và sử dụng kết quả này để hỗ trợ xác minh đủ điều kiện sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến, cũng như tham khảo các thông tin liên quan đến quy định nhập cảnh và cách ly tại các quốc gia.
Theo IATA, người dùng sẽ luôn có quyền kiểm soát dữ liệu của mình và có thể quyết định lượng dữ liệu họ muốn chia sẻ với các quan chức sân bay, hãng hàng không và chính phủ. Không có cơ sở dữ liệu hoặc kho dữ liệu trung tâm nào lưu trữ dữ liệu của ứng dụng Travel Pass.
Hình 2. Tổng quan về cách thức hoạt động của IATA Travel Pass
(Nguồn: biên dịch từ Overview của IATA)
Vào ngày 12/8, ứng dụng IATA Travel Pass được triển khai thử nghiệm lần đầu tiên tại Việt Nam, trên chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ Hà Nội đi Tokyo Narita (Nhật Bản).
Theo hướng dẫn của Vietnam Airlines, để thử nghiệm IATA Travel Pass, hành khách chỉ được đăng ký trên thiết bị di động của bản thân (không dùng chung nhiều tài khoản), đăng ký tối thiểu 3 ngày trước ngày khởi hành và phải đạt đủ 3 điều kiện:
- Từ 18 tuổi trở lên và đi trên một trong các chuyến bay từ Tokyo Narita - Hà Nội, Hà Nội - Tokyo Narita và Hà Nội - London Heathrow, trong một số chuyến cụ thể;
- Có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2, được một trong các cơ sở xét nghiệm như sau cấp: hệ thống Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Việt Nam); Shinagawa East Medical Clinic, Nishi Shimbashi Clinic và Nippon Medical School Narita International Airport Clinic (Nhật Bản);
- Có điện thoại từ iPhone 7 trở lên (hệ điều hành iOS 13.2 trở lên) hoặc điện thoại Android (hệ điều hành từ 6.0 trở lên).
Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia trên thế giới đang đối mặt với các biến thể của SARS-CoV-2, IATA Travel Pass là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để khôi phục các đường bay quốc tế, đưa ngành hàng không sớm hồi phục, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân.
Ứng dụng blockchain trong xác thực hồ sơ xét nghiệm Covid-19
Để số hóa quá trình đăng ký xét nghiệm và tra cứu kết quả thành tài liệu điện tử, giảm thiểu giấy tờ thủ tục và các lỗi thao tác nhập liệu, ứng dụng CovidPass.vn do Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain (VBC) phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain đã được giới thiệu đến công chúng vào ngày 21/7/2021, tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (techport.vn), qua hội thảo trực tuyến “Giải pháp CovidPass.vn - Hồ sơ xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 xác thực trên nền tảng blockchain”.
Thao tác trên CovidPass.vn rất đơn giản, người dùng chỉ cần quét mã QR (giống khai báo y tế), sau đó điền thông tin cá nhân kèm hình ảnh giấy tờ, đăng ký xét nghiệm và nhận mã QR kết quả xét nghiệm trả về. Mã QR này có thể dùng để xuất trình cho các cơ quan chức năng khi cần di chuyển vào các khu vực giới hạn hoặc khai báo xuất cảnh.
Hình 3. Hướng dẫn đối với người dùng (Nguồn: tài liệu hội thảo)
Theo VBC, một trong những ứng dụng quan trọng của CovidPass là định danh và nhận diện những người đã xét nghiệm Covid và bảo mật thông tin của họ. Dữ liệu được số hóa, mã hóa và đưa lên hệ thống máy chủ nên có thể bảo mật an toàn thông tin của người xét nghiệm, nhưng đồng thời cũng cho phép kiểm tra chéo để xác thực kết quả xét nghiệm. Các phân hệ phần mềm giao tiếp với nhau bằng mạng nội bộ, dễ dàng kết nối giữa các đơn vị, giúp cho các đơn vị xác thực được độ chính xác của hồ sơ xét nghiệm mà không cần phải kết nối dữ liệu gốc.
Hình 4. Tổng quan về cách thức hoạt động của CovidPass.vn (Nguồn: tài liệu hội thảo)
CovidPass.vn kỳ vọng mang lại lợi ích cho cả 4 bên:
- Đối với người dân: đăng ký xét nghiệm và nhận kết quả trực tuyến, tránh tiếp xúc nơi đông người; theo dõi được quá trình xét nghiệm, thời gian trả kết quả thông qua mã QR; thuận tiện trong việc lưu trữ kết quả, tránh hư hỏng mất mát như phiếu giấy;
- Đối với bệnh viện/cơ sở xét nghiệm: chuyển đổi quy trình giấy sang quy trình số giúp tăng năng suất xét nghiệm và tránh sai sót; hạn chế được sự tiếp xúc giữa nhân viên bệnh viện với người xét nghiệm, tránh tập trung đông người; nhanh chóng phát hiện và thông báo khẩn cấp cho khách hàng khi kết quả xét nghiệm có vấn đề.
- Đối với đơn vị xác minh kết quả xét nghiệm: tránh kết quả xét nghiệm giả hoặc hết hạn; xác minh không giao tiếp thông qua mã QR hoặc camera nhận diện khuôn mặt; dễ dàng và nhanh chóng truy vết khi xảy ra sự cố.
- Đối với cơ quan chức năng: phát hiện ngay các ca dương tính khi xét nghiệm và có biện pháp ứng phó kịp thời; có thể tích hợp vào hệ thống khai báo y tế hiện có; dễ dàng theo dõi, giám sát và thống kê tình hình xét nghiệm trên tại địa phương triển khai.
CovidPass hiện đã được triển khai thí điểm thành công tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với 218 hồ sơ xét nghiệm của khách hàng đã được đăng ký. Qua đó, VBC hướng tới đề xuất triển khai CovidPass.vn áp dụng cho các bệnh viện trong TP.HCM có chức năng xét nghiệm Covid-19, kết nối với hệ thống khai báo y tế hiện nay của Sở Y tế nhằm tích hợp chứng nhận đã xét nghiệm Covid-19 với mã QR cá nhân khi khai báo y tế. Từ đó, mở rộng ứng dụng phục vụ các hoạt động kiểm tra an toàn Covid nhanh chóng, thông qua mã điện tử QR với người ra vào khu vực cần kiểm soát lây nhiễm hoặc những người ra vào thành phố từ những khu vực đang nguy cơ bùng phát dịch.
Có thể thấy, với ưu thế về bảo mật thông tin và chống giả mạo, blockchain đang có tiềm năng rất lớn để ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong tình hình chứng nhận vaccine Covid-19 giả đang là vấn nạn toàn cầu hiện nay, blockchain là giải pháp đang được UNICEF cân nhắc phối hợp với các hãng dược phẩm lớn nhằm đưa vào áp dụng trong chuỗi cung ứng vaccine, để vừa giảm thiệt hại về kinh tế, vừa tránh nguy cơ gây tổn hại tới sức khỏe đối với con người, khi sử dụng sản phẩm không có khả năng tạo ra miễn dịch.
Duy Sang
(Mời quý vị tham khảo các thông tin liên quan đến công nghệ blockchain tại bài viết Blockchain – Từ tiền điện tử đến công cụ hỗ trợ phòng chống Covid-19. Phần 1: Blockchain – không chỉ là ứng dụng tiền điện tử - Thông tin chuyên đề số 8/2021)
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] IATA. (IATA Travel Pass Initiative. https://www.iata.org/en/programs/passenger/travel-pass/
[2] Trang Linh. Sáng kiến ngăn chặn vaccine COVID-19 giả của UNICEF. https://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/sang-kien-ngan-chan-vaccine-covid19-gia-cua-unicef/2021072304483081p1c859.htm
[3] Bích Ngọc. Công nghệ Blockchain bước vào giai đoạn phát triển thứ 3. https://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/cong-nghe-blockchain-buoc-vao-giai-doan-phat-trien-thu-3/20210405084554875p1c859.htm
[4] Lam Vân. Hồ sơ xét nghiệm Covid-19 xác thực bằng công nghệ Blockchain. https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS1/ho-so-xet-nghiem-covid-19-xac-thuc-bang-cong-nghe-blockchain-35992832-d0e7-4c76-b5e9-be1f23726432
[5] VietnamAirlines. Thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử - IATA Travel Pass. https://www.vietnamairlines.com/vn/vi/plan-book/experience/iata-travel-pass