Vui lòng điền đầy đủ các thông tin sau

Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến cách sống, làm việc và kết nối của con người trong xã hội. Do các tác động của Covid-19, đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức và cộng đồng phải có tư duy mới, cách làm mới, nâng cao khả năng thích ứng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, TP.HCM đang xây dựng các nền tảng vững chắc, an toàn để tổ chức cuộc sống “bình thường mới” trong môi trường có Covid-19.

Trạng thái “bình thường mới” được hiểu đơn giản là sự thay đổi về các hoạt động, quan hệ xã hội và hành vi con người sau đại dịch Covid-19, là trạng thái mà tại đó đất nước vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Trong gần 2 năm qua, Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19 trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, với việc Chính phủ đề ra 6 nguyên tắc phải quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống xã hội: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

 

Vượt qua khó khăn, TP.HCM sẵn sàng cho “bình thường mới”

Dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 kéo dài, cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, bước vào một cuộc chiến chưa có tiền lệ, với nhiều mất mát, thiệt hại ngoài sức tưởng tượng. Từ một vài ca trong tháng 4/2021, đến đầu tháng 7/2021, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM bắt đầu tăng mạnh lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 27/4 đến ngày 31/10, số ca mắc Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM là hơn 432.000 người, chiếm gần 50% số ca của cả nước, số người tử vong cũng đã lên đến hơn 16.800 người. Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của Thành phố. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn TP.HCM ước tính giảm 2,8% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%, thu hút vốn FDI giảm hơn 43%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%, 3.000 doanh nghiệp giải thể, 12.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Phòng cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng của Bệnh viện Dã chiến 13, TP.HCM (Ảnh: TTXVN)

Vượt qua những thử thách do dịch bệnh Covid-19, với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, TP.HCM đã từng bước củng cố đội hình, điều chỉnh các chiến lược nhằm sớm kiểm soát được dịch Covid-19. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song hoạt động phòng, chống dịch tại Thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực (mở rộng được vùng xanh an toàn; cơ bản bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; công tác điều trị từng bước được hoàn thiện, số ca tử vong đang giảm dần,...). Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn còn rất phức tạp, nhất là khi biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, không thể quét sạch Covid-19, yêu cầu mở cửa lại nền kinh tế, nới lỏng các điều kiện giãn cách là tất yếu đối với TP.HCM, khi sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đã vượt ngưỡng. Trong bối cảnh đó, cần phải thay đổi chiến lược sống chung trong môi trường có dịch. Với nhiều giải pháp đồng bộ đang triển khai, TP.HCM vừa nỗ lực kiểm soát dịch vừa củng cố nền tảng vững chắc cho cuộc sống “bình thường mới”. Theo đó, Thành phố nới lỏng dần từng bước các hoạt động kinh tế theo lộ trình, trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân, căn cứ theo hai trụ cột là tiến độ tiêm vaccine và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể.

Những điều “bình thường mới” để bảo vệ bản thân khỏi Covid-19 (Nguồn: mattran.org.vn)

Trong các chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch và khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, TP.HCM xác định chiến lược quan trọng nhất là vấn đề y tế. Thành phố tập trung củng cố năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tập trung quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng. Mục tiêu của ngành y tế Thành phố là đảm bảo F0 điều trị tại nhà được chăm sóc tốt, các F0 chuyển nặng được nhập viện kịp thời để điều trị, hạn chế tử vong. Đối với mục tiêu bao phủ vaccine Covid-19, trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục chiến dịch tiêm vaccine, đảm bảo tiêm mũi 1 cho tất cả người trên 18 tuổi, nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao tiêm mũi 3. Cùng với đó, nghiên cứu phương án tiêm vaccine cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao như có bệnh nền, béo phì.

Để đảm bảo an toàn ở mức tối đa cho các hoạt động, TP.HCM đã và đang xây dựng, ban hành các Bộ tiêu chí an toàn cho các lĩnh vực hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội trong điều kiện mới, vừa phòng, chống dịch vừa kinh doanh, sản xuất. Mọi tiêu chí đều gắn chặt với các yêu cầu 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) cùng với các yêu cầu về tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và quy định đặc thù trong từng lĩnh vực ngành nghề, cơ quan đơn vị.

Những chiến lược này giúp TP.HCM thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, vừa đảm bảo chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân và “sức khỏe” của nền kinh tế.

 

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng, chống Covid-19

Trong thời gian qua, các giải pháp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phòng, chống dịch, như thực hiện khai báo y tế; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm,… Trong trạng thái “bình thường mới”, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội là xu hướng tất yếu để sẵn sàng đối phó với Covid-19. Hầu hết các nước trên thế giới đều tích cực ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)… để giành thế chủ động ứng phó với đại dịch trong bối cảnh “bình thường mới”. Chẳng hạn, Singapore triển khai giải pháp “3 trong 1”: TraceTogether (ứng dụng truy vết); TraceTogether token (thiết bị đeo bluetooth), SafeEntry (hệ thống check-in điện tử). Chính phủ Singapore quản lý, kiểm soát và bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu liên quan đến các ứng dụng này. Trung Quốc ứng dụng công nghệ AI, dữ liệu lớn (big data) và dữ liệu liên thông giữa các bộ ngành để tích hợp thành mã QR y tế trên hai nền tảng Wechat và Alipay nhằm truy vết, ước tính mức độ lây nhiễm virus và cấp mã QR cho người dân dựa trên phân loại theo màu. Tại Mỹ, New Zealand… để tầm soát, phát hiện triệu chứng bệnh, các quốc gia này đã ứng dụng rất hiệu quả các loại thiết bị đo thân nhiệt kỹ thuật số, camera thông minh,…

Sự kiện trực tuyến “HCA TekTalk Series: Công nghệ & Cuộc sống” chuyên đề số 3 “Công nghệ phòng, chống Covid-19 trong các bệnh viện, cơ sở y tế” (Nguồn: hca.org.vn)

Với mục tiêu lấy y tế là trụ cột, là trung tâm, bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực con người, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã và đang tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực hệ thống y tế ứng phó với Covid-19. Vừa qua, ngành y tế đã triển khai thành công các công nghệ phòng, chống Covid-19 như robot điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến; các nền tảng kết nối, tư vấn bác sĩ từ xa (nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, nền tảng Giúp tôi,…). Để phổ biến thêm nhiều giải pháp công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh “bình thường mới” đến các đơn vị ngành y, gần đây, ngày 7/10, Sở KH&CN TP.HCM đã phối hợp Hội Tin học TP.HCM tổ chức sự kiện “HCA TekTalk Series: Công nghệ & Cuộc sống” chuyên đề số 3 “Công nghệ phòng, chống Covid-19 trong các bệnh viện, cơ sở y tế”. Tại sự kiện, các doanh nghiệp trong nước đã chia sẻ, giới thiệu nhiều công nghệ hỗ trợ phòng, chống Covid-19 một cách hiệu quả đã được các đơn vị này dày công nghiên cứu.

Ví dụ, “Giải pháp theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa và quản lý ra vào bệnh viện” do Công ty TMA Innovation cung cấp, với 2 sản phẩm mCare và T-Check. Trong đó, mCare là thiết bị đeo (đồng hồ) cho phép theo dõi nồng độ oxy trong máu, nhịp tim, huyết áp, các chỉ số sức khỏe, cũng như gởi tín hiệu cảnh báo và kết nối với bác sĩ từ xa. mCare hỗ trợ theo dõi đồng thời nhiều bệnh nhân từ xa, giúp phát hiện sớm biến chứng để xử lý kịp thời trước khi chuyển biến nặng. mCare hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và nhân viên y tế nên giảm thiểu rủi ro lây nhiễm, hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà rất hiệu quả. T-Check được công ty này giới thiệu là giải pháp quản lý ra vào và sàng lọc bệnh nhân tự động. Thiết bị này hỗ trợ nhiều tính năng: đo thân nhiệt tự động, cảnh báo người không đeo khẩu trang, nhận diện khuôn mặt, khai báo y tế,… với ưu điểm nhỏ gọn, dễ di chuyển và lắp đặt; chi phí thấp; dữ liệu được lưu và xử lý tại server nội bộ do các đơn vị quản lý.

Để giúp các cơ quan quản lý có thêm công cụ nhằm cung cấp thông tin một cách trực quan, kịp thời và rõ ràng về tình hình dịch bệnh cho người dân, Công ty Cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas đã giới thiệu “Bản đồ Covidmap”. Đây là giải pháp nằm trong top 10 công nghệ sáng tạo phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại chương trình “Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch Covid-19 tại TP.HCM năm 2021” (HIS-COVID 2021) do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức. Covidmap ứng dụng công nghệ bản đồ “Make in Vietnam”, cho phép tiết kiệm chi phí triển khai và vận hành. Giải pháp có khả năng tùy biến cao, giúp các tỉnh, thành có thể chủ động thêm nhiều lớp dữ liệu khác như thông tin tiêm chủng, các cửa hàng thiết yếu,… Hiện giải pháp CovidMap đã được triển khai tại hơn 20 tỉnh, thành trên toàn quốc, với hơn 120.000 địa điểm được đưa lên hệ thống, tổng số lượt truy cập ước tính trên 5 triệu lượt.

Nhiều giải pháp công nghệ khác cũng được các doanh nghiệp công nghệ giới thiệu tại hội thảo như giải pháp “An toàn trong công tác phòng chống dịch Covid ở các bệnh viện, cơ sở y tế với Cloud Camera AI” (Công ty VNG Cloud); “Nền tảng cung cấp kiến thức và môi trường tư vấn sức khoẻ để phòng, chống Covid-19 – SureMD” (Công ty Tin học Lạc Việt).

Sở KH&CN TP.HCM đã và đang triển khai nhiều hoạt động kết nối những giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế như chương trình “Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 năm 2021 - HIS-COVID 2021”, chương trình kết nối đầu tư (các quỹ đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước thông qua chương trình SpeedUp); kết nối hình thành, phát triển hệ sinh thái, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; hình thành chương trình hợp tác dài hạn giữa tư nhân và nhà nước nhằm tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho TP.HCM liên quan đến y tế.

Để hiện thực hóa thông điệp sống khỏe trong môi trường có dịch, với sự hỗ trợ đắc lực của các giải pháp công nghệ tiên tiến và sự chung tay, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, TP.HCM đã từng bước đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”, thích ứng với môi trường có dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế, xứng đáng với vị thế hàng đầu cả nước.

Như Hà

--------------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] TS. Đỗ Văn Quân. Thích ứng với “trạng thái bình thường mới” trong phòng, chống dịch Covid-19. http://mattran.org.vn/chuong-trinh-phoi-hop/thich-ung-voi-trang-thai-binh-thuong-moi-trong-phong-chong-dich-covid19-40395.html
[2] Hoàng Anh Tuấn. Sẵn sàng cho cuộc sống 'bình thường mới' - Bài 2: Chắt chiu, củng cố từng thành quả đạt được. https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/san-sang-cho-cuoc-song-binh-thuong-moi-bai-2-chat-chiu-cung-co-tung-thanh-qua-dat-duoc-20210922170054561.htm
[3] Hoàng Anh Tuấn. Sẵn sàng cho cuộc sống “bình thường mới” khi vẫn còn COVID-19: Bài cuối - Đoàn kết, quyết tâm tạo dựng tương lai an toàn, bền vững. https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/san-sang-cho-cuoc-song-binh-thuong-moi-khi-van-con-covid-19-bai-cuoi-doan-ket-quyet-tam-tao-dung-tuong-lai-an-toan-ben-vung/1397db43-7928-4e51-98d3-89bad1a1443e
[4] Đức Huy. Công nghệ số phòng, chống Covid-19 trong lĩnh vực y tế. https://nld.com.vn/kinh-te/cong-nghe-so-phong-chong-covid-19-trong-linh-vuc-y-te-20211009180443552.htm?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR1krEzgbZQAXJkNLxLhQqrwyZyrRvJ801AYaSi-FFBFwKV4EbO5ShyTlto
[5] Nguyễn Cảnh. Sử dụng Robot phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. https://cand.com.vn/y-te/su-dung-robot-phuc-vu-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-nang-i625534/

Back to top

Chưa có tài khoản Đăng ký ngay!

Đăng nhập