Làn sóng công nghệ 4.0 mở ra một trang mới của kỷ nguyên số, đem đến nhiều tiện ích trong mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y tế. Trong đó, ứng dụng công nghệ AIoT vào chẩn đoán, điều trị cho phép rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh… đã tạo nên những đột phá, góp phần phát triển y tế thông minh của các quốc gia.
Những phân tích AI có thể chuyển đổi dữ liệu IoT thành thông tin có giá trị nhằm cải thiện các quá trình hoạt động và tiếp nhận thông tin (Nguồn: internet)
Xu hướng tích hợp AI và IoT trong chuyển đổi số Y tế
Những ứng dụng của IoT đang làm thay đổi đáng kể ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Với IoT, có thể tự động hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân qua việc cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe di động. Các thiết bị y tế thông minh ứng dụng IoT thu thập các dữ liệu quan trọng (tình trạng của bệnh nhân, những triệu chứng khẩn cấp như suy tim, tiểu đường, hen suyễn,…) và chuyển đến bác sĩ theo thời gian thực, thông tin cho các bộ phận liên quan, qua ứng dụng di động và các thiết bị có liên kết. Nhờ đó, các bác sĩ có thể kiểm tra và theo dõi tình trạng của bệnh nhân ngay lập tức, dù không ở gần bên. IoT cũng được nghiên cứu nhằm thực hiện phân phối thuốc tự động cho bệnh nhân theo toa và các dữ liệu liên quan đến tình trạng của người bệnh, cải thiện khả năng chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế.
Cùng với IoT, AI cũng đang chứng minh sự hữu dụng trong số hóa nhiều hoạt động của ngành y, hỗ trợ chẩn đoán bệnh và ứng dụng trong robot y học để rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân. AI có vùng ứng dụng rất rộng, nhất là trong hỗ trợ, chăm sóc toàn diện sức khỏe như: theo dõi sức khỏe cá nhân, giảm thiểu nguy cơ bệnh; phát hiện sớm các bệnh như ung thư, tim mạch; theo dõi diễn biến bệnh; giảm chi phí điều trị, kéo dài sự sống cho người bệnh. Đặc biệt, công nghệ AI cũng được sử dụng để cải thiện chất lượng chẩn đoán, nhất là trong phân tích hình ảnh. Ví dụ, trong nội soi tiêu hóa, thay vì cần các chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoặc xét nghiệm tế bào, để chẩn đoán hình ảnh một tổn thương trong tiêu hóa, thì AI có thể cho biết tổn thương đó là ung thư hay chỉ là ổ loét, giúp bác sĩ quyết định sớm hướng điều trị. Robot AI được sử dụng trong phẫu thuật như là một trợ thủ, không chỉ giúp giảm ¼ thời gian nằm viện của bệnh nhân, mà còn cho phép bác sĩ thực hiện nhiều quy trình phức tạp, nhưng lại kiểm soát tốt hơn so với các phương pháp thông thường. Bên cạnh đó, AI cũng được ứng dụng xây dựng các hồ sơ sức khỏe điện tử, cho phép dễ dàng điều chỉnh hướng điều trị và tự động hóa một số quy trình thường quy.
Theo nhiều chuyên gia, khi kết hợp các công nghệ AI và IoT sẽ mang lại giá trị hữu dụng vượt bậc. AIoT (Trí tuệ nhân tạo của vạn vật) sẽ tạo ra một tương lai thông minh hơn. Ở đó, IoT như hệ thống thần kinh kỹ thuật số, còn AI chính là bộ não hệ thống để tiếp nhận thông tin và điều khiển hoạt động. Những phân tích AI có thể chuyển đổi dữ liệu IoT thành thông tin có giá trị để cải thiện quá trình hoạt động và tiếp nhận thông tin. Qua các kết nối, báo hiệu, trao đổi dữ liệu, giá trị và khả năng học hỏi của AI sẽ càng vượt trội hơn, thông minh hơn, quyết định đưa ra càng chính xác hơn. Các ngành công nghiệp có thể tận dụng công nghệ và phân tích thông minh để tạo ra các trải nghiệm và dich vụ chất lượng. Trong y tế, các thiết bị thông minh ứng dụng AIoT có thể thông báo về sức khỏe bệnh nhân cho bác sĩ, theo dõi các bệnh mãn tính và cảnh báo về các nguy cơ đối với sức khỏe bệnh nhân để có thể phản ứng kịp thời, trong các trường hợp khẩn cấp. Những bước tiến trong chuyển đổi số mà các ứng dụng AIoT mang lại đã góp phần đặt nền móng cho việc xây dựng nền y tế thông minh, theo ba trục chính: phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Nghiên cứu và ứng dụng AIoT tại Việt Nam
Với lợi thế về nền tảng công nghệ tốt, nhiều người Việt hiện đang công tác tại những trung tâm AI hàng đầu thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng, triển vọng phát triển AI và IoT tại Việt Nam sẽ thúc đẩy các sản phẩm ứng dụng AI và IoT tăng nhanh trong thời gian tới. Theo TS. Trần Thị Mai Oanh (Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế), trong những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT, số hóa nhiều hoạt động. Bộ Y tế đã đề xuất 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao cơ hội chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó có gắn với công nghệ số, như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin; dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử,… Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Ứng dụng AI và IoT trong y tế cũng nhận được sự quan tâm tích cực từ các nhà khoa học trong nước. Trong những năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu trong nước về AI và IoT đã hướng đến việc chẩn đoán, điều trị, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh,… Ví dụ như HealthDL-Một hệ thống thu thập, lưu trữ dữ liệu y tế lớn của nhóm tác giả Phan Tân, Trần Việt Trung, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Thanh Tùng (2017); Kỹ thuật chatbot ứng dụng hệ chuyên gia cho bài toán chẩn đoán bệnh tự động của tác giả Nguyễn Thị Bích Điệp, (2019); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để khoanh vùng cơ quan trong xạ trị của tác giả Trần Sỹ Hùng, Nguyễn Thu Hà, Vũ Trung Hưng (2020); Giải pháp thiết kế trải nghiệm người dùng dựa trên mô hình UCDC cho ứng dụng y tế điện tử E-doctor của tác giả Trần Quốc Trung (2020),… Hay gần đây nhất, là đề tài Kết quả phẫu thuật robot trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt do Bệnh viện Bình Dân chủ trì thực hiện, nghiệm thu vào tháng 5/2021. Được đánh giá là công trình nghiên cứu có giá trị, từ nền tảng của đề tài, Bệnh viện Bình Dân sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng quy trình sử dụng robot trong nhiều bệnh lý về tiêu hóa (như ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản) và tiết niệu, lồng ngực,..., góp phần nâng cao năng lực phẫu thuật chữa trị bệnh nhân ung thư trên địa bàn Thành phố.
Trong khu vực khởi nghiệp, hiện có khá nhiều start-up cùng các ý tưởng và giải pháp theo hướng ứng dụng chuyển đổi số trong ngành y tế, chiếm lĩnh thị trường y tế điện tử ở Việt Nam, đã được triển khai như e-Doctor, Med247, VOV BACSI24,... Nhiều bệnh viện ở nước ta hiện cũng đang ứng dụng các giải pháp quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí,… giúp tối giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, chờ khám, mua thuốc, thủ tục xuất viện,…
Nền tảng kết nối thiết bị và theo dõi sức khỏe từ xa TeleVital (Nguồn: ELCOM)
Việc khám chữa bệnh từ xa trên cơ sở phát huy tính năng công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt là từ sau khi đề án “Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025” được Bộ Y tế ban hành, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ đã tích cực tham gia. Một trong số đó là nền tảng kết nối thiết bị theo dõi và tư vấn sức khỏe từ xa TeleVital, do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử – Viễn thông (ELCOM) nghiên cứu và phát triển. TeleVital có khả năng kết nối với nhiều thiết bị đo y tế, hỗ trợ đo nhiều chỉ số sức khỏe: nhiệt độ, huyết áp, tiểu đường, SpO2, ECG,… Ngoài ra, nền tảng TeleVital còn cho phép bác sĩ kết nối với bệnh nhân qua cuộc gọi video, hỗ trợ tư vấn sức khỏe từ xa. Ứng dụng công nghệ AI/BigData, TeleVital hỗ trợ bác sĩ phân tích các chỉ số sức khỏe và đưa ra cảnh báo sớm cho người bệnh.
Một số nhà mạng (như FPT, Viettel) đã đưa ứng dụng AI vào chatbot tự động để thống kê tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, dưới dạng bản đồ số thời gian thực. Số người nhập viện cách ly, số người đang điều trị và đã hồi phục được cập nhật liên tục, giúp người dân bám sát diễn biến dịch bệnh, chủ động trong việc phòng ngừa. Các ứng dụng khác như Bluezone, NCOVI cũng sử dụng AI để phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 và gửi tới các cơ quan chức năng, giúp ngành y tế giám sát tốt dịch bệnh và có phương án ứng phó kịp thời. DrAid - một sản phẩm nghiên cứu khoa học về ứng dụng AI để đối phó dịch Covid-19 của Công ty VinBrain (Vingroup) cũng vừa được Hội đồng Khoa học Bộ Y tế nghiệm thu, kiến nghị đưa vào phác đồ chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc. Mô hình AI của DrAid cho Covid-19 được đào tạo trên bộ dữ liệu lớn, thu thập từ các nguồn dữ liệu mở trên thế giới và Việt Nam, cho phép giải bài toán Covid-19 một cách toàn diện, từ hỗ trợ chẩn đoán cho tới tiên lượng điều trị dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng.
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, bên cạnh những nghiên cứu, ứng dụng của các nhà nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, đã xuất hiện những đề tài nghiên cứu có giá trị từ cộng đồng sinh viên. Gần đây nhất là dự án “Nền tảng phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện” của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia TP.HCM) thực hiện, vừa xuất sắc giành giải Quán quân tại cuộc thi phát triển ứng dụng “AIoT Developer InnoWorks 2021” do Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia TP.HCM) và Tập đoàn Advantech phối hợp tổ chức.
Ứng dụng phòng chờ ảo (QQueue) tạo ra hệ thống xếp hàng trực tuyến với những tính năng nổi bật như: bệnh nhân ở nhà có thể xếp hàng như khi đang trực tiếp tại bệnh viện; dự đoán thời điểm đến lượt khám của bệnh nhân bằng công nghệ AI. QQueue giúp bệnh nhân chủ động quản lý thời gian, đến khám đúng lúc, không mất thời gian chờ. Với các bệnh viện, Qqueue giúp tích hợp nền tảng vào thẳng hệ thống hiện tại của mình mà không phải thay đổi quy trình hoạt động.
Các tính năng nổi bật của Ứng dụng QQueue (Nguồn: internet)
Với sự hỗ trợ đắc lực của QQueue, bệnh nhân hoàn toàn chủ động trong quá trình khám, chữa bệnh, tránh tụ tập đông người và tiết kiệm được thời gian; tối ưu hóa các nguồn nhân lực và ngân sách y tế, đặc biệt là hạn chế chi phí cơ sở vật chất cho phòng chờ, tăng năng suất làm việc mà không lo lắng tình trạng quá tải. Thành công của dự án cho thấy, tiềm năng khai thác các thành quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ đội ngũ sinh viên của các trường đại học tại Thành phố là khá triển vọng. Theo ông Đỗ Đức Hậu (Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam), đây là một tín hiệu đáng mừng cho Việt Nam, với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chất lượng; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhân lực trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo AIoT.
***
Hiện nay, mô hình khám, chữa bệnh trên toàn thế giới đang chuyển dịch theo xu hướng cá nhân hóa, di động và ưu tiên phòng ngừa, với các ứng dụng công nghệ sức khỏe thông minh, nhằm đem đến tiện ích tối đa cho người dân trong việc chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính vì thế, các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là AIoT vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang góp phần tạo cơ sở cho các đột phá về chuyển đổi số trong y tế.
Thu Hà
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] An Nhiên. Công nghệ IoMT trong khám chữa bệnh từ xa. https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/cong-nghe-iomt-trong-kham-chua-benh-tu-xa-275972.html
[2] Anh Ngọc. Giải pháp chăm sóc sức khỏe IoT toàn cầu đang tăng trưởng vượt bậc. https://nhandan.vn/tag/GiaiphapchamsocsuckhoeIoTtoancau-7426
[3] Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Vụ Công nghệ cao. “Nền tảng phòng xếp hàng ảo cho bệnh viện” đoạt quán quân cuộc thi “AIoT Developer InnoWorks 2021”. https://most.gov.vn/vn/tin-tuc/20659/nen-tang-phong-xep-hang-ao-cho-benh-vien-doat-quan-quan-cuoc-thi-aiot-developer-innoworks-2021.aspx
[4] Nguyễn Thị Huyền Thương, Nguyễn Thị Thu Thùy. Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-trong-cham-soc-suc-khoe-nhung-xu-huong-chinh-20201225172111933.htm
[5] Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Vụ Công nghệ cao. Nghiên cứu, phát triển và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/18404/nghien-cuu--phat-trien-va-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-y-te.aspx