Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 9 đã gần 800.000 ca nhiễm, chủ yếu là trong đợt 4, từ 27/4 nay. Trong vòng xoáy bệnh dịch này, trên 19.000 bệnh nhân đã tử vong. Riêng tại TP.HCM, hơn 14.700 người không qua khỏi. Một con số rất đau xót, cho thấy sự tàn khốc của làn sóng dịch lần này.

 

Tuy ở TP.HCM, “tâm điểm” đợt dịch lần 4 của cả nước, tổng số bệnh nhân ghi nhận lên đến gần 400.000 người, nhưng Thành phố vẫn tiếp tục duy trì được trạng thái “tổng số ca khỏi bệnh cao hơn số lây nhiễm”, đã đạt được từ cuối tháng 8. Kết quả này có được là từ nhiều giải pháp tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương xuống địa phương, từ nỗ lực của các nhà quản lý, sự tham gia tận tâm, tận lực công hiến của các lực lượng y tế, công an, quân đội; sự hưởng ứng, ủng hộ từ mọi tầng lớp nhân dân Thành phố đối với các biện pháp của chính quyền, cả các giải pháp công nghệ và phi công nghệ.

 

Cùng với việc tăng cường độ phủ của vaccine cho người dân (đến ngày 27/9, Thành phố đã tiêm được hơn 9,7 triệu mũi, trong đó hơn 6,8 triệu người được tiêm mũi 1 và gần 3 triệu người đã được tiêm đủ mũi 2); việc triển khai mô hình “Tháp 3 tầng điều trị Covid-19”, tăng cường hội chẩn, tư vấn chuyên môn cho người bệnh Covid-19 qua hệ thống Telehealth (khám chữa bệnh từ xa); triển khai áp dụng rộng mô hình chăm sóc, cấp thuốc điều trị, quản lý F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế,… các công tác phòng chống dịch tại Thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: số tử vong do Covid-19 trên đà giảm ổn định, từ 335 người đầu tháng 9, xuống còn 96 ca vào cuối kỳ; nhiều bệnh viện dã chiến đã được tính toán các phương án ngừng hoạt động; một số bệnh viện đa khoa đã bắt đầu được trả lại công năng như thông thường, sau gần 5 tháng huy động tổng lực để “chiến đấu” với Covid-19,…

 

Ngày 30/9, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Theo Chỉ thị này, các công tác phòng chống dịch tại Thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện,chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỉ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi đạt hơn 95% (mũi 1) và trên 45% (mũi 2); một số hoạt động thí điểm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại Quận 7, huyện Cần Giờ và Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao. Có thể nói, Thành phố đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu những động thái mới nhằm từng bước vừa phục hồi, phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả trong cộng đồng.

 

Khi dịch bệnh còn hoành hành mạnh tại Thành phố và cả nước, đã thấy rõ vai trò và hiệu quả thiết thực của các khuyến cáo “5K + vaccine”, rồi “5K + vaccine + công nghệ” giúp tạo nên lá chắn thép, giảm thiểu lây lan của đại dịch. Để các hoạt động kinh tế - xã hội có thể duy trì và phát triển bền vững trong điều kiện “bình thường mới”, các giải pháp cần thiết hiện nay đã phát triển thành “5K + vaccine + thuốc + công nghệ thông tin + ý thức của người dân”.

 

Thực tiễn đã cho thấy, trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng quốc gia rộng khắp vừa qua, việc chích ngừa chỉ có tác dụng với người chưa nhiễm. Khi đã bị bệnh, cần phải có thuốc đặc trị. Do đó, việc nghiên cứu, phát triển các loại thuốc giúp giảm thiểu bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong là một yêu cầu khách quan, một thách thức mới đối với các nhà khoa học trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

 

May thay, bên cạnh những tín hiệu vui về khả năng sánh vai các cường quốc công nghệ trên thế giới về sản xuất vaccine phòng Covid-19 (Việt Nam đã có một số dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine được thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn 2,3 và một số dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài – tham khảo thêm các số Thông tin chuyên đề Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo trước đây), chúng ta cũng bước đầu đã có những nghiên cứu, ứng dụng thành công trong việc sử dụng nguồn dược liệu trong nước để bào chế ra các loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2, tác nhân gây nên đại dịch Covid-19, mà các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là những nhà tiên phong trong nước. Hy vọng rằng, các ứng dụng thử nghiệm lâm sàng của thuốc Việt sẽ mang lại kết quả đáp ứng được những mong đợi của cộng đồng.

 

BBT

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập