Khẩu trang là một trong các biện pháp 5K nhằm phòng ngừa Covid-19. Các loại khẩu trang khác nhau sẽ có những công dụng khác nhau, và tuân thủ những quy chuẩn khác biệt. Để lựa chọn được loại khẩu trang phù hợp, an toàn cho sức khỏe, cần nhận diện đúng xuất xứ và công dụng của chúng.
Nguồn: Vinmec
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/09/2021, cả nước đã ghi nhận 790.755 ca nhiễm. Hiện nay, TP.HCM vẫn đang là địa bàn “nóng” nhất, với 388.659 trường hợp nhiễm, chiếm 49,15% số bệnh nhân cả nước. Để giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng, bên cạnh chiến lược tiêm vaccine nhằm tạo kháng thể chống lại Covid-19, thì việc tăng khả năng bảo vệ chống lây nhiễm Covid-19 là rất quan trọng. Do vậy, “5K + vaccine” (5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế – Khoảng cách) là giải pháp đang được đẩy mạnh trên cả nước.
Khẩu trang – Giải pháp hàng đầu để ngăn ngừa lây nhiễm covid -19
Theo các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 (tác nhân gây đại dịch Covid-19) rất dễ lan truyền từ người này sang người khác, chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, qua tiếp xúc hoặc đường khí dung (aerosol). Một nghiên cứu mới đây tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, các vi hạt chứa virus SARS-CoV-2 từ một bệnh nhân không đeo khẩu trang có thể di chuyển đến vùng thở của người khác trong vòng 1 phút, với khoảng cách 2m trong phòng kín. Như vậy, khoảng cách 2m chưa thật sự an toàn cho người tiếp xúc với các luồng khí dung thở ra từ bệnh nhân trong phòng kín. Ví thế, cần kết hợp đồng thời các biện pháp bảo vệ: rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách lớn hơn 2m và đeo khẩu trang để hạn chế bị lây nhiễm.
Khẩu trang có vai trò như một tấm chắn, ngăn sự phát tán các giọt bắn từ đường hô hấp của người đeo vào không khí và di chuyển sang vùng thở của người khác, khi đang hắt hơi hoặc ho. Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang không đúng yêu cầu cần thiết, có thể gây nên lãng phí, tạo ra sự khan hiếm cho cơ sở y tế, và cả tâm lý sai lầm về khả năng an toàn. Theo chỉ dẫn của Bộ Y tế, nên chọn các loại khẩu trang phù hợp theo yêu cầu sử dụng (chủng loại, người dùng, mục đích sử dụng).
Bảng 1: Phân loại khẩu trang theo chỉ dẫn của Bộ Y tế
Nguồn: Bộ Y tế
Theo đó, khẩu trang N95 được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Viện Sức khoẻ và An toàn Lao động Quốc gia Hoa Kỳ (NIOSH-42CFR84); các loại khẩu trang tương đương với khẩu trang N95 được Bộ Y tế công nhận bao gồm: khẩu trang FFP2 theo tiêu chuẩn Châu Âu (EN 149-2001); khẩu trang KN95 theo tiêu chuẩn Trung Quốc (GB2626-2006); khẩu trang P2 theo tiêu chuẩn Úc (AS/NZS1716:2012); Korea 1st Class theo tiêu chuẩn Hàn Quốc (KMOEL2017-64) và DS theo tiêu chuẩn Nhật bản (JMHLW Notification 214, 2018). Theo tài liệu kỹ thuật phát hành vào tháng 1/2020 (bản thứ 2) của 3M, hiệu suất lọc của khẩu trang N95 và các khẩu trang tương đương là gần như nhau (94%-95% trở lên).
Ở Việt Nam, khẩu trang y tế phải đáp ứng các quy định tiêu chuẩn quốc gia, ví dụ như khẩu trang y tế thông thường phải tuân thủ tiêu chuẩn TCVN 8389-1:2010; đối với khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn là TCVN 8389-2:2010; khẩu trang y tế phòng độc hóa chất phải phù hợp TCVN 8389-3:2010.
Thị trường khẩu trang tại TP.HCM
Việc đeo khẩu trang hiện đã trở thành bắt buộc tại các địa điểm công cộng để phòng chống dịch bệnh Covid-19, không chỉ dùng để lọc khói bụi, chống ô nhiễm như trước đây, khiến cho nhu cầu về khẩu trang ngày càng gia tăng.
Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch Covid-19 đã đưa nhu cầu về các trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến. Đặc biệt là nhóm sản phẩm, vật tư y tế phòng hộ cá nhân, trong đó có khẩu trang. Để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, nhiều doanh nghiệp ngành dệt - may trong nước đã bắt tay vào sản xuất các loại khẩu trang. Tại TP.HCM, có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, với công suất khoảng 12-13 triệu chiếc/ngày. Về kênh phân phối, có 2.874 điểm bán khẩu trang (gồm 234 chợ, 105 siêu thị và 2.535 cửa hàng), đáp ứng nhu cầu mua khẩu trang của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hay phải mua giá cao. Tuy vậy, một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng tình hình gia tăng nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 để trà trộn khẩu trang kém chất lượng bán ra thị trường. Thậm chí,có cả việc nhập lậu khẩu trang Trung Quốc đưa về Việt Nam. Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, tìm những nơi sâu, ngõ nhỏ cất giấu hàng hóa.
Một mặt hàng khẩu trang không rõ nguồn gốc (Nguồn: Tiền phong)
Để ngăn chặn các gian lận thương mại và đảm bảo chất lượng cho các mặt hàng chống dịch trên thị trường, qua đó góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã siết chặt kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng y tế chống dịch tại một số doanh nghiệp. Qua thực tế kiểm tra đã phát hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh khẩu trang nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, thông tin về khẩu trang. Một số doanh nghiệp khác, có máy móc, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế nhưng chưa đăng ký hoạt động doanh nghiệp, chưa được công bố tiêu chuẩn như quy định…
Với tình hình dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, nên sẽ còn nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi qua việc kinh doanh các mặt hàng y tế không rõ nguồn gốc, chất lượng. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mỗi người dân cần hiểu rõ về công dụng của các loại khẩu trang, xuất xứ cũng như chất lượng, nguồn gốc của chúng. Từ đó, lựa chọn các loại khẩu trang phù hợp, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu hạn chế lây lan dịch bệnh.
Để giúp người dân có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết về khẩu trang, Bộ Y tế đã công bố thông tin về các loại khẩu trang và cơ sở sản xuất khẩu trang y tế đạt chuẩn tại Việt Nam trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (địa chỉ https://dmec.moh.gov.vn). Để có thể tra cứu các thông tin này, người quan tâm có thể nhấn chọn chuyên mục “Kết quả dịch vụ công”; chọn chức năng “Tìm kiếm nâng cao”. Tiến hành khai báo tên doanh nghiệp hoặc tên trang thiết bị y tế vào các khu vực cho phép tìm tương ứng. Các thông tin liên quan (tên doanh nghiệp, thông tin hồ sơ, trạng thái công bố, các thông tin chi tiết liên quan đến chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy,…) sẽ được phản hồi đầy đủ, cho phép người dùng tham khảo dễ dàng.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Mai Ca. TP. Hồ Chí Minh: Siết chặt kiểm tra việc kinh doanh các mặt hàng y tế chống dịch. https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-siet-chat-kiem-tra-viec-kinh-doanh-cac-mat-hang-y-te-chong-dich-164847.html
[2] Ng.Nga. Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM kích hoạt lại sản xuất khẩu trang y tế. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nhieu-doanh-nghiep-tai-tphcm-kich-hoat-lai-san-xuat-khau-trang-y-te-1392983.html
[3] Khẩu trang rởm, máy tạo oxy lậu tung hoành thị trường mùa dịch. https://tienphong.vn/khau-trang-rom-may-tao-oxy-lau-tung-hoanh-thi-truong-mua-dich-post1366695.tpo
[4] Thiên Lan. Phát hiện mới: Khoảng cách 2 mét chưa đủ để ngăn ngừa Covid-19 trong phòng kín. https://thanhnien.vn/suc-khoe/phat-hien-moi-khoang-cach-2-met-chua-du-de-ngan-ngua-covid-19-trong-phong-kin-1453426.html
[5] Bộ Y tế. Quyết định 144/QĐ-BYT về việc hướng dẫn tạm thời về sự lựa chọn và sử dụng khẩu trang phòng chống covid-19
[6] 3M. So sánh các loại khẩu trang N95, KN95 và FFP2. https://multimedia.3m.com/mws/media/1791500O/comparison-ffp2-kn95-n95-filtering-facepiece-respirator-classes-tb.pdf