Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Gần đây, một số nước Châu Âu đã ra thông báo thu hồi các sản phẩm thực phẩm tồn dư ethylene oxide (EO) quá ngưỡng cho phép, trong đó có sản phẩm của Việt Nam. Để tránh các thiệt hại, rắc rối phát sinh, sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, trước khi xuất hàng.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ở EU (RASFF Annual Report 2020) , nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở các quốc gia đã bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất EO vượt quá giới hạn quy định của EU. EO cũng là hoạt chất được cảnh báo nhiều nhất, với 347 cảnh báo, so với các hoạt chất gây độc khác như chlorpyrifos (48 cảnh báo), pyridaben (43 cảnh báo) và chlorpyrifos-methyl (41 cảnh báo). EU đã có quy định về việc sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận dư lượng EO trước khi xuất sang EU, đồng thời tăng cường kiểm tra tất cả các lô hàng tại các chốt kiểm soát biên giới EU.

Các sản phẩm có chứa dư lượng EO khá nhiều chủng loại, từ các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, đến các sản phẩm chế biến từ cacao, gừng, nghệ,... Trong đó, đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm chế biến có liên quan.

 

Về ethylene oxide (EO)

EO, còn gọi là oxiran và epoxit (công thức hóa học là C2H4O), là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu, sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol, hàng dệt, chất tẩy rửa, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác. EO cũng được dùng để khử trùng thiết bị phẫu thuật, dụng cụ bằng nhựa không thể khử trùng bằng hơi nước trong bệnh viện. Người ta cũng dùng EO, với một lượng nhỏ, để khử trùng cho thực phẩm (gia vị). Sau khi tiệt trùng, sẽ phải sục khí trong 24 giờ để loại dư lượng. Nếu quá trình sục khí không bảo đảm, EO tồn dư trong mẫu sẽ phản ứng với chlorine sinh ra từ chính thực phẩm, tạo thành hợp chất 2- Chloroethan (s: 2-Chloroethan-1-ol; Ethylene chlorohydrin; Glycol chlorohydrin), tác động đến người sử dụng.

Công thức hóa học và sử chuyển hóa ethylene oxide (Nguồn: epa.gov)

Theo Cơ quan đăng ký các chất độc hại và dịch bệnh của Mỹ (ATSDR), khi tiếp xúc qua đường mắt, da và hô hấp với hàm lượng cao, EO có thể gây kích ứng da, mắt, gây nôn mửa, rối loạn thần kinh, viêm phế quản, phù phổi ở người. Còn với hàm lượng thấp, trong vài năm, EO cũng ảnh hưởng tới kích ứng da, mắt, đường hô hấp và ảnh hưởng đến hệ thần kinh (nhức đầu, buồn nôn, mất trí nhớ). Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy, việc hít phải EO làm tăng tỷ lệ sẩy thai và gia tăng các trường hợp ung thư bạch huyết và ung thư vú ở phụ nữ.

 

Hàm lượng EO tồn dư cho phép trong thực phẩm

Do tác động bất lợi của EO gây ra với cơ thể người, ở Châu Âu, EO được phân vào nhóm có khả năng gây ung thư, đột biến và độc tính sinh sản loại 1B và loại 3 về độc tính cấp tính, theo Quy định về dư lượng Ethylene oxide trong thực phẩm ở một số quốc gia và khu vực (Reg. 1223/2009/EC) của Hội đồng châu Âu.

Từ những năm 1991, EU đã cấm việc sử dụng EO trong khử trùng thực phẩm, tuy nhiên vẫn chấp nhận sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác có dư lượng chất này. Đến năm 2015, EU quy định cụ thể về các ngưỡng dư lượng EO trong từng loại thực phẩm (đối với chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ là 0,1 mg/kg; 0,05 mg/kg với các loại hạt có dầu; 0,02 mg/kg đối với trái cây, rau, cây đường, nấm và các loại khác; 0,02 mg/kg đối với ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật; 0,05 mg/kg đối với các sản phẩm trồng trọt).

Khác với EU, tại Mỹ, khoảng hơn 30% sản phẩm gia vị và thảo mộc của nước này sử dụng EO để khử trùng. Mỹ và Canada đưa ra ngưỡng quy định mức dư lượng tối đa (Maximum Residue Levels – MRLs) cho phép sử dụng EO và 2-chloroethanol (2-CE: sản phẩm chuyển hóa trực tiếp từ EO) ở mức 7mg/kg (EO) và 940mg/kg (2-CE). Riêng đối với Úc và New Zealand, sau năm 2003, EO đã bị loại bỏ khỏi danh sách chất được sử dụng. Hiện vẫn chưa có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng EO đối với hàng nhập khẩu vào hai nước này.

Tại Hàn Quốc, mới chỉ có ban hành quy định tạm thời về giới hạn dư lượng cho phép lượng hoạt chất 2-CE (dưới 30 mg/kg) đối với thực phẩm thông thường, còn thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì hoạt chất 2-CE phải dưới 10 mg/kg.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định nào về sử dụng và dư lượng EO trong thực phẩm. Hoạt chất này cũng không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng hay cấm sử dụng tại Việt Nam (Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT).

Có thể thấy, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những quy định khác nhau về dư lượng và ngưỡng giới hạn EO trong thực phẩm.

 

Những điểm cần lưu ý

Mặc dù Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng hoạt chất EO trong sản phẩm hàng hóa nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, cần liên tục cập nhật các quy định đối với EO và các chất chuyển hóa của nó (2-CE), hàm lượng các chất của các quốc gia nhập khẩu để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.

Các doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có nhiều cấu phần (như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt,…), cần nâng cao công tác kiểm soát chất lượng, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng định kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần kiểm tra dư lượng EO thường xuyên (cả sản phẩm và nguyên liệu), thông qua các đơn vị chuyên ngành như: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1,2,3 (Quatest 1,2 ,3), Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE), Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm, giám định sản phẩm và quan trắc môi trường (Eurofins),... Áp dụng những phương pháp, thiết bị hiện đại như máy sắc ký khí ghép khối phổ ba tứ cực (GC-MS/MS),... các đơn vị này có thể phân tích chính xác hàm lượng EO; 2-chloroethanol; tổng EO và 2-CE (được quy về EO) trong sản phẩm. Xác định chính xác hàm lượng EO trong sản phẩm của mình, doanh nghiệp có được những quyết định thích hợp cho sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tránh được các rủi ro không đáng có trong kinh doanh quốc tế.

Vân Anh

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo chính

[1] Kiểm soát dư lượng etylen oxit trong thực phẩm khi xuất khẩu. http://www.quatest3.com.vn/kiem-soat-du-luong-etylen-oxit-trong-thuc-pham-khi-xuat-khau
[2] Chất ethylene oxide có nguy hiểm? https://suckhoedoisong.vn/chat-ethylene-oxide-neu-co-trong-mi-tom-nguy-hiem-the-nao-169210830120820439.htm
[3] Vũ Long. Lý do Ethylene oxide chưa được cấp phép làm thuốc bảo vệ thực vật. https://laodong.vn/kinh-te/ly-do-ethylene-oxide-chua-duoc-cap-phep-lam-thuoc-bao-ve-thuc-vat-947509.ldo(29/08/2021)
[4] RASFF Annual Report. (2020). https://ec.europa.eu/food/safety/rasff-food-and-feed-safety-alerts/reports-and-publications_en
[5] Communication ethylenoxid and 2- Chloroethanol. Version 11/5/2021 https://www.relana-online.de/wp-content/uploads/2021/06/relana-communication-note-21-02-Ethylenoxide_20210511.pdf
[6] U.S. Environmental Protection Agency. Evaluation of the Inhalation Carcinogenicity of Ethylene Oxide. https://cfpub.epa.gov/ncea/iris/iris_documents/documents/toxreviews/1025tr.pdf

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập