Để tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19, các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh công tác chích ngừa cho người dân. Tuy nhiên, việc chích ngừa chỉ có tác dụng với người chưa nhiễm. Khi đã bị bệnh, cần phải có thuốc đặc trị. Do đó, việc nghiên cứu, phát triển các loại thuốc nhằm giảm thiểu biến chứng nặng, đưa SARS-CoV-2 trở thành một loại bệnh thông thường đang là thách thức với các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Nhiều nhà khoa học thống nhất với quan điểm “chủng ngừa bằng vaccine là quan trọng nhất, nhưng không thể xem vaccine là vũ khí duy nhất để đối phó với đại dịch Covid-19”, bởi các lý do: thứ nhất, không phải đối tượng nào cũng có thể tiêm vaccine và được vaccine bảo vệ, ví dụ như những người nhiễm HIV hoặc những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, cũng như cả những người không tiêm vaccine vì nhiều lý do; thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng vaccine vẫn ít, trong khi rất nhiều người tiếp tục nhiễm bệnh và chưa biết thời điểm đạt được độ phủ vaccine; thứ ba, việc chia sẻ vaccine giữa các nước thành viên COVAX chưa hẳn đã thuận lợi hoàn toàn, khiến các nước nghèo khó có đủ vaccine để tiêm, như các nước phương Tây; thứ tư, vấn đề sản xuất vaccine đòi hỏi nguồn nguyên liệu, công nghệ rất đặc thù và có thể xảy ra trường hợp virus SARS-CoV-2 đột biến đến mức vaccine không còn hiệu quả. Do đó, thuốc kháng virus điều trị Covid-19 được các nhà khoa học kỳ vọng có thể giúp đối phó với các biến thể mới mà vaccine đang lưu hành đã giảm khả năng bảo vệ, và hơn nữa, giúp ngăn ngừa việc mắc bệnh.
Nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19
Theo các nhà khoa học, trở ngại lớn nhất trên con đường tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19 xuất phát từ vấn đề sinh học. Thuốc kháng sinh tiêu diệt được vi khuẩn vì tế bào vi khuẩn có thể sống độc lập mà không cần vật chủ. Khác với vi khuẩn, virus SARS-CoV-2 không thể sao chép độc lập, mà cần có tế bào vật chủ. Mặc dù thuốc kháng virus loại nào cũng có thể can thiệp hiệu quả vào từng giai đoạn trong vòng đời của virus, nhưng nếu thuốc đó tấn công virus trong tế bào vật chủ, thì cũng có khả năng "đầu độc" luôn tế bào đó. Do đó, ngoài việc có khả năng tiêu diệt virus, thuốc cũng phải đảm bảo giữ cho tế bào bệnh nhân còn tồn tại.
Sự đa dạng của các chủng loại virus cũng là một thách thức lớn đối với việc phát triển thuốc kháng virus. Mọi vi khuẩn đều có cùng bộ gene ADN sợi đôi, và chúng sao chép độc lập bằng cách tăng kích thước rồi phân chia. Nhưng với virus, một số có bộ gene ADN, một số khác có bộ gene ARN, vật chất di truyền của một số chủng được tạo thành từ các ADN và ARN sợi đơn, trong khi một số khác lại mang các ADN và ARN sợi kép. Do đó, hầu như không thể bào chế thuốc kháng virus có tác dụng với nhiều chủng virus khác nhau.
Trong thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm các loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2. Đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho thấy, có ba chiến lược nghiên cứu chính:
- Sàng lọc các hoạt chất hiện có để tìm ra phân tử có hoạt tính kháng virus: đây được xem là chiến lược đang chiếm ưu thế hiện nay. Do sử dụng các hoạt chất cũ nên có thể sản xuất nhanh, với số lượng lớn, kể cả tại các nước có thu nhập thấp. Ngoài ra, các hoạt chất cũ đã được cấp phép lưu hành, vì vậy nhà sản xuất sẽ đỡ mất thời gian cho các thủ tục cấp phép lưu hành trên thị trường.
- Tìm các hoạt chất đặc hiệu mới có khả năng kháng virus: các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Kiến trúc và chức năng các đại phân tử sinh học (AFMB) đã phát hiện cơ chế sao chép của virus SARS-CoV-2 gần giống với SARS-CoV-1 (gây đại dịch SARS năm 2003). Họ đã thử nghiệm khoảng 20.000 hợp chất, từ đó xác định hàng chục hoạt chất mới có thể phát triển thành thuốc điều trị COVID-19.
- Sử dụng kháng thể đơn dòng (điều trị bằng liệu pháp miễn dịch): chiến lược này chú trọng đến kháng thể, bởi kháng thể giữ vai trò phát hiện và vô hiệu hóa mầm bệnh. Hầu hết nghiên cứu theo chiến lược này đều tập trung mục tiêu vào protein gai (protein S) của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vô hiệu hóa protein gai có thể phản tác dụng, do có thể gây ra tổn thương mô, hoặc các phản ứng miễn dịch quá mức, làm ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Về thuốc điều trị Covid-19, theo Tạp chí Pharmaceutical Journal, có hai xu hướng nghiên cứu:
- Nhóm thuốc kháng virus ngăn chặn virus SARS-CoV-2 sao chép lúc mới mắc bệnh. Các loại thuốc đã thử nghiệm như: ivermectin (tẩy giun), chloroquine /hydroxychloroquine (chống sốt rét), favipiravir và oseltamivir (cúm), EIDD-2801 (cúm, Ebola và virus corona), lopinavir/ritonavir (HIV), ribavirin (viêm gan C), niclosamide và nitazoxanide (giun sán).
- Nhóm thuốc kháng viêm tác động ở giai đoạn sau của bệnh COVID-19 giúp hệ miễn dịch chống lại virus hoặc ngăn chặn hệ miễn dịch phản ứng thái quá. Các loại đã nghiên cứu gồm: dexamethasone, tocilizumab (kháng thể đơn dòng), anakinra (điều chỉnh phản ứng miễn dịch), colchicin (trị bệnh gout).
Một số thuốc điều trị Covid-19 đạt hiệu quả thử nghiệm lâm sàng
Đến nay, đã có những thành công bước đầu trong việc thử nghiệm điều trị bằng thuốc trên bệnh nhân nhiễm Covid-19 và chứng minh hiệu quả ở các nước. Tại Việt Nam, một số thuốc đang được áp dụng điều trị cho người nhiễm Covid-19 theo chỉ định nghiêm ngặt của Bộ Y tế là Favipiravir, Monulpiravir, Remdesivir và Dexamethasone.
Favipiravir
Favipiravir là loại thuốc viên kháng virus do tập đoàn Fujifilm (Nhật Bản) sản xuất và được phê duyệt vào năm 2014 để điều trị bệnh cúm. Favipiravir được chỉ định điều trị Covid-19 cho các bệnh nhân thuộc trường hợp nhẹ hoặc trung bình. Thuốc ngăn chặn quá trình nhân lên của virus và loại bỏ virus khỏi đường thở, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.
Thuốc Favipiravir (Nguồn:TTXVN)
Favipiravir trên thế giới đã được thử nghiệm lâm sàng trong điều trị Covid-19 đến pha 3, hiệu quả lên tới 97%. Hiện Favipiravir đang được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một số nước như: Nhật Bản, Ý, Nga, Thái Lan.
Vào cuối tháng 6/2021, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã bước đầu cải tiến, rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir qua 3 bước phản ứng đơn giản và hiệu quả (thay vì từ 7-8 bước theo nghiên cứu trên thế giới) và từ nguyên liệu có sẵn trong nước. Kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai của các nhà khoa học Việt Nam, cho phép tự chủ được nguồn nguyên liệu thuốc điều trị Covid-19, hạn chế phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu..
Monulpiravir
Monulpiravir là loại thuốc viên kháng virus do hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và công ty Ridgeback (Đức) nghiên cứu phát triển, dùng điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình.
Theo kết quả phân tích thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào đầu tháng 10/2021, Molnupiravir giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong: chỉ 7,3% bệnh nhân được dùng Molnupiravir đã nhập viện hoặc tử vong cho đến ngày 29, so với 14,1% bệnh nhân được điều trị bằng giả dược. Qua ngày 29, không có trường hợp tử vong nào ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir, so với 8 trường hợp tử vong ở những bệnh nhân dùng giả dược. Kết quả thử nghiệm đã thúc đẩy Merck và Ridgeback nộp đơn đề nghị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir điều trị Covid-19 để chuẩn bị "vũ khí" cho điều trị Covid-19, đặc biệt là với người chưa tiêm chủng.
Thuốc Monulpiravir (Nguồn: Internet)
Merck đã cam kết ký thỏa thuận cấp phép tự nguyện không độc quyền đối với Molnupiravir cho các nhà sản xuất thuốc generic để đưa thuốc đến 104 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Trong đó, 5 công ty dược phẩm ở Ấn Độ đã hợp tác với Merck để thử nghiệm lâm sàng tại Ấn Độ vào cuối tháng 6/2021. Thử nghiệm kéo dài ba tháng với 1.200 người mắc Covid-19 dạng nhẹ đang điều trị ngoại trú tham gia.
Nhằm hạn chế tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng khi điều trị Covid-19 tại nhà, Molnupiravir cũng đã được TP.HCM đưa vào thử nghiệm theo “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” (phiên bản 1.3), từ ngày 18/8. Qua đó, Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện tăng cường nghiên cứu, ứng dụng loại thuốc này trong điều trị Covid-19 để đóng góp vào kho dữ liệu khoa học, tạo căn cứ kiến nghị Hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) bổ sung vào tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2)”, đang được Bộ Y tế triển khai áp dụng trên cả nước.
Remdesivir
Remdesivir là thuốc kháng virus dạng tiêm theo đường tĩnh mạch, do Công ty Gilead Science (Mỹ) nghiên cứu và phát triển. Remdesivir được FDA phê duyệt khẩn cấp từ tháng 10/2020 để điều trị cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi nặng trên 40 kg mắc Covid-19 nhập viện điều trị, bất kể mức độ bệnh.
Thuốc Remdesivir (Nguồn: New-medical.net)
Remdesivir đã vượt qua 3 giai đoạn thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, trên 2.043 bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Các thử nghiệm được thực hiện tại 226 địa điểm ở 17 quốc gia. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 được công bố vào tháng 10/2020 trên Tạp chí Y học New England cho thấy, Remdesivir giúp rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân khoảng 5-7 ngày, đẩy nhanh quá trình phục hồi, giảm tỷ lệ tử vong ở những người được bổ sung ôxy (4% khi dùng Remdesivir, so với 13% khi dùng giả dược, vào ngày thứ 29 của quá trình điều trị).
Remdesivir có hai dạng, là nước và đông khô. Với dạng nước, Remdesivir cần được bảo quản trong kho lạnh 2-8oC, với nhiều điều kiện kỹ thuật khắt khe, hệ thống trang thiết bị cầu kỳ, tốn kém. Để giúp vận chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia, Remdesivir đã được bào chế dưới dạng đông khô, cho phép bảo quản dễ dàng hơn (ở nhiệt độ khoảng 25oC).
Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia đưa vào phác đồ điều trị kể từ tháng 5/2020, như: Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ,... Tuy nhiên, do giá thành cao và khả năng cung cấp trên toàn cầu hiện vẫn đang hạn chế nên Remdesivir vẫn là một trong những loại thuốc điều trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Vì vậy, Gilead đã ký các thỏa thuận cấp phép tự nguyện không độc quyền với các nhà sản xuất dược phẩm có trụ sở tại Ai Cập, Ấn Độ và Pakistan để mở rộng hơn nữa nguồn cung cấp thuốc Remdesivir ở 127 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình*, trong đó có Việt Nam.
Đầu tháng 8/2021, Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất bổ sung Remdesivir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Thuốc được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 nặng, có SpO2 từ 94% trở xuống, bệnh nhân thở máy, điều trị ECMO (tim, phổi nhân tạo) và cần ôxy.
Dexamethasone
Dexamethasone là một hoạt chất chứa steroid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch, được dùng để điều trị nhiều chứng bệnh (gồm thấp khớp, một số bệnh da liễu, dị ứng nặng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nổi hạch, sưng não) và phối hợp với kháng sinh để chữa bệnh lao. Dexamethasone được tổng hợp lần đầu năm 1957, giá khá rẻ và có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới.
Thuốc Dexamethasone (Nguồn: Internet)
Nghiên cứu thử nghiệm Dexamethasone được thực hiện trong Chương trình thử nghiệm đánh giá ngẫu nhiên về điều trị Covid-19 (Recovery) do một nhóm các nhà khoa học của Đại học Oxford chủ trì. Kết quả thử nghiệm công bố ngày 16/6/2020 cho thấy, Dexamethasone giúp làm giảm 35% nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19 thở máy, giảm 20% nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân thở ôxy, giảm 17% tỉ lệ tử vong chung trong 28 ngày và không có tác dụng đối với bệnh nhân không cần hỗ trợ thở. Từ kết quả trên, Chính phủ Anh, WHO và nhiều nước khác như Mỹ, Nhật Bản đã đưa Dexamethasone vào phác đồ điều trị Covid-19. Dexamethasone cũng đã được Bộ Y tế đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành ngày 29/7/2020 để điều trị cho các bệnh nhân trong thời gian 5-10 ngày, tùy theo tiến triển lâm sàng và hình ảnh X-quang phổi của từng trường hợp.
Dexamethasone được xem loại thuốc đầu tiên chứng tỏ có thể cứu sống những bệnh nhân Covid-19 thể nặng và được các nhà khoa học đánh giá là “thành tựu đột phá”.
Chính thức bổ sung các loại thuốc kháng virus điều trị Covid-19 tại Việt Nam
Sau một thời gian thử nghiệm các loại thuốc điều trị Covid-19, nhất là tại TP.HCM, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất (theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT, ngày 6/10/2021). Trong đó, chính thức bổ sung 3 loại thuốc kháng virus nhằm giảm tải lượng virus theo diễn biến bệnh lý của người bệnh: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Monulpiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ với lưu ý liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt. Đối với các loại thuốc chưa được WHO khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới thì việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Với các kết quả thử nghiệm khả quan về tính hiệu quả của thuốc điều trị Covid-19 trên thế giới, các nhà khoa học, chuyên gia, Bộ Y tế kỳ vọng các doanh nghiệp dược của Việt Nam sẽ sớm đàm phán để có bản quyền sản xuất, chuyển giao công nghệ, từ đó tự chủ được nguồn cung trong nước. Tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã công bố kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 làm từ thảo dược (Vipdervir). Theo đó, Vipdervir an toàn và có khả năng ức chế phát triển SARS-CoV-2 cũng như tác dụng tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng. Một tin vui đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Duy Sang
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Gilead. Voluntary licensing agreements for Remdesivir. https://www.gilead.com/purpose/advancing-global-health/covid-19/voluntary-licensing-agreements-for-remdesivir
[2] Merck. Merck and Ridgeback’s Investigational Oral Antiviral Molnupiravir Reduced the Risk of Hospitalization or Death by Approximately 50 Percent Compared to Placebo for Patients with Mild or Moderate COVID-19 in Positive Interim Analysis of Phase 3 Study. https://www.merck.com/news/merck-and-ridgebacks-investigational-oral-antiviral-molnupiravir-reduced-the-risk-of-hospitalization-or-death-by-approximately-50-percent-compared-to-placebo-for-patients-with-mild-or-moderat/
[3] Dạ Thảo. Săn lùng thuốc điều trị COVID-19. https://tuoitre.vn/san-lung-thuoc-dieu-tri-covid-19-ky-6-uoc-mo-vien-thuoc-uong-don-gian-tai-nha-2021081421030007.htm
[4] WHO. Therapeutics and Covid-19: living guideline. https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-therapeutics-2021.3
[5] Nguyễn Xuân. Việt Nam tổng hợp thành công thuốc điều trị Covid-19. https://vnexpress.net/viet-nam-tong-hop-thanh-cong-thuoc-dieu-tri-covid-19-4301200.html