Giúp người tiêu dùng phân biệt các mặt hàng khác nhau, nhãn hiệu âm thanh đang dần trở thành một dấu hiệu nhận diện của sản phẩm, dịch vụ. Được xếp vào nhóm nhãn hiệu phi truyền thống, nhãn hiệu âm thanh sẽ giúp gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường cho doanh nghiệp. Đây cũng là xu thế tất yếu của thế giới.
Mở rộng bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Nguồn: Quochoi.vn
Nhãn hiệu âm thanh
Nếu như nhãn hiệu truyền thống được cấu thành từ các chữ số, chữ cái hoặc hình vẽ thì nhãn hiệu phi truyền thống lại được cấu thành từ cả các dấu hiệu không nhìn thấy được (như âm thanh, mùi vị, xúc giác) và những dấu hiệu nhìn thấy được (như nhãn hiệu ba chiều, nhãn hiệu âm thanh-nốt nhạc, nhãn hiệu động hay nhãn hiệu đoạn phim,…). Loại nhãn hiệu phi truyền thống dễ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và thường gắn liền với các sản phẩm công nghệ đang được quan tâm nhiều hiện nay là nhãn hiệu âm thanh.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm/dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp bởi các doanh nghiệp khác nhau. Nhãn hiệu chính là yếu tố để nhận diện, truyền tải thông tin một cách nhanh chóng tới người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm đúng đắn dựa trên các biểu hiện, dấu hiệu liên quan tới sản phẩm/dịch vụ được lưu giữ trong trí nhớ của họ. Nguồn: Luật Sở hữu trí tuệ 2005 |
Ở Sổ tay hướng dẫn Quy trình kiểm tra nhãn hiệu, ấn bản tháng 7/2021 của Mỹ, nhãn hiệu âm thanh có thể là một đoạn âm thanh hoặc là sự kết hợp từ các loại âm thanh khác nhau (như nhạc cụ, giọng hát, tiếng kêu của động vật, tiếng phát ra từ các vật dụng) đủ để “tạo ra trong tâm trí người nghe sự liên tưởng của âm thanh với hàng hóa hoặc dịch vụ”, giúp người tiêu dùng có thể ghi nhớ và phân biệt với một sản phẩm khác. Theo Hiệp hội Nhãn hiệu Hàng hóa quốc tế (INTA), nhãn hiệu âm thanh là loại nhãn hiệu có thể bao gồm một giai điệu, một đoạn nhạc hoặc âm thanh khác. Nhãn hiệu âm thanh có thể trích, hoặc toàn bộ tác phẩm âm nhạc. Điển hình như tiếng sư tử gầm của Hãng truyền hình MGM, đăng ký bảo hộ năm 1986 tại Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Liên bang Mỹ (United States Patent and Trademark Office- USPTO); đoạn nhạc “Looney Tunes Theme Song” đã được bảo hộ dưới hình thức tác phẩm âm nhạc trước đó nhưng vẫn tiếp tục được bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vào năm 2001 tại USPTO (đăng ký số 2469364). Đoạn nhạc nổi tiếng đến mức, khán giả xem Looney thời điểm đó chỉ cần nghe nhạc là biết được diễn biến trong phim.
Tiếng nhạc “Looney Tunes Theme Song” là một nhãn hiệu âm thanh nổi tiếng của Time Warmer.
(Nguồn: themoviethemesong.com)
Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Trước đây, âm thanh chưa được chấp nhận là dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu, nên các sản phẩm có yếu tố âm thanh chưa nhiều. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng âm thanh làm dấu hiệu thu hút, tạo ấn tượng với người tiêu dùng, giúp nhận biết và liên tưởng đến hàng hóa của doanh nghiệp. Năm 1950, nhãn hiệu âm thanh “3 hồi chuông” của Đài NBC đã được chấp nhận bảo hộ đầu tiên trên thế giới. Ba nốt Sol, Mi và Đô đã đánh dấu tên tuổi NBC: bất kể ai nghe thấy cũng lập tức liên tưởng âm thanh đó là NBC.
Tuy đã trải qua gần 70 năm, nhưng số lượng nhãn hiệu âm thanh đăng ký được bảo hộ vẫn còn khá ít. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) cho thấy, tính đến tháng 9/2021, mới có 321 nhãn hiệu âm thanh được đăng ký bảo hộ, chiếm khoảng 0,02% tổng số nhãn hiệu được đăng ký khác.
Số lượng bảo hộ nhãn hiệu (từ năm 1996 đến 2021).
(Nguồn: EUIPO Statistics in European Union Trade Marks)
Mặc dù âm thanh đã được công nhận là một dạng nhãn hiệu dùng để phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm/dịch vụ, nhưng để nhận biết âm thanh, còn phụ thuộc nhiều vào thính giác và khả năng cảm thụ âm thanh của người nghe. Chính vì vậy, ở từng trường hợp cụ thể, từng quốc gia, khu vực sẽ có các quy định khác nhau về điều kiện bảo hộ và thẩm định nhãn hiệu âm thanh.
Ở Châu Âu, mọi dấu hiệu đều có thể đăng ký làm nhãn hiệu và phải thể hiện dưới dạng đồ họa. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về loại hình hoặc độ dài âm thanh có thể được sử dụng làm nhãn hiệu. Tức là, âm thanh dù là một giai điệu, một đoạn chuông điện thoại hay hình ảnh sóng âm (bao gồm một file âm thanh MP3),…đều có thể đăng ký làm nhãn hiệu, miễn đáp ứng được yêu cầu về “khả năng phân biệt”.
Đối với Úc, quy định về nhãn hiệu âm thanh rộng hơn so với Châu Âu. Nhãn hiệu âm thanh bao gồm mọi thứ có thể nghe được (một đoạn nhạc, một phần bài hát hay những âm thanh phát ra từ tiếng động của máy móc hoặc tiếng chó sủa, tiếng vịt kêu, sư tử gầm, tiếng chuông, tiếng khóc của em bé,...) và phải đáp ứng được yêu cầu giúp người tiêu dùng xác định được nguồn gốc thương mại của hàng hóa/dịch vụ. Tài liệu bảo bộ nhãn hiệu âm thanh gồm ký hiệu âm nhạc hoặc các tệp MP3 có biểu diễn đồ họa phù hợp, cho thấy sự phân phối năng lượng ở các tần số khác nhau là được. Phần lớn các đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh ở Úc được cấp văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm, dịch vụ như thảm trải, dịch vụ cung cấp rau quả đông lạnh, mì, dịch vụ máy tính, an toàn giao thông, điện ảnh.
Theo Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu của Mỹ (USPTO), nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ nếu “ngẫu nhiên, độc đáo, có khả năng phân biệt và có thể được sử dụng nhằm tạo ấn tượng trong tâm trí người nghe và khi bắt gặp lại, người nghe có thể nhận ra sản phẩm hoặc dịch vụ đó xuất phát từ một nguồn gốc thương mại cụ thể, dù không rõ tên nguồn”, ví dụ như tiếng đồng hồ báo thức, tiếng thiết bị báo động,….USPTO yêu cầu người nộp đơn phải nộp một bản sao âm thanh để làm rõ bản mô tả âm thanh dự kiến được bảo hộ. Ở Mỹ, những âm thanh thường được sử dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là: tiếng kêu của động vật, lời nói hoặc tiếng hát theo giai điệu, tạo ra những âm thanh khác nhau hoặc nhịp trống ngắt quãng, tiếng gõ cửa bằng tay 2 lần, tiếng vỗ tay, tiếng dẫm mạnh và kết thúc bằng một tiếng vỗ tay với một âm thanh kêu sột soạt,...
Riêng với Ấn Độ, ngoài những dấu hiệu âm thanh có khả năng phân biệt, còn có thêm điều kiện giới hạn thời gian truyền tải âm thanh, ví dụ như “thời lượng không quá 30 giây”, nhằm đảm bảo âm thanh đủ để người tiêu dùng ở trình độ trung bình có thể ghi nhớ và phân biệt được.
Tại Việt Nam, nhãn hiệu âm thanh còn khá mới với doanh nghiệp. Luật Sở hữu trí tuệ 2019 cũng chưa có quy định liên quan đến việc xem xét và đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Chính vì vậy, chưa có giải pháp bảo vệ quyền đối với âm thanh mà các doanh nghiệp sử dụng “như nhãn hiệu”. Do đó, để đáp xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, đồng thời thực hiện nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh theo cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký năm 2018, nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam đã được triển khai nghiên cứu, và đang dần trở thành hiện thực, tại dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Nhìn chung, ngày càng nhiều quốc gia quan tâm, chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Một số nước đã đưa ra các quy định pháp luật cụ thể về nhãn hiệu âm thanh, từ đó,giúp phát huy tối đa tính độc đáo, sáng tạo, mới lạ của nhãn hiệu âm thanh, góp phần giúp các doanh nghiệp tạo dựng được các nhãn hiệu mới, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Những lưu ý về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam
Tuy đã có nhiều quan tâm hơn, nhưng thực tế việc bảo hộ âm thanh ở các nước vẫn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc xác lập quyền. Nhất là khi điều kiện vật chất của cơ quan thẩm định chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định cho các nhãn hiệu phức tạp. Để bảo đảm yêu cầu thẩm định nhãn hiệu âm thanh, sắp tới sẽ được phép đăng ký tại Việt Nam, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Phương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) tại Phiên họp lần thứ 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, cần tạo hàng rào bảo hộ, qua sửa đổi điều kiện bảo hộ nhãn hiệu quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, cho phép nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện là dấu hiệu nhìn thấy được và dấu hiệu không nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc các hình thức khác. Bổ sung quy định chi tiết về mẫu nhãn hiệu âm thanh, dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa hoặc các dạng khác như nốt nhạc hoặc sóng âm thanh.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thủ tục đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu chứa các dấu hiệu không nhìn thấy được, cũng cần có sự đồng bộ về dữ liệu. Toàn bộ các thông tin dữ liệu đăng ký bảo hộ của các quốc gia chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh phải được triển khai trực tuyến. Các tài liệu trực tuyến sẽ được sử dụng để đăng tải lại trên “Công báo sở hữu công nghiệp” trực tuyến, cũng như hệ thống dữ liệu mà bất kỳ ai có internet cũng đều có thể tiếp cận được, theo bà Nguyễn Khánh Linh (Công ty Cổ phần sở hữu trí tuệ Bross & cộng sự).
Ngoài ra, cần nâng cao các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, để doanh nghiệp hiểu đúng về nhãn hiệu âm thanh. Khả năng khi cam kết CPTPP về bảo hộ âm thanh có hiệu lực tại Việt Nam, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài nộp đơn đăng ký. Vì vậy, trước khi có ý định đăng ký nhãn hiệu âm thanh, doanh nhiệp cần phải lưu ý rà soát thông tin, tránh việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.
Vân Anh
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính
[1] Thanh An. Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh: Lần đầu áp dụng tại Việt Nam. https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/bao-ho-nhan-hieu-am-thanh-lan-dau-ap-dung-tai-viet-nam/2021101411382930p1c785.htm
[2] Nguyễn Khánh Linh. Thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi ở các nước phát triển và gợi ý cho Việt Nam. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/2736/thuc-tien-bao-ho-nhan-hieu-am-thanh-va-mui-o-cac-nuoc-phat-trien-va-goi-y-cho-viet-nam.aspx
[3] Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn. Tổng quan về nhãn hiệu phi truyền thống. https://ipvietnam.gov.vn/documents/20182/834910/B%c3%a0i+1_T%e1%bb%95ng+quan+v%e1%bb%81+NH+phi+truy%e1%bb%81n+th%e1%bb%91ng.pdf/70cc63c0-4a17-462e-a00f-e22136f0ed07
[4] Dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tháng 10-11/2021. https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7371
[5] Trademark Manual of Examining Procedure (TMEP). https://tmep.uspto.gov/RDMS/TMEP/Oct2012#/Oct2012/TMEP-1200d1e2927.h
[6] EUIPO Statistics for European Union Trade Marks. 1996-01 to 2021-09 Evolution. https://euipo.europa.eu/tunnel-web/secure/webdav/guest/document_library/contentPdfs/about_euipo/ the_office/statistics-of-european-union-trade-marks_en.pdf